Nhà thơ Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó vào công tác ở chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau năm 1975, ông chuyên hoạt động về văn học nghệ thuật, làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi. Thanh Thảo đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979 và năm 1995...
Nhà thơ Thanh Thảo. |
Viết bằng niềm đam mê vô tư
Sau này, khi nói về bài thơ đầu tay của mình, Thanh Thảo vẫn cho đó là một bài thơ hay của mình, bài thơ Thử nói về hạnh phúc. Chẳng hiểu sao ngày đó Chế Lan Viên không in, có lẽ vì nó đau thương và rắn rỏi quá.
“Hạnh phúc nào cho tôi/ hạnh phúc nào cho anh/ hạnh phúc nào cho chúng ta/ hạnh phúc nào cho đất nước.... Những câu hỏi chưa thể nào nguôi được/ mảnh đất hôm nay bè bạn chúng ta nằm/ nơi máu đổ phải sống bằng thực chất... Nơi cao nhất thử lòng ta yêu nước/ thử lòng ta chung thủy vô tư/ nơi vỡ vụn bao mảnh đêm hèn nhát/ những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người”.
Những câu thơ chỉ có thể là tiếng nói khi cuộc chiến tranh đã vào hồi khốc liệt nhất. Người lính quý vô ngần mạng sống của mình, nhưng sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Trưởng thành từ thơ thời kháng chiến chống Mỹ, Thanh Thảo nể phục nhà thơ Nguyễn Đình Thi và Phạm Tiến Duật. Hai ông lăn lộn trong chiến trường nhiều, hiểu nhiều, nên đã làm thơ về chiến tranh, đọc là thấy tứa máu. Ông tâm niệm, văn học là chuyện của số phận, là cái nghiệp, chơi văn là cuộc chơi hào sảng, cuộc chơi tứa máu. Khi nói chuyện với sinh viên Khoa Viết văn của ĐH Văn hóa, những người viết trẻ, ông tâm sự:
“Không ai học ở trường Viết văn ra mà trở thành nhà văn lớn, dù kiến thức thu nhận được rất nhiều. Tất nhiên là nhà văn thì phải học. Tự người ta phải bồi dưỡng cho người ta. Việc sáng tác bắt nguồn từ nhu cầu tự thân, bắt nguồn từ cái gọi là niềm đam mê vô tư, không vụ lợi thì mới hòng có những thành công. Tác phẩm trước hết phải viết cho mình đã, sau đó mới đến bạn đọc. Ta phải tha thiết với đứa con tinh thần của ta mới hòng người khác quý mến nó”.
Ông cũng muốn khích lệ những người viết trẻ nên tìm một hướng đi mới cho mình. Bởi vì sáng tạo là không đi theo con đường người khác đã đi. Hãy vì tình yêu không vụ lợi với văn chương, mà làm mới nó, thiêng liêng hóa, để văn học Việt Nam phát triển thành nền văn học tiến bộ.
Khao khát cách tân thơ
Ai cũng biết rằng, làm thơ ngày xưa khắc nghiệt vô cùng, khắc nghiệt ở việc thể hiện đề tài, công bố tác phẩm. Tuy nhiên, theo nhà thơ Thanh Thảo, sự khắc nghiệt đó kém xa bây giờ. Bởi vì, thơ bây giờ phải cạnh tranh với nhiều yếu tố thời cuộc. Khi người ta mở tung các cánh cửa ra cho thơ hoạt động, thì ở đâu cũng thấy thơ xuất hiện. Người ta viết bừa bãi, cẩu thả, nhạt nhẽo cho nên mất luôn cái thiêng liêng của thơ đi. Ngày nay, quyền phát ngôn bằng thơ tự do hơn, tâm hồn được thả lỏng trong thơ, lên gân trong thơ. Những người có chiều hướng đổi mới thơ đang từng ngày tìm đường đi mới cho mình.
Đối với nhà thơ Thanh Thảo, việc làm mới thơ ca luôn được ông đặt lên hàng đầu, cả thơ lẫn trường ca. Và dấu ấn của ông trên văn đàn không chỉ riêng thơ ngắn, mà cả trường ca. Trong các nhà thơ thời chống Mỹ, Thu Bồn là người có nhiều trường ca với sức vạm vỡ hiếm có. Nhưng theo nhà phê bình Chu Văn Sơn, Thanh Thảo mới là ông “vua trường ca”.
Có đến cả chục trường ca ông viết sau năm 1975 như: Những người đi tới biển (1977); Trẻ con ở Sơn Mỹ (1978); Những nghĩa sĩ Cần Giuộc (1980); Bùng nổ của mùa xuân (1982); Đêm trên cát (1983); Một trăm mảnh gỗ vuông (1988)... Những trường ca ông viết không chỉ nhiều mà còn lạ, hầu hết các trường ca khác, kể cả trường ca của Thu Bồn đều phỏng theo lối kể “khan” Tây Nguyên để tạo ra những “khan” đời mới, hoặc dựa vào cốt truyện để có dáng dấp một truyện thơ. Trường ca Thanh Thảo khác, hoặc là những giao hưởng-thơ, hoặc là những rubích-thơ.
Thanh Thảo là người khao khát cách tân, ông đã mày mò tìm hiểu nhiều lĩnh vực, từ thơ sang văn xuôi, từ âm nhạc đến hội hoạ, từ sân khấu đến điện ảnh. Tất cả đều nhằm một mục tiêu cuối cùng là làm giàu cho thơ, mở rộng biên giới lãnh thổ của thơ. Khi hỏi về ý thức đổi mới thơ của những người làm thơ trẻ tuổi hôm nay, ông nói: “Ý thức cách tân thơ ngày nay mạnh mẽ hơn thời của tôi trước đây. Nhưng cách tân và đổi mới có “tới” hay không lại là chuyện của từng người. Cũng không nên nhìn hành trình của một người mà vội nói anh hay chị ấy có đi xa được hay không”.
Việc tư nhân thành lập các Giải thưởng thơ như giải Lá trầu, giải thơ Làng Chùa, giải thơ của Công ty Bách Việt... theo nhà thơ Thanh Thảo, là những việc làm khuyến khích cho thơ ca phát triển, cho việc đổi mới thơ. Cũng nên có những giải thưởng để khuyến khích các nhà thơ. Xin đọc lại những câu thơ đổi mới của Thanh Thảo trong bài Hoa anh đào JEJU “Những cánh hoa rụng tươi nguyên/ xếp lớp trên mặt đất/ em nói: đó là những sinh viên chết cho nền dân chủ/ ở đại học QuanZhu/ chết trẻ như hoa anh đào...”, là một trong những bài thơ mới nhất của ông.
NGUYỄN VĂN HỌC