Một lễ khai mạc hoành tráng, như bước ra ngoài mọi sự tưởng tượng và để lại trong tâm trí người xem Việt Nam câu hỏi: Bao giờ thì Việt Nam mới có thể làm được những điều tương tự như vậy?
Nhóm các nghệ sĩ lớn, chuyên đạo diễn các chương trình lễ hội hẳn sẽ có một chút ngượng ngùng và cũng sẽ lại bảo với nhau rằng, Trung Quốc họ đã có một nguồn kinh phí khổng lồ để làm điều đó, họ đã có một nền kỹ thuật đủ để đáp ứng mọi sự tưởng tượng của đạo diễn, nhất là việc phối hợp thế giới ảo 3 chiều với không gian thật, còn Việt Nam ta thì thiếu cả hai điều ấy.
Các vũ công nhảy múa quanh quả cầu 16 tấn, diễn tả cảnh đi vòng quanh Trái đất bằng đường biển. |
Nếu ngay bây giờ Việt Nam được đăng cai tổ chức Olympic thì ta có gì để trình bày với thế giới? Chúng ta đã có một lịch sử dân tộc và văn hóa tuy không vĩ đại như văn minh Trung Hoa nhưng không hề thua kém để có thể tự hào mà trình diễn với nhân loại vẻ đẹp của mình và chỉ mình mới có. Chỉ có điều, nhìn trước nhìn sau, nhìn tới nhìn lui chúng ta sẽ không tìm ra được một Trương Nghệ Mưu để giao phó. Đây không phải là yêu cầu không phải lúc, hoặc khắt khe kiểu “bụt nhà không thiêng” mà là một đòi hỏi nóng bỏng đặt trên bàn cho các trí thức, những người chịu trách nhiệm chính trong việc tạo nên những sản phẩm văn hóa nghệ thuật.
Để phát biểu về một lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nào đó tất nhiên phải là những chuyên gia đầu ngành hoặc các nghệ sĩ lớn nhất của ngành đó. Ví dụ như ngành múa thì có NSND Chu Thúy Quỳnh, ngành sân khấu thì có đạo diễn Phạm Thị Thành... Và ngay ở đó chúng ta nhận ra sự giới hạn tất yếu: Nếu điểm yếu nằm ngay ở vị trí đầu ngành ấy thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật nằm ở đâu.
Khi Triển Chiêu vừa bay vừa đá vèo vèo thì trên một kênh ti-vi khác phim “Cảnh sát hình sự” thực hiện một cái tát tai cũng không xong (thường thì các đạo diễn ta “khắc phục” bằng cách buộc hai diễn viên tát thật, đến nẩy đom đóm mắt, như diễn viên Lê Khanh nói trong phim “Câu chuyện dòng sông”). Các đạo diễn không xấu hổ vì có một lý do khách quan không thể chối cãi là kinh phí, trong khi nếu nhìn kỹ vào các pha hành động thì thấy thực sự đó chỉ là kỹ thuật dựng phim, chứ không phải kỹ xảo gì cần kinh phí lớn.
Đạo diễn Khải Hưng, người chịu trách nhiệm chính về các phim truyền hình trên VTV, lăn lộn nhiều với chất lượng các phim truyền hình đã phải đau xót thừa nhận rằng, nói vậy chứ cho dù có nhiều tiền, có đủ kinh phí, có đủ kỹ thuật chúng ta cũng sẽ không làm được những phim hành động có chất lượng.
Có tới 15.000 người tham gia các màn trình diễn nghệ thuật. |
Chúng ta thường phân biệt hai dòng phim nghệ thuật và phim thị trường và thường có thái độ khá rõ ràng trước chúng. Trương Nghệ Mưu khởi điểm bằng những phim nghệ thuật nhân văn tinh tế như “Đèn lồng đỏ treo cao”, “Cao lương đỏ” thế nhưng về sau ông cũng tìm đến và tung hoành với những phim hành động hoành tráng rất thị trường như “Anh hùng”, “Thập diện mai phục”, “Hoàng Kim Giáp”... Các đạo diễn lớn của ta, như đạo diễn Đặng Nhật Minh chẳng hạn, đã có bao giờ chớm có ý nghĩ thử sức mình như vậy?
Lấy ngành điện ảnh để ví dụ vì có dính dáng đến Trương Nghệ Mưu, ngành nghệ thuật tổng hợp của nhiều ngành nghệ thuật khác, chứ thực ra để tổ chức một lễ khai mạc như Olympic Bắc Kinh vừa qua thì đạo diễn điện ảnh không phải là tất cả. Ngành múa cũng loay hoay với những động tác nửa dân gian nửa ba lê mấy chục năm nay không thay đổi. Các ngành nghệ thuật khác cũng một tình trạng tương tự. Hàn Quốc cách mạng ngành điện ảnh bằng việc gửi hàng trăm người sang Hollywood học đạo diễn, quay phim, dựng phim... Việt Nam đến nay chưa thấy đạo diễn nào học Hollywood về. Trương Nghệ Mưu không sang Hollywood nhưng ông xuất thân từ quay phim và hợp tác nhiều phim với Đài Loan, Hồng Kông nơi có đủ điều kiện để ông tiếp thu một nền điện ảnh hiện đại.
Cái thiếu của chúng ta là thiếu con người, thiếu đội ngũ trí thức đủ tầm để có thể giang tay gánh vác hoặc chịu trách nhiệm lớn với nhân dân, với đất nước bốn ngàn năm lịch sử. Chuẩn bị làm sao để “nhỡ” như 30 năm nữa, 50 năm nữa Việt Nam đăng cai tổ chức Olympic thì cậu bé, cô bé nào đó mới sinh ra hôm nay có đủ nền tảng văn hóa và kiến thức để nhận lãnh trách nhiệm như Trương Nghệ Mưu ấy. Câu trả lời là không khó nếu chúng ta chịu “mở lòng” ra mà học lấy cái hay của thiên hạ chứ không “đóng cửa dạy nhau” theo nghĩa đen kiểu như hai ngành điện ảnh và múa hiện nay.
Chúng ta hãy chờ đợi lễ bế mạc Olympic hoành tráng của Trương Nghệ Mưu để thêm một lần nữa hỏi: Trí thức Việt Nam, anh ở đâu?
HỒ TRUNG TÚ