Ký của HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Tên đất Quảng Nam xuất hiện từ năm Hồng Đức thứ 2 (tháng 6-1471, do vua Lê Thánh Tôn đặt cho dải đất vừa chinh phục được, dài đến cuối huyện Tuy Phước - Phú Yên ngày nay). “Quảng Nam thừa tuyên” có nghĩa là “đất mở rộng về phía Nam, vâng lệnh vua để tuyên dương đức hóa” (1).
Đi từ phía Bắc vào, vượt qua khỏi dải đất hẹp phía Nam đèo Ngang, lên tới đỉnh đèo Hải Vân nhìn xuống, tôi thấy cái ý niệm “đất mở rộng về phương Nam” chợt hiển hiện thành không gian bát ngát trải ra trước mắt đến tận chân trời, chân trời này mở tới một chân trời khác; và cứ thế tâm hồn tôi cứ rạo rực muốn theo chân tổ tiên rong ruổi về tận mũi Cà Mau.
Từ đỉnh đèo đổ về phía Nam, Trường Sơn chĩa thành những mũi đá kề cận nhau, giống như một đoàn người khổng lồ xô ra biển, nghịch ngợm choãi chân đá sóng; sóng vỗ sôi réo nơi ghềnh đá như tiếng cười từ cuộc chơi miên trường của núi và biển. Cuối đám bụi nước mịt mùng kia, thành phố Đà Nẵng và những xóm làng Quảng Nam lượn mình trên một vịnh biển xanh thẳm uốn những nét cong hình cánh cung, tưởng chừng thấy được dáng của đất nước hình chữ S. Thảo nào từ cuối thế kỷ 17, thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán qua đây, đã nhận xét rằng “nước Đại Việt kiến thiết đô ấp trên hình vòng cầu” (2) vậy.
Trong một cuốn sách về đất Quảng (3), tác giả Lâm Quang Thự đã nêu một nhận xét mạnh mẽ một cách bất ngờ, rằng đèo Hải Vân là một cương giới địa chất của đất nước, giữa cấu trúc của thủy thành nham và phún xuất thạch. Bắc đèo Hải Vân trở ra là giang sơn kỳ tú tạo thành bởi chất liệu đá vôi, với những hang động, suối nước và hoa dại (vịnh Hạ Long; ải Chi Lăng, chùa Hương, động Phong Nha...); từ hòn Củ Hành dưới chân đèo Hải Vân về Nam là xứ sở hùng tráng dựng nên bởi hình khối chồng chất của đá gan gà trần trụi, rắn rỏi và thách thức (Ghềnh Ráng, Hòn Chồng, Định Quán...) (4).
Hang động đá vôi là những công trình điêu khắc hoành tráng của sóng biển, còn quần thể đá gan gà là điểm dừng chân của những hòn đá lang thang qua cuộc hành trình dài dằng dặc của những kỷ nguyên địa chất. Đó là vẻ đẹp khác nhau giữa trí tuệ và nghị lực; giữa trực giác và lý trí; giữa huyền nhiệm và thực tại. Chia tay Huế trên đỉnh đèo Hải Vân, Thu Bồn có một giọng thơ ngậm ngùi thật lạ:
Tạm biệt Huế, với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia
Sao hình tượng “hóa đá ở bên kia” trong câu thơ Thu Bồn cứ khiến tôi nghĩ đến đá gan gà. Không phải sao, từ diện mạo đến tâm hồn, từ chất mãnh liệt của người lính đến khí phách chiến sĩ, con người Thu Bồn là một khối đá vạm vỡ, dầu dãi và gan lỳ, thích phong trần hơn mọi thứ hoa văn chạm trổ nào khác.
Hải Vân đèo lớn vượt qua
Mưa xuân ai bỗng đổi ra nắng hè
Dọc đường giang hồ Bắc – Nam, Tản Đà đã một lần ngạc nhiên như vậy, khi từ Huế đi vào đất Quảng. Và tôi cũng ngạc nhiên. Mỗi năm tôi qua lại giữa Huế - Quảng bao nhiêu lần, lần nào cũng thấy lạ. Không hiểu sao, chỉ cách một ngọn đèo, mà chuyện giữa đất và đá, nắng và mưa, giọng Huế và giọng Quảng lại khác nhau đến như vậy. Nhưng điều này cũng lạ, là nếu trên đời này có hai con người cốt cách tinh thần giống như in, thì đấy chính là hai nhà thơ bạn tôi, Thu Bồn và Phùng Quán.
