.
Hai mươi năm ngày mất của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh ( 29-8-1988 - 29-8-2008)

Người viết kịch đau đáu hồn thơ

.

Lần đầu tiên tôi biết Lưu Quang Vũ là lần  tôi được nhà thơ Trinh Đường mời đến (đúng ra là được gọi đến chơi) báo Văn Nghệ, một thánh đường cao ngất đối với những cây bút mới tập viết như tôi hồi đó. Đâu như cuộc gặp mặt một vài cộng tác viên thơ trẻ của báo. Rón rén ngồi tận cuối dãy, tôi thấy Vũ mặc đồ bộ đội màu xanh lá cây, ngồi cạnh nhà thơ Chế Lan Viên.
 

Lưu Quang Vũ. (Ảnh tư liệu)
Vũ cúi  mặt, nhìn chăm chăm gì đó dưới gầm bàn, thỉnh thoảng lại ngọ nguậy trong lúc nhà thơ lớn chậm rãi giảng giải, nhận xét về thơ những năm đầu chống Mỹ bằng chất giọng Quảng Trị trầm bổng. Với tâm trạng “chàng sinh viên nghèo mang mặc cảm trai làng” của mình, thỉnh thoảng tôi lại nhìn về phía Vũ, nghĩ rằng cái anh chàng này chắc phải kiêu lắm. Mãi sau này nghe chính Vũ thổ lộ, tôi mới biết rằng trong buổi ấy, Vũ cũng rụt rè, bối rối và cũng muốn mau mau thoát khỏi cái vị thế khó xử mình chẳng biết ai và chẳng ai biết mình bấy giờ.

Lâu lắm sau lần ấy, chúng tôi mới gặp lại nhau và cũng chỉ trong chốc lát. Vũ phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày, còn tôi thì làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã, lang bang Hà Tĩnh, Thái Nguyên tít mù khơi, một ngày được ở Hà Nội là một ngày vàng. Thời kỳ ấy, đâu người ta cũng đọc thơ, nói chuyện thơ. Ngoài những thứ đã rất nổi tiếng, nhà thơ Xuân Diệu còn nổi tiếng vì nói chuyện thơ. Ông đi suốt tháng, có ngày nói chuyện thơ hai ba suất, tự ông đếm được vài trăm buổi mà nơi mời vẫn nhiều.

Phải xếp hàng dài, phải chịu gạch xóa nhiều lần trong cuốn sổ của Xuân Diệu thì may mới đến lượt “thỉnh” được ông. Trong không khí thơ ấy, đám thơ trẻ càng háo hức, viết như ma ám. Không ai bảo ai, thơ trẻ tự nhiên hình thành các nhóm với cách viết khác nhau khá rõ nét, tự gọi nhau là những trường phái, nổi nhất là các nhóm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, xa hơn nữa là Quảng Bình và những giọng thơ rất lạ từ miền Nam gửi ra.

Lưu Quang Vũ, quê gốc ở Đà Nẵng nhưng sinh ra ở Phú Thọ và lớn lên ở Hà Nội, dĩ nhiên thuộc nhóm thơ Hà Nội và thơ anh cũng hào hoa, tinh tế và lãng mạn, đậm chất Hà Nội. Vũ đâu như chỉ  là “binh” gì đó trong quân chủng phòng không-không quân nhưng đơn vị đóng gần Hà Nội nên vẫn thường được tạt về. Trong những lần tôi được ra Hà Nội, gặp nhau trong đám bạn bè, Vũ hút thuốc lào liên tục và rất ít nói. Biết tôi từ tuyến lửa khu 4 mới ra, Vũ rủ rỉ hỏi tôi nhiều chuyện. Thấy tôi đang chán nản vì lâu lắm không làm được thơ, anh nói như bâng quơ: “Sáng tác khổ lắm, nhưng không bỏ được và không được bỏ”. Tôi hiểu là Vũ nói với mình. Người nói năm đó mới ngoài 30 tuổi…

Chỉ đến khoảng năm 1983 gì đó, khi tôi và Vũ cùng dự trại viết kịch bản của Nhà hát Tuổi Trẻ, chúng tôi mới thường xuyên gặp nhau. Kết thúc trại, Vũ nộp kịch bản vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” còn tôi nộp kịch bản “Người mơ mộng cuối cùng”. Ngay từ kịch bản, “Hồn Trương ba, da hàng thịt” đã có tiếng xì xào. Hồi ấy không khí nghệ thuật còn nặng nề. Hồn nọ xác kia, liệu có biểu tượng hai mặt gì không đây? Nhưng cũng may mắn, mấy năm sau cả hai vở đều được Nhà hát Kịch Việt Nam nhận dựng. Được dựng, phải kể đến công Ban lãnh đạo Nhà hát hồi ấy, đạo diễn Phạm Thị Thành và dàn diễn viên “trong mơ” của Nhà hát thời bấy giờ.

