NSND Tường Vy. |
Ngay từ những năm bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình, NSND Tường Vy đã vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần, được “Bác căn dặn đủ điều”. Noi theo lời dạy của Bác, trong suốt chặng đường đã qua, NSND Tường Vy dâng hiến hết sức mình để phục vụ đồng bào, chiến sĩ…
Bác như “Ông Tiên”…
NSND Tường Vy sinh ngày 19-8 đúng 8 năm trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nên cứ vào dịp kỷ niệm ngày lịch sử lớn này của đất nước, lòng bà lại bồi hồi nhớ lại…
Cuối năm 1954, Tường Vy được tập kết ra miền Bắc, vào Quân Y viện 108. Bà nhớ mãi lần đầu vinh dự gặp Bác. Đó là một ngày tháng 8-1955, bà được chọn vào đội ngũ duyệt binh để chuẩn bị cho ngày kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Bác đi kiểm tra, dừng lại ngay trước mặt bà và khen: “Các cháu tập đều, đẹp. Chúc các cháu hoàn thành tốt...”. Tường Vy cảm động, sướng vui vì lần đầu tiên trực tiếp thấy Bác, được Bác động viên, Bác “như ông Tiên...”. Sau khi về Đoàn Ca múa Quân đội (thường được Bác Hồ chọn để phục vụ trong Phủ Chủ tịch mỗi khi tiếp đón các đoàn cao cấp, các nguyên thủ quốc gia), Tường Vy là một trong những đơn ca chính, được Bác luôn quan tâm, ưu ái.
Nhiều lần gặp Bác và mỗi lần đều để lại cho Tường Vy những dấu ấn diệu kỳ. Có lần, sau khi Tường Vy biểu diễn xong, Bác ân cần hỏi thăm về quê hương, về mẹ, về đời sống… Mỗi lần gặp Bác, Tường Vy thấy Người gần gũi như người ông, người cha. Năm 1963, Tường Vy sinh con đầu lòng, do buồn chuyện gia đình và đi hát quá nhiều nên sinh non, con mất. Bác Hồ biết chuyện, gọi Tường Vy đến, Bác ôm vào lòng, động viên nhỏ nhẹ: “Mọi chuyện Bác biết hết rồi. Tội thế!”. Rồi Bác nhìn mi mắt của Tường Vy xem, nói tiếp: “Còn thiếu máu nhiều lắm, không được hát nữa nhé, đến khi khỏe rồi đi hát!”. Nghe đến đây, Tường Vy khóc òa. Những lời động viên của Bác như một liều thuốc thần kỳ khiến Tường Vy cố gắng vượt qua, có sức khỏe để được hát trong niềm đam mê vô tận. “Bác là một nhà tâm lý bậc thầy, một người rất tế nhị”- NSND Tường Vy thoáng vẻ đăm chiêu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân chụp hình kỷ niệm với NSND Tường Vy và các em ở Trung tâm Nghệ thuật tình thương sau một lần biểu diễn. (Ảnh do Trung tâm Nghệ thuật tình thương cung cấp) |
Sau một hồi lần tìm, Vy chỉ biết được chữ “Trung” và chữ “Nhân”. Bác cười: “Ca sĩ mà biết được 2 chữ thôi à? Cháu phải tìm hiểu hết dân ca nước mình, sau đó tìm hiểu dân ca các nước, muốn như vậy phải học nhiều thứ tiếng”. Từ lời khuyên của Bác, hàng chục năm sau, những lúc có thời gian, Tường Vy luôn lặn lội khắp các thư viện, gặp rất nhiều người để học hát dân ca các nước bằng nhiều thứ tiếng. Nhờ thế, mỗi lần phục vụ các đoàn cao cấp đến thăm hoặc đi nước ngoài, Tường Vy đều thể hiện được những bài dân ca bằng thứ tiếng bản địa của nước đó và được hoan nghênh nhiệt liệt...
NSND Tường Vy đã từng đoạt 2 HCV trong các liên hoan ca nhạc quốc tế, rất nhiều HCV trong các liên hoan trong nước, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba và các huân chương kháng chiến, bằng khen. Năm 1996, Tường Vy được phong tặng NSND. NSND Tường Vy nói: “Đến nay tôi đã hoàn thành được ước nguyện thầm hứa với Bác”.
Nơi tình thương đọng lại!
Đến nay, NSND Tường Vy mở được 3 Trung tâm Nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam, đào tạo miễn phí hơn 1.000 em, trong đó có nhiều em bị khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đã có 36 em thi đỗ vào các nhạc viện, Trường Múa Việt Nam...
Từ cái nôi của NSND Tường Vy, nhiều em đã trở thành tài năng âm nhạc, như em Hà Chương (khiếm thị) đang học Nhạc viện Hà Nội; Hoàng Mạnh Cường (khiếm thị) vừa tốt nghiệp khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội; Đồng Quang Vinh đang học chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Thượng Hải - Trung Quốc; ca sĩ Hoài Phương nhóm “Mặt trời đỏ”; Khánh Thi và Chí Anh đã trở thành đôi nhảy đẹp thể thao hàng đầu Việt Nam...
“Làm được một vài việc nhỏ như thế, chắc Bác cũng vui lòng về đứa bé ngày xưa đã nhiều lần được Người thương quý, dạy bảo” - NSND Tường Vy bồi hồi tự nhủ.
NGỌC HÂN