Chập chùng Hải Vân. Ảnh: L.T.H |
Đèo Hải Vân như một bí ẩn lịch sử hấp dẫn trí tò mò của tôi, trước hết bởi vì nó tồn tại ngay chính trên mảnh đất sinh thành của tôi. Tôi lục lại tài liệu, ngốn ngấu hết thượng vàng hạ cám như một sinh viên khoa Sử, về mọi thứ liên quan đến ngọn đèo này, và cuối cùng tạm thời đi tới một giải đáp cho chính mình.
Vậy thì, từ khi bộ tộc Kalinga nổi dậy tách ra khỏi quán Nhật Nam (thuộc lãnh thổ nước Văn Lang từ thời đại các vua Hùng) để thành lập một vương quốc riêng (năm 192, thời nhà Hán), cho đến đám cưới công chúa Huyền Trân (1306), trong hơn một nghìn năm dằng dặc ấy, biên giới phía bắc của Chiêm Thành di chuyển xuống nhiều lần, xa nhất là phía Nam đèo Ngang (Bắc Quảng Bình, theo R.A.Stein), lúc thì ở Mũi Chân Mây (năm 359, Nam Thừa Thiên, theo G.Mapero), và lúc lùi về sâu nhất là ở Bắc chân đèo Hải Vân (năm 270, theo Dohamide).
Thế nghĩa là, biên giới kia dù lúc tiến lúc lùi tùy theo vận nước nhưng các triều đại vương quốc Chiêm chưa bao giờ chịu trao đèo Hải Vân vào tay người Việt. Dễ hiểu thôi, Hải Vân là một biên ải thiên nhiên không thể nào vượt qua nổi, và là cửa ngõ mở sâu vào lãnh địa của người Chăm. Đèo Hải Vân hiểm trở đến nỗi mãi cuối thế kỷ 17, theo Thích Đại Sán, “đi ngựa không được phải đổi sang võng. Dân ở dưới đèo rất khổ, quan dịch đi đông, bắt phu không đủ, người ta phải vào lùng bắt từng nhà” (5).
Trong chiến tranh thời cổ, việc dùng bộ binh để đánh chiếm đèo Hải Vân hiển nhiên là một phương án liều lĩnh, khó thực hiện nổi. Và nhà Trần đã dùng một sức mạnh nghiêng thành khác để đạt được mục tiêu của mình, chính là Huyền Trân công chúa.
Vua Chăm Chế Mân đã đổi hai châu Ô - Lý để cưới cho được người đẹp thiên kim của Đại Việt mang về cung Chiêm. Thế nhưng tại sao cái đám cưới mở mang bờ cõi ấy lại bị trở ngại từ phía nhà Trần, dùng dằng kéo dài mãi 5 năm (1301-1306)? Sử sách giải thích rằng do trong triều ngoài nội phản đối về chuyện “tiếc thay cây quế giữa rừng”... Tôi rất lấy làm nghi ngờ về điều này. Những cuộc hôn nhân chính trị vì lợi ích dân tộc vẫn là kế sách thường dùng của các vương triều Đại Việt thời đó; như Lý Huệ Tôn đã gả công chúa Ngạn Thiềm cho một tên giặc cỏ là Nguyễn Ngôn để làm “thế phên giậu” ở phía Bắc; vua Trần Nhân Tôn cũng từng đưa công chúa An Tư (cô của Huyền Trân) làm quà tặng cho tên tướng giặc Thoát Hoan, để “thư nạn nước”.
Thế thì để cho Huyền Trân về làm hoàng hậu của Chế Mân (vốn là hoàng tử Aritit anh hùng đã cùng cha đánh thắng Toa Đô) để tạo một liên minh làm phên giậu phía Nam cho Đại Việt (như trong cuộc chiến chống quân Nguyên vừa qua), lại được thêm “hai châu Ô - Lý vuông ngàn dặm” (6) - một đám cưới vàng như vậy, cớ sao cả trong triều ngoài nội cứ khăng khăng chống lại, để cho “cây quế” Huyền Trân cứ già đi trong cung Trần đến năm năm? Những suy nghĩ cố chấp kiểu ấy chỉ là cách suy nghĩ vụn vặt, không bao giờ đủ sức ngăn cản vận động tự thân của lịch sử, vốn luôn luôn đi tới bằng sức mạnh của những dòng sông lớn. Tôi tin rằng hai châu Ô - Lý là món quà sính lễ đã được ngã giá từ đầu cuộc hôn nhân chính trị, ngay trong cuộc Nam du của Thượng hoàng Nhân Tôn; nhưng vấn đề còn lại chính là: “Biên giới phía Nam châu Lý mở tới đâu?”.
