.

Đêm rất trong

.

Truyện ngắn của TRẦN KỲ TRUNG

Cuối cùng, sau ngày về lại quê hương, mất bao nhiêu ngày đi tìm vất vả ông Minh cũng gặp lại người yêu cũ cùng đứa con của mình. Chỉ tiếc một điều, đúng là ông gặp lại người yêu cũ nhưng... chỉ là một tấm di ảnh trên bàn thờ. Bà đã mất được gần năm năm rồi. Ông Minh nhìn tấm ảnh của người yêu, chụp lúc còn thanh niên, đôi mắt rất buồn như nhìn ông. Ông nhìn như thôi miên vào tấm ảnh và cứ để cho hai hàng nước mắt đặc quánh lăn từ từ trên má mình. Buồn quá!

Minh họa : MINH NGUYỄN


Trước khi đến với bà Thảo, ông Minh đã có một mối tình rất đẹp với người trong ảnh kia. Cũng chỉ vì lý lịch, thành phần rồi cuộc chiến chinh đầy bất trắc có cả nước mắt, sự chia ly mà cả dân tộc phải chịu đựng, hai người đi hai ngả. Dẫu thế ông không thể quên người yêu cũ, nặng tình lắm. Ông Minh nghĩ, chỉ có người này mới hiểu ông, thương ông nhất. Vì chỉ có thế mới dám hiến thân cho ông, cho ông một người con trai, nuôi nó đến lớn, không lấy ai khác, cho đến lúc bà ấy mất. Còn đối với bà Thảo, vợ ông hiện giờ, khi ra Bắc ông xây dựng theo yêu cầu tổ chức, đúng thành phần, cán bộ cốt cán, đảng viên. Trong một lúc cạn nghĩ... biết không thể nào đến được với người yêu cũ, khi tổ chức gợi ý, ông Minh đồng ý xây dựng với bà Thảo.

Sau này ông Minh mới thấy hết sức sai lầm khi lấy người mình không yêu. Mọi quan hệ, kể cả chuyện sinh con đẻ cái, tất cả làm như nghĩa vụ cho xong. Ông Minh không chê bà Thảo, đó là  một người đàn bà nông thôn, thật thà, nín nhịn, hết lòng vì chồng, vì con. Nhưng không hiểu sao giữa ông và bà Thảo lúc nào cũng như có một khoảng cách, từ cách ăn nói đến chuyện ứng xử. Ăn cơm xong ông Minh lại ngồi một chỗ uống nước trà, đọc báo, xỉa răng kệ cho vợ làm gì thì làm. Bà Thảo hỏi, ông trả lời nhát gừng, lấy lệ. Tiền lương lĩnh về, ông trích ra hai phần ba đưa cho vợ, coi như xong trách nhiệm. Mỗi buổi chiều, xong việc, ông hay ngồi vẩn vơ nghĩ đến người yêu cũ, trong một nỗi buồn chỉ riêng ông hiểu... Bà Thảo như ngầm hiểu điều đó, có lần bà nói với ông khi mấy đứa con đi học, đi làm:

- Tôi biết ông không yêu tôi, nhưng chỉ mong ông nghĩ đến mấy đứa con, đừng làm điều gì cho chúng nó nghĩ không phải về tôi và ông. Còn tôi, tôi thương ông thực tình. Tôi xin ông cho tôi chăm sóc ông lúc trái gió, trở trời. Ông cũng đừng trách mắng tôi trước mặt con cái để chúng nó buồn...

Ông Minh đồng ý điều đó. Trước mặt con cái, giữa ông và bà Thảo coi như không có việc gì xảy ra, vẫn ăn cơm, vẫn nói chuyện... Chỉ đến tối, hai người vào giường ngủ lại quay lưng vào nhau. Tuổi già không đòi hỏi sinh lý nữa, nhất là không thích nhau thì cũng chẳng làm được việc gì,  ngoài chuyện cố gắng ... ngủ.

Đứa con riêng của ông với người yêu cũ giờ đã là một gã đàn ông làm nghề bốc vác thuê có gia đình và ba đứa con ở trong một ngôi nhà sập sệ. Thấy ông Minh cứ đứng nhìn tấm ảnh của mẹ trên bàn thờ thì gã sụt sùi:

- Lúc má còn sống vẫn nhắc về ba và tin có ngày ba sẽ về lại. Chỉ tiếc khi ba về, má lại không còn... Còn con bây giờ sống khổ quá!
Gã lại khóc. Mấy đứa cháu nội của ông ôm chân gã, khóc theo. Con vợ của gã đứng nép vào góc nhà cũng len lén lấy tay chùi nước mắt. Ông Minh thấy cảnh đó chịu không được. Ông lại nhìn lên tấm ảnh, đôi mắt buồn của người yêu cũ nhìn ông như muốn nói : “...Đời em khổ vì không đến được với anh. Nếu anh còn nhớ đến em, em mong anh giúp con và mấy đứa cháu nội cho qua  lúc khốn khó này”. Ông Minh nhìn thằng con trai và mấy đứa cháu nội tự thấy trách nhiệm của mình.  Ông vỗ vai gã đàn ông, nói với giọng ân cần:

- Thôi đừng khóc nữa con! Mất má thì còn ba. Ba sẽ lo cho con.  Trước mắt phải làm thế nào cho kinh tế gia đình của con ổn định cái đã.
Ông Minh nói thế cho nhẹ lòng, nhưng việc giúp đỡ gia đình đứa con riêng là cả vấn đề. Lương cán bộ trung cấp như ông có bao nhiêu đâu. Chế độ tem phiếu Nhà nước cung cấp cho ông cũng có hạn. Một tháng ông chỉ có nửa cân đường, sáu lạng thịt, một năm, năm mét vải... Ông lo cho mấy đứa con đã vất vả, nếu như không có bàn tay tần tảo của bà Thảo trong thời buổi gạo châu, củi quế làm sao gia đình đủ ăn được. Ông lại nghĩ đến mấy đứa con ông, chúng nó là sợi dây ràng buộc giữa ông và bà Thảo, ông không nỡ để chúng biết ông đã đến nhà người yêu cũ, lại còn có một người anh cùng cha khác mẹ. Chúng biết tin này chắc sẽ bị sốc. Ông nói với gã đàn ông:

- Còn sống, ba sẽ không để cho gia đình con khổ. Duy nhất ba yêu cầu con, tuyệt đối không cho ai biết về chuyện này. Hằng tháng nếu ba không đến được, thì ba sẽ gửi tiền qua bưu điện hoặc nhờ người mang đến. Con cho ba cái địa chỉ ở đây...

Gã đàn ông nhìn ông Minh với con mắt hàm ơn rồi gật đầu, sau đó gã lập cập lấy giấy bút ra ghi địa chỉ.

Ông Minh về nhà, những đêm ngồi bên ấm trà ông suy nghĩ lung lắm. Tiền lương lĩnh về chi tiêu thế nào để có một khoản dôi ra đưa cho gia đình thằng con riêng? Rồi làm sao không cho bà Thảo và các con ông biết. Ông nhịn tiền ăn sáng, nhưng sáng sáng vẫn giả đò ra quán ăn. Ông không mua báo nữa, đi đọc ké người ngồi bên cạnh hoặc chịu khó đi bộ ra Ủy ban đọc báo treo tường... Cứ thế ông ky cóp từng đồng để gửi cho gia đình của thằng con trai. Có lúc trốn các con, trốn bà Thảo trực tiếp ông đưa đến. Cũng có lúc ông lại nhờ mấy người bạn rất thân bí mật đưa hộ.

Thực ra chuyện đưa tiền giúp cho gia đình của người con riêng, ông không lo mà lo nhất chuyện này bà Thảo biết. Bà ấy biết làm to chuyện, hay như xui mấy đứa con đến phá nhà gã đàn ông kia, hoặc báo cáo chuyện này ra chi bộ, tổ chức cơ quan, ông Minh còn mặt mũi nào nhìn bạn bè, con cái, đã thế lại dính đến cái tội lừa tổ chức nữa!!! Vì thế ông cố gắng giấu. Khốn nỗi chuyện giấu giếm của ông nhiều lúc cũng vụng về. Như chuyện ông nói ăn sáng rồi thế mà có mấy củ mỳ bà Thảo mua, người ta luộc còn sống sượng, ông ăn ngon lành khiến cho bà Thảo nhìn ông, ánh mắt vừa ngạc nhiên, vừa thương hại.
 
Nhiều lúc sau những màn kịch vụng về giấu vợ, giấu con, nghĩ lại, ông Minh tự trách mình và có suy nghĩ  thế này. Chuyện này trước sau rồi cũng bị lộ vì nhiều chuyện ông không thể khắc phục được như tại sao mấy tháng rồi ông lại không đưa tiền lương cho vợ? Rồi có lúc ông lại bỏ cơm đi những đâu? Rồi lại hay ngồi bần thần nghĩ ngợi, ai gọi cũng không trả lời... Có một điều lạ, tuy thay đổi rõ lịch sinh hoạt hằng ngày, cách chi tiêu, đến chuyện ăn uống... của ông Minh như thế hình như bà Thảo không biết,  bà không hề hỏi chuyện lương của ông, vẫn im lặng như một cái bóng, lặng lẽ với những việc của mình làm, chỉ có ánh mắt bà nhìn ông, nhiều lúc trông lạ lắm.

