.

Mong manh tìm lại lối về

.

Sau CD Tự tình (2005), nhạc sĩ Phương Tài đang trình làng CD Lối về, do Dihavina và Viết Tân studio phát hành tháng 8-2008.

Nhạc sĩ Phương Tài là một người thợ lái xe khá đặc biệt, bởi có một ngày lặng sâu trong ký ức, trên phố Yết Kiêu, Hà Nội, Phương Tài đã ôm đàn “múa rìu qua mắt thợ” hát cho cây cao bóng cả của làng âm nhạc Việt Nam nghe những ca khúc của mình. Cây cao bóng cả đó chính là nhạc sĩ Văn Cao, tác giả của Quốc ca Việt Nam. Lời nhận xét của người nhạc sĩ tài ba Văn Cao âm vang theo năm tháng và theo những dặm dài của người lái xe mang trong mình trái tim nhạc sĩ: “Phương Tài ơi, lái xe là nghĩa vụ, âm nhạc là trái tim...”.

Trái tim của người lái xe, nghệ sĩ Phương Tài đã từng thổn thức buồn vui theo đường dây 500kV khi anh cùng đồng nghiệp tham gia xây dựng công trình thế kỷ này. Trong giai đoạn đó, âm nhạc của Phương Tài chủ yếu tập trung phục vụ cho công trình và những người thợ đường dây. Một loạt những ca khúc viết về đề tài ngành điện như Lán trại của anh, Huyền thoại Yaly, Tình ca người thợ điện, Chiếc dây da em, Giọt mồ hôi rơi trên má mặt trời... một thời được xem như là những bài hát mang lại làn gió mới trong việc hát ca phục vụ lao động sản xuất.
 
Những bài hát của anh đề cập đến những vấn đề tưởng chừng như cằn khô, khó viết. Vậy mà, nhiều ca khúc của anh đã đến tận các công trường đang hối hả thi công trên cheo leo đỉnh núi, trong nắng và trong gió, khi anh dừng tay lái và ôm đàn hát giữa những người thợ vây quanh, và vang lên trên các Đài Truyền hình Trung ương và địa phương trong các chương trình mà nhiều người còn nhớ như “Chúng tôi nói về chúng tôi”, “Người nghệ sĩ lái xe và cây đàn guitare”...

Những ca khúc ngày đó đã “đẩy” Phương Tài lên bục vinh quang của hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc với ba huy chương vàng, bốn huy chương bạc, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng” của Bộ Văn hóa-Thông tin... Gần đây anh lại gặt hái đựơc những thành quả khác trong sáng tác như giải ba cho ca khúc Ngã ba Đồng Lộc (thơ Xuân Mai), giải nhì do độc giả bình chọn cho ca khúc Tưởng nhớ 10 nụ hoa (thơ Nguyễn Thị Thu Vân) trong cuộc thi sáng tác ca khúc về “10 bông hoa trinh liệt Ngã ba Đồng Lộc” do Báo Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nhạc sĩ tổ chức.

Sau những giải thưởng, sau những chúc tụng ồn ào của bạn bè, anh tìm lại Lối về với “Nắng mong manh/ gió mong manh/ hạnh phúc còn đâu nữa/ Nửa đời người, nửa đời người/ Khoảnh khắc thấy phù du (Mong manh – thơ Nam Bình). Cái thuở ban đầu thường là cái đánh mất để người nghệ sĩ luôn hoài vọng về một thời nông nổi: Vì sao biển thức thâu đêm / Để người đi nhớ tình em mặn mà (Nỗi nhớ).
 
Xa hơn nữa là: Tan học về chân thon em bước vội/ Lối em qua hoa cỏ tím mong chờ (Tìm lại lối về - thơ Nguyễn Ánh Hồng). Bên cạnh đó: Một mai (lời ca dao), Nhớ (thơ Lê Huy Hạnh), Em (thơ Vũ Quần Phương), Mây trắng (thơ Thanh Yến) là những tình khúc ngọt ngào, lãng đãng như sương sớm, như khói chiều nhưng lại có sức ám ảnh người nghe qua những cung bậc âm thanh nghiêng về giọng thứ đậm đà phong vị quê hương.

“Lối về” của nhạc sĩ Phương Tài không chỉ có hoài niệm với bóng dáng em xa, mà còn là lối về quê hương với mẹ, với cha một thời lận đận nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ khôn lớn: Ôi mẹ cha tôi bao đời lận đận/ Lưng đã còng vì dầu dãi nắng mưa (Nhớ quê). Đó còn là lối về những vùng miền mà một lần người nghệ sĩ  lạc gót chân qua nhưng dư âm vẫn còn vang vọng mãi: Tôi nhớ mãi một lần về Đất Mũi.../Nhớ nhung vơi đầy hỡi người có hay (Nhớ về Đất Mũi).

Thể hiện thành công các ca khúc trong CD “Lối về” là nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền; giọng ca “hot” trong lòng của nhiều bạn trẻ: Quang Linh và các giọng ca đang đựơc mến mộ như Thanh Trà, Đỗ Quyên, Ngọc Lê, Hà Bắc, Công Trứ, Thu Huyền...

MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.