Trong nhiều trường hợp, vì một lý do đặc biệt nào đó, lịch sử chỉ cho ta biết một nửa sự thật. Thí dụ, nhà báo W.Burchett (đã tham dự hội nghị Genève – 1954) cho biết sự giằng co quyết liệt giữa hai bên để định ranh giới quân sự tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc: Việt Nam đòi vĩ tuyến 13, Pháp đòi vĩ tuyến 18; và cuối cùng là vĩ tuyến 17. “Vấn đề vĩ tuyến 16 hoặc 17 là một vấn đề có tầm quan trọng mấu chốt. Quốc lộ số 9 chạy giữa hai vĩ tuyến này, nối liền Lào với bờ biển Việt Nam... người Pháp làm tất cả để giữ con đường này”. (7)
Có lẽ trong lịch sử đã từng diễn ra một kiểu “hội nghị Genève thời nhà Trần” kéo dài, trong đó, giống như trường hợp Đường 9, yếu tố quyết liệt được đặt lên bàn thương lượng giữa hai bên chính là đèo Hải Vân, ngọn đèo có vai trò chiến lược quyết định mà sau này, Dương Văn An trong sách Ô Châu cận lục đã đánh giá là “bền vững như chiếc khóa vàng, chính là nơi đầu não của miền Thuận Quảng”. (8)
Hiển nhiên, không có chỉ dẫn sử học nào cho biết về một kiểu hội nghị nào như trên cả và tôi cũng không phải là nhà sử học. Đây là câu chuyện cao đàm khoát luận giữa Phùng Quán và tôi một buổi sáng mây bay ngồi uống rượu trên đèo Hải Vân. Quán mải say sưa về “tầm nhìn chiến lược” của nhà Trần; còn tôi thì cảm khái về cái giá sự hy sinh của công chúa Huyền Trân, “vì lợi cho dân tình đem lại mà cân” truyền tụng trong câu ca Huế.
Dân ca Huế còn có bài “Lý Qua Đèo” rất nổi tiếng. Sao đang trên sông nước êm đềm giữa kinh thành, người ta lại nghĩ chuyện “qua đèo”? Đèo nào vậy? Và ngay dưới chân đèo, mở vào đất Quảng, là Nam Ô tức là phía Nam “Châu Ô”? (9). Nếu vậy rõ ràng đây là lời thề khẳng định biên giới nhằm vào mốc chiến lược Hải Vân của người Việt thời Trần, giống như núi Thạch Bi (Phú Yên) thời Lê Thánh Tông với dòng chữ “Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong” (10) khắc trên bia đá.
Nhà Hồ mở rộng thêm đất Chiêm Động (Quảng Ngãi), lập thành bốn châu mới là: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa – di dân từ Thuận Hóa vào đất mới; ai đến châu nào phải khắc tên châu ấy vào cánh tay, hàm ý phải giữ đất tới cùng. Để bám trụ trên mảnh đất từ nay sẽ giữ chức năng bàn đạp cho cuộc hành trình Nam tiến lâu dài, Nhà Hồ có chính sách cấp trâu cho di dân và ban phẩm tước cho người nào có trâu đem nộp cho Nhà nước (tôi liên tưởng đến tiểu thuyết “Con trâu” của nhà văn Nguyễn Văn Bổng). Cuộc chiến đấu sống còn của người Việt trên vùng đất phía Nam đèo Hải Vân đã diễn ra quyết liệt trong nhiều thế kỷ sau đó, sử sách đã ghi chép.
Vùng đất nước phía Nam đèo Hải Vân tên gọi là Quảng Nam, đã từ xưa nổi tiếng về sản vật quý lạ. Đảo Đại Chiêm có tổ yến, nguồn Thu Bồn có quế, nguồn Chiên Đàn có mật ong. Núi Thiết Khoáng có mỏ sắt, núi Bồng Miêu có mỏ vàng, núi Đức Bố có mỏ đồng, Nông Sơn có mỏ than, núi Ngũ Hành có cẩm thạch, núi Trà Sơn tương truyền có ngọc, “đêm đến thường chiếu sáng xuống biển” (Đại Nam nhất thống chí). Tất nhiên có sa khoáng, loại đá rắn người Chăm dùng tạc tượng, khắc bia, nghìn năm không mòn.
Đặc biệt là vàng, sông suối núi non nào cũng sản sinh, làm nên sức giàu có kỳ lạ của vương quốc Chiêm Thành và vương triều của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong ngày xưa. “Trà Tế cũng như Trà Nô là những ngọn núi có kim khí rất vượng. Thường có một đường từ trong đất đi xiên xéo ra, khí vàng bốc lên trên, cũng có đường đi thẳng, đường đi qua núi khác” (Lê Quý Đôn - Phủ Biên tạp lục).
