Vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội (2007-2008) khu vực các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên, nhằm tìm ra những giải pháp tổ chức lễ hội tốt hơn và mang tính chuyên nghiệp hơn.
Nhân dịp này, phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Vương Duy Bảo (V.D.B), Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) về một số vấn đề liên quan…
* P.V: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian qua?
- Ông V.D.B: Công tác quản lý và tổ chức lễ hội vừa qua cơ bản đã bảo đảm các quy định của Nhà nước, theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng về mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cơ sở vật chất tại các lễ hội đã được đầu tư nâng cấp, quy mô tổ chức dịch vụ có tiến bộ. Trình độ quản lý và tổ chức lễ hội ở từng địa phương đang từng bước được nâng lên. Những lễ hội lớn và nhiều lễ hội quy mô làng xã được nâng tầm hơn so với những năm trước đã góp phần chấn hưng văn hóa dân tộc và phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của mỗi địa phương…
Ông Vương Duy Bảo.
* P.V: Dư luận gần đây cho thấy những yếu kém, tiêu cực trong hoạt động lễ hội ngày càng gia tăng, kéo dài ngày, phô trương, lãng phí... Ông có thể cho biết nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém này?
- Ông V.D.B: Chính quyền và ngành VH-TT&DL ở một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo sâu sát, còn buông lỏng, chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành hoạt động lễ hội. Tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi của địa phương để tập trung khai thác giá trị kinh tế mà làm phai mờ bản sắc văn hóa của lễ hội. Cán bộ văn hóa cơ sở thiếu kinh nghiệm và kiến thức nên khó khăn trong công tác tham mưu, điều hành tổ chức lễ hội, những vấn đề mới phát sinh chưa được kịp thời phát hiện, điều chỉnh bằng chế tài cụ thể.
* P.V: Bộ VH-TT&DL đã có những định hướng và giải pháp gì cho công tác tổ chức lễ hội ngày càng đi vào chiều sâu?
- Ông V.D.B: Ngoài các lễ hội dân gian mang tính truyền thống, tìm về dấu tích xưa; lễ hội tôn giáo chú trọng bản sắc, hướng thiện thì các lễ hội mới không có công thức chung, không bó buộc trong khuôn khổ, loại hình. Phải hình thành hệ thống sản phẩm lễ hội du lịch mới mang tính ổn định đặc sắc như lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, Hoa Đà Lạt, Festival Huế, sắp đến là pháo hoa Đà Nẵng… Bên cạnh đó cũng hình thành một chuỗi lễ hội để kéo du khách lưu trú lâu dài và liên tục. Đó là những vấn đề mà Bộ VH-TT&DL cùng các địa phương cần ngồi lại để tìm hướng đi thích hợp hơn, phải “gạn đục khơi trong” chứ không tổ chức tràn lan gây tốn kém.
Lễ hội là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quý giá của quốc gia. Vấn đề gìn giữ bản sắc dân tộc và khai thác, phát huy giá trị của lễ hội để phát triển kinh tế là yêu cầu và cũng là thách thức mới trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay. Nghệ thuật là phải sáng tạo, dấu ấn riêng, con đường mới. Theo tôi, muốn làm được điều đó đòi hỏi bản lĩnh của lãnh đạo địa phương, ban, ngành tổ chức các lễ hội. Về quản lý lễ hội trong thời gian đến, Bộ VH-TT&DL sẽ chú trọng tới giải pháp quản lý Nhà nước về lễ hội thông qua hệ thống các văn bản pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về thực hiện chống lãng phí, phiền nhiễu, mê tín dị đoan, kinh doanh vụ lợi… Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về lễ hội; lồng ghép thực hiện nếp sống văn minh; mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tổ chức lễ hội trong nước và quốc tế…
NGỌC HÂN (Thực hiện)
.
.
Chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội
Thứ Hai, 04/08/2008, 10:36 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.