Lúc ấy, Lưu Quang Vũ đã nổi tiếng như cồn, còn tôi ngay đến bây giờ vẫn chỉ là dân láng cháng qua làng kịch. Đêm công diễn đầu tiên vở “Người mơ mộng cuối cùng”, tôi hồi hộp hé cánh màn nhung đếm từng hàng ghế dưới phòng khán giả, chỉ sợ không có người xem. Khi nỗi lo lắng tạm qua, tôi quay vào sau cánh gà thì đã thấy Vũ đứng đấy từ bao giờ. Anh hỏi nhỏ: “Hồi hộp lắm hả ?”. “Ừ !” - tôi đáp. Vũ lại như nói thầm: “Còn hồi hộp được là còn hạnh phúc. Mình chai sạn rồi”. Im lặng một lúc, Vũ bảo: “Mình chờ ông sau đêm diễn. Ta loanh quanh…”.

Khi mọi người đã về gần hết, đèn Nhà hát Lớn đã dần tắt, tôi ra đường cửa phụ,  thấy Vũ chờ cạnh mấy bồn cây.  Tôi dắt chiếc xe đạp tàng, cùng Vũ đi bộ dọc đường Phan Châu Trinh. Thời đói nghèo, bao cấp, gần 11 giờ đêm, không còn thứ gì có thể ăn tạm, ngay đến mấy quán rượu cóc bên vỉa hè cũng đã dọn hàng từ lâu. Tôi đáp nhủng nhẳng, câu được câu chăng, tâm trí dồn cả vào các hàng quán bên đường. Chợt Vũ nói to, cắt đứt sự chú ý của tôi vào chuyện đãi đằng:

- Thôi đừng tính chuyện ăn nữa. Giờ này không còn gì đâu. Nếu muốn uống thì về nhà mình…
Tiếc, đêm đó không phải lúc uống. Tôi cằn nhằn:
- Làm thơ không đủ tiền rượu. Nhưng ngay đến có tiền cũng không có chỗ mà uống.
Nghe tôi nói, Vũ cười lặng lẽ. Chợt anh nói:
- Nhưng làm thơ sướng lắm. Tôi sẵn sàng đổi cả một vở kịch lấy một câu thơ hay. Dù có viết được bao nhiêu vở kịch đi nữa nhưng chưa viết được thơ, vẫn không yên tâm.
- Ông nói để an ủi cánh làm thơ thôi. Thơ, xếp hàng rồng rắn. Nhiều người không thành nhà thơ được vì không được in.
Nghe đến đây, Vũ giữ tay lái xe đạp của tôi lại, nhìn thẳng vào tôi, nói từng tiếng :
- Chỗ bạn bè, ông đừng nghĩ tôi đãi bôi. Tôi đang có tập thơ, xếp trong ngăn kéo, mãi chưa in được. Nhưng tôi thề với ông rằng, tôi sẽ chết nếu không còn làm thơ được nữa…
Mắt Vũ vốn to và đen, đêm hôm ấy, tôi thấy nó còn thăm thẳm.
Khoảng một năm sau, Vũ chết, trong một tai nạn khủng khiếp cùng Xuân Quỳnh và cháu Thơ.

Một ngày mưa vừa tạnh, tôi ngồi một mình trước 3 nấm mộ. Thật đau đớn, chỉ bởi đường xấu, xe tồi, tay lái không chắc, phương tiện cấp cứu thiếu thốn… và trên tất cả, chỉ bởi cái nghèo, một đôi tài tử - giai nhân của đất Hà Thành, làm sang cho đất Hà Thành; một cặp thi sĩ đích thực của nền thơ Việt và cùng với họ, một mầm non nghệ thuật đã đột ngột bị cướp đi mạng sống. Cũng chẳng có gì thật quan trọng, phải không Vũ và Quỳnh, mưa vẫn nô đùa trên ngọn cỏ và bầu trời vẫn đắp trên ta chiếc chăn yên tĩnh.

Từ nơi xa thẳm, các bạn có thể ngậm cười vì thơ của các bạn ngày càng được nhìn nhận đúng với chân giá trị của nó. Riêng với Lưu Quang Vũ, ngày càng có nhiều người gọi anh là nhà thơ và nhà viết kịch thay cho trước đây, nghĩ đến anh là nghĩ ngay đến sân khấu. Và bài báo nhỏ này cũng không ngoài mục đích nhắc lại với con mắt đời, Lưu Quang Vũ trước hết là một nhà thơ, một người thơ luôn đau đáu niềm thơ. Lưu Quang Vũ, cùng với 50 vở kịch, là những tập thơ; cùng với  kịch sĩ tài danh là nhà thơ với cháy bỏng khát khao thi sĩ. Sau 20 năm, thế cũng là niềm an ủi, bạn ơi.

VŨ DUY THÔNG

;
.
.
.
.
.