Sách Ô Châu cận lục nói về mối liên hệ giữa sản vật và con người, nhắc lại bài viết của Hàn Dũ, rằng “kể cả thứ bạch kim, đan sa, thủy ngân và thạch anh, rồi có những bậc trung tín, tài đức sản sinh ở địa phương, đều không đáng lấy làm lạ”. Sách nói trên của Dương Văn An bàn thêm rằng “Các khí anh linh chu lưu khắp vũ trụ, nhỏ thì phát tiết ra vạn vật, lớn thì hun đúc thành nhân tài: Sản vật đã quý thì nhân tài tất phải hay”.
Nghĩ về thuyết “địa linh nhân kiệt” của người xưa, bảo rằng đúng thì tôi không dám tin, nhưng bảo rằng không đúng thì quả cũng không dám tin. Thế nhưng mối tương quan giữa nết - đất và tính - người, giữa mảnh đất và con người, là một thục tế thể hiện rất rõ ở nhiều vùng đất nước.
Trên những ghềnh đá sát biển phía Nam đèo Hải Vân lên tận núi Ngũ Hành, mọc tràn một loại cây lạ, thấy nói là thủy tổ của loài xương rồng, lá dài đan võng. Cây thuộc họ Lô hội, tên khoa học là Loe dichotoma vì thân và cành cứ chia đi, gốc thành hai thân, thân hai cành, cành hai nhánh, mỗi nhánh lại tiếp tục chia đôi. Tôi lên Ngũ Hành Sơn, sửng sốt nhìn cây, như nhìn thấy dáng một con người buộc phải lựa chọn “hoặc là... hoặc là...” Vâng, một dáng người rất Sếc-xpia, vững, cao, thẳng tắp, luôn luôn đi đẩy vào thế chọn lựa “tồn tại hay không tồn tại” (to be or not to be), và không còn cách nào khác.
Nhìn lại lịch sử giữ nước thời cận đại đến nay, với cuộc kháng chiến oanh liệt của Nguyễn Duy Hiệu, với phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, với phong trào chống sưu thuế của nông dân Quảng Nam, với những tên tuổi sáng ngời sử sách của những Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Thái Phiên..., “Quảng Nam đã trở thành một trong những ngọn cờ của cả nước đấu tranh chống xâm lược” (11). Và nếu có thể truy tặng cho “Quá khứ”, tôi nghĩ rằng Quảng Nam thêm một lần nữa, nhận tám chữ vàng tôn vinh cho thế kỷ trước tức thế kỷ XVIII: “Trung Dũng Kiên Cường - Đi Đầu Diệt Pháp”.
Tôi nhớ câu thơ chất ngất hào khí của Thu Bồn, đã trở thành khẩu hiệu xuống đường của sinh viên thời chống Mỹ:
Cho con biển rộng sông dài
Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm.
Đúng thế. Tổ quốc đã trao cho Quảng Nam một cửa biển và một thanh kiếm. Cầm lưỡi gươm thân phụ lưu truyền, sáu bảy trăm năm đứng trấn nơi hải khẩu chiến lược, người Quảng Nam chưa bao giờ thiếu sót trong bản lĩnh bảo vệ Tổ quốc. Trên từng dòng quốc sử, đấy là điều khẳng định.
H.P.N.T
-------------------------------------------------
(1) Hồ Ngận: Quảng Nam xưa và nay - bản
(2) Thích Đại Sán: Hải ngoại ký sự.
(3) Lâm Quang Thự: Quảng Nam: Lịch sử - địa lý - nhân vật – 1974.
(4) Cấu trúc đá vôi còn kéo dài thêm hai vệt phía Nam Hải Vân là quần thể núi Ngũ Hành ở thành phố Đà Nẵng, và quần thể chung quanh Hòn Phụ Tử ở Hà Tiên.
(5) Thích Đại Sán, Sđd
(6) Thơ Hoàng Cao Khải
(7) W.Burchett: Vietnam-Kampuchia-Chine; Tri-angle. Báo Đ.V trích dẫn, số ra ngày 7-8-1982.
(8) Dương Văn An: Ô Châu cận lục, 1953.
(9) Thí dụ trong cuốn sách nói trên của Chu Văn An, viết về dải đất từ Nam sông Gianh đến Bắc sông Thu Bồn, vẫn gọi chung là “Châu Ô”.
(10) “Chiêm Thành vượt khỏi đây thì binh bại, nước mất”.
(11) Trần Viết Ngạc: Nguyễn Duy Hiệu và Nghĩa hội Quảng Nam, 1985.