.

Hy vọng mùa gặt mới

.

Trại sáng tác văn nghệ thiếu nhi hè 2008 do Liên hiệp các Hội VHNT phối hợp cùng Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng tổ chức vừa kết thúc. Sau hơn 20 ngày ( 8-7-2008 – 30-7-2008) gặp gỡ, bày tỏ cảm xúc thẩm mỹ qua các sáng tác thơ văn và hội họa, với mảng Văn học, 22 bài văn xuôi và 5 bài thơ là một gặt hái đầy ý nghĩa.

Phạm Nguyễn Ca Dao - tác giả  truyện ngắn đạt giải nhất Trại sáng tác thiếu nhi hè 2008.

Mỗi trang viết như vậy đang cần sự “lắng nghe”. Không thể đem kinh nghiệm và kỹ thuật viết văn của người lớn để “đọc” các em; cũng không thể biến mình nhỏ lại để “dễ gần gũi” hơn với những tâm hồn thơ trẻ. Phải có sự chia sẻ, đồng cảm, thậm chí có lúc cần vươn tới để cảm, để hiểu một giọng nói mơ hồ có nhiều ẩn chứa.

Tiếng của rừng - tên một truyện ngắn của Phạm Nguyễn Ca Dao được trao giải nhất - càng cần được lắng nghe. Câu chuyện từ tốn kể về cuộc gặp giữa tác giả và một chú khỉ ở rạp xiếc. Rồi chú khỉ bị trừng phạt vì không diễn được trò. Rồi ngày tháng qua đi, đoàn xiếc không còn. Và chú khỉ ốm đói bây giờ bị nhốt vào lồng thú cũ kỹ trong công viên… Từ một “diễn viên” dưới ánh đèn sân khấu, khỉ rơi xuống hạng “thú” trong song sắt vườn thú. Bấy nhiêu đó đủ để thấy một nỗi niềm...

Nhưng tác giả không dừng lại ở đó; dừng ở đó đã là chuyện, nhưng là chuyện thường. Đột ngột cuối truyện hiện ra tiếng thuyết minh của người hướng dẫn viên: “Ở đây có nhiều giống khỉ khác nhau. Chúng tôi nuôi dưỡng nhằm bảo vệ sự đa dạng của nguồn gien. Đặc biệt, chúng tôi còn có nghĩa vụ chăm sóc những con bị săn bắn trái phép - vừa nói vừa đưa tay chỉ - con khỉ què kia sau khi bị thương ở chân và lưng được cán bộ kiểm lâm đưa về đây nhờ chữa trị trước khi trả về rừng…”. 

Chữ “rừng” xuất hiện có một lần mà gây dư chấn miên man. Kết cấu, tình tiết, nhân vật… được sắp xếp như không cố ý sắp xếp, làm cho người đọc day dứt… Không cần nói ra, ai đọc cũng thấm thía thông điệp tác giả gửi gắm vào câu chuyện giàu tính nhân văn này là gì. Nói không quá, đây chính là một trong những truyện ngắn hay nhất của các em trong nhiều năm qua.

Cô học trò lớp 8/8 Trường THCS Nguyễn Công Trứ này còn có 2 truyện ngắn và 1 tùy bút nữa: Ván chọi gà định mệnh, Vết bầm và Một chuyến đi. Tác phẩm nào cũng xứng được trao giải. Văn của Phạm Nguyễn Ca Dao tự nhiên, có chất sống và có sức lực.

Xếp sau Ca Dao là Bùi Hải Ly - Lớp 10 THPT chuyên Lê Quý Đôn - với 2 truyện ngắn Như là cổ tích và Trái tim của mẹ. Ưu điểm của Hải Ly ở cả 2 truyện ngắn này là giọng văn mềm mại, đằm thắm, nhẹ nhàng. Cho nên, dù chuyện của em không mới nhưng chính giọng điệu ấy tạo lại được cảm tình cho người đọc.

Còn lại, Bạch Vĩ Quân - Lớp 10 THPT Phan Châu Trinh - với Miền cỏ xanh, Chiếc đèn tuổi thơ, Nụ hoa thứ bảy, Trần Thị Bông - Lớp 10 THPT Thái Phiên - với Một ngày kinh khủng, Đoàn Nguyễn Quỳnh Trâm - Lớp 10 THPT chuyên Lê Quý Đôn - với Kẻ lạ mặt, Phan Mai Thục Ngân - Lớp 8 THCS Kim Đồng - với Một ngày khó quên và Phan Hồng Hải - Lớp 8 THCS Hoàng Diệu - với Tìm về tuổi thơ. Các truyện vừa kể của các em tuy rất có ý thức tập viết, nhiều nỗ lực để xây đắp thành một câu chuyện nhưng mới chỉ dừng lại ở những phác thảo.

Người đọc còn chờ đợi, hy vọng một bước đi nữa, xa hơn.
Trại viết năm nay vẫn là sự thắng thế của văn xuôi. Thơ chỉ có 5 bài, có một bài của Trần Thị Minh Phương - Lớp 10 THPT chuyên Lê Quý Đôn - là tạo được ít nhiều ấn tượng. Đó là bài Tranh lạ - tác phẩm đạt giải nhì.

Tím rịm bóng cây chở che một nếp nhà
Đỏ đàn gà tung tăng theo mẹ
Ông trời choàng tấm áo vàng chóe
Điểm những cánh phượng nâu chào hè.
Tranh lạ!...
Cô bé lặng nghe giọt sắc màu nhảy nhót
Thế giới ngọt ngào trong mắt em
Tôi nhìn sâu vào hai viên ngọc ấy…
Mặt trời không ban ánh sáng đến mắt em
Mà hắt thẳng tia nắng vào con tim nóng hổi
Lỗi nhịp đập
Thổn thức nên rực rỡ sắc màu
Đôi mắt trắng chẳng thể làm nguội lạnh!...
Tôi chợt nhận ra
Bóng cây tím
Đàn gà đỏ
Bầu trời vàng
Nâu nâu cánh phượng…

Tôi chưa kịp hỏi Minh Phương về hình tượng cô bé có đôi mắt trắng bị thiệt thòi khi Mặt trời không ban ánh sáng đến mắt em. Nhưng rõ ràng, tác giả đã mang đến cho người đọc về một bức tranh lạ: Vẻ đẹp từ tâm hồn con người trước tạo vật có thể thay thế cho cái nhìn bên ngoài. Bức tranh nhiều màu sắc của thế giới này đâu phải chỉ có đôi mắt trần mới nhìn thấy rõ?!... Viết được một tứ thơ như vậy, những câu chữ không dễ dãi như vậy, ở tuổi của em, là đáng được lắng nghe!...

Tác phẩm tựa như rừng cây, nhìn hết, khám phá hết đã khó, huống hồ còn nghe được tiếng của rừng!... Ai cũng mong các em viết hay để khen, để trông chờ, để hy vọng cho mùa gặt lớn ngày sau...
Đà Nẵng, 30-7-2008
       
NGUYỄN MINH HÙNG

;
.
.
.
.
.