Chính điều đó đã khơi dậy lòng thương hại của ông đối với bà, sao lại có một người đàn bà tội đến thế?  Sợ chồng đến thế? Ông Minh thấy chính mình có lỗi với vợ trong chuyện này. Mấy lần sau bữa cơm, khi bà Thảo đưa cho ông ly nước và chiếc tăm xỉa răng, ông định thú nhận hết mọi chuyện với bà. Nhưng không hiểu sao, ông nín lặng...

Mọi chuyện sẽ diễn ra bình thường nếu như căn bệnh đau dạ dày của ông không tái phát. Bệnh quá nặng, phải mổ, phải nằm điều trị. Nằm trong phòng hồi sức, lúc tỉnh táo, tuy bị vết mổ hành hạ, ông Minh không quan tâm đến nó mà ông lại nghĩ chuyện tháng này rồi cả tháng sau, làm sao có tiền đưa cho gia đình thằng con trai. Cứ nghĩ cảnh mấy đứa cháu nội ngồi vét nồi cơm cháy không có thức ăn là ông Minh chảy nước mắt. Chắc chúng trông chờ khoản tiền, tuy nhỏ nhoi của ông, nhưng cũng giúp cho gia đình ấy đắp điếm qua vài ngày. Bây giờ bị bạo bệnh, bao nhiêu tiền đổ vào đây hết, lo tiền thuốc còn chưa xong,  ông lấy đâu tiền để lo gia đình của thằng con trai?

Nằm trên giường bệnh, có lúc ông thở dài, mất ngủ...
Đến hai tháng nằm ở viện, bệnh tình của ông mới bớt. Khi ra viện người xanh mướt, lẽ ra cần tĩnh dưỡng, ông Minh lại không làm thế mà cố gắng đến nhà thằng con riêng xem hai tháng qua gia đình nó sống như thế nào?
Khi thấy ông đến lại cho biết thời gian qua bị bệnh, gã đàn ông trách ông:
- Trời ơi! Chuyện nghiêm trọng như thế mà ba lại không nói cho con biết. Nói dối con và các cháu làm chi...
Ông Minh ngạc nhiên ;
 - Ba nói dối con điều chi?
 Gã đàn ông kể lể:
 - Có một bác gái hằng tháng cứ đến đây đưa tiền cho con nói là của ba gửi, vì ba có việc phải đi xa vài tháng mới về...
Nghe thằng con nói như thế, ông giật mình, chẳng lẽ đó là bà Thảo??? Ông tả vội hình dáng, lời nói của vợ, gã đàn ông gật đầu xác nhận:
- Đúng rồi, đúng bác gái đó. Có hôm bác đến còn tắm cho mấy đứa con của con nữa, quạt cho chúng ngủ rồi bác ấy mới về...
- Thế làm sao bà ấy biết lại tìm đến con? - Ông Minh hỏi.
Thằng con ông giải thích:
- Hình như... có ai nói cho bác ấy địa chỉ ở đây, bác ấy biết.
Nghe thằng con nói vậy, ông Minh sững sờ. Không lẽ chuyện mình có con riêng, bà ấy biết lại không nói? Mà sao bà ấy bí mật giúp con của mình để làm chi? Bao nhiêu câu hỏi trong đầu ông muốn gặp vợ  tìm ra lời giải đáp.

Nhưng mọi chuyện đã muộn rồi. Bà Thảo bị thương rất nặng trong một tai nạn hy hữu. Vừa ra khỏi nhà, bà Thảo bị một chiếc xe máy tông vào, đầu đập xuống đường. Trong phòng hồi sức cấp cứu, bà Thảo nằm đó, thở mệt nhọc, mấy đứa con vây quanh, nét mặt lo lắng. Đến lúc này ông Minh mới thấy mình có lỗi với vợ biết bao nhiêu. Ông nắm tay vợ nói nghẹn ngào:

- Thảo ơi! Anh có lỗi với em! Em có tha lỗi cho anh không?
Bà Thảo mở mắt, nhìn ông hai hàng nước mắt chảy, nói những câu ngắt quãng:
- Em đến định đưa tiền cho... con. Nhưng... Con của anh... em cũng coi như con của em... thương lắm! Em giấu anh vì... sợ... anh bỏ em và các con... Đừng bỏ em và... các con ... nghe anh! Anh đón chúng nó về ... sống chung...
Nói thế rồi bà Thảo nhắm mắt.

Hội An, đầu hè 2008
T.K.T
 

;
.
.
.
.
.