.

Sự tích chợ Đàng

.

Từ ngã ba Hương An rẽ vào đường lên thị trấn Đông Phú, lỵ sở của huyện Quế Sơn, khách sẽ bắt gặp nhiều chợ ven đường lúc đi qua xã Quế Châu. Trong những chợ mang nặng dấu ấn văn hóa chợ của người xứ Quảng này có một chợ khá đặc biệt với tên gọi là chợ Đàng! Càng đặc biệt hơn khi sự ra đời của chợ gắn liền với một trong những nhân vật nổi tiếng học giỏi của Quảng Nam: Tiến sĩ Phan Quang.

Một góc chợ Đàng ngày nay.  (Ảnh: Đ.Đ)

Xưa, trên địa bàn xã Phước Sơn (nay là Quế Châu) chưa có chợ. Muốn đi chợ, người dân phải lặn lội lên tận xã Quế Cường, vừa xa xôi, lại vừa cách trở. Thường thì mỗi khi nhà có khách, hay có việc gì quan trọng, người dân Phước Sơn mới đi chợ. Muốn vậy, phải thức giấc từ hai giờ sáng, cuốc bộ cho tới khi trời hửng sáng nơi đằng đông mới kịp buổi chợ sớm.

Chỉ đến khi Phước Sơn xảy ra sự kiện lớn - Tiến sĩ Phan Quang về thăm làng, lệ đi chợ ở vùng đất heo hút này mới thay đổi.

Phan Quang (1873-1939) là một trong những học trò thông minh, xuất sắc của trường Đốc Quảng Nam. 25 tuổi, ông đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898) cùng với 2 tiến sĩ và 2 phó bảng khác cũng người Quảng Nam, được vua Thành Thái ban tặng danh hiệu “Ngũ phụng tề phi” (5 chim phụng cùng bay). Ông từng làm Án sát Bình Định, Tham tri Bộ Hình, lúc về hưu được tặng hàm Lễ Bộ Thượng thư. Sau khi ra làm quan một thời gian, năm nọ, ông mới về quê cũ làm lễ tạ ân đức những bậc sinh thành.

Nhân cơ hội này, các quan lớn nhỏ, từ chánh tổng đến lý trưởng mỗi người tự nguyện rước một gánh hát bội về góp vui, gọi là để mừng tổng mình, làng tổng vinh dự có người đỗ tiến sĩ. Nhiều gánh hát nên làng tổ chức hát một lèo đến... ba tháng, cứ gánh này hát xong lại đến lượt gánh khác. Thời trước, nghe có hát bội, không chỉ dân trong làng mà dân ngoài làng, ngoài tổng cũng nườm nượp kéo nhau đến xem. Cả ngàn người tụ tập, đông như kiến. Ban đêm, đèn đuốc sáng choang.

Thấy thế, một số bà con đứng ra mở quán bán các món ăn như thịt heo, mì Quảng... không quên kèm theo món rượu để khán giả gần xa có dịp lai rai. Sau, có người còn bán cả mắm muối. Rồi ba tháng diễn hát bội cũng qua, các gánh hát đã khăn gói quay về, thế nhưng các quán hàng thì... vẫn bán. Ba tháng, khoảng thời gian tuy không dài nhưng cũng đủ để bà con làm quen với cái chợ mới, gọi là chợ “chồm hổm”. 

Tuy nhiên, chợ lại đóng trên vùng đất của Cụ Thượng - tên thân mật người trong làng gọi Tiến sĩ Phan Quang. Thấy lễ đã hết, hát bội cũng không còn nhưng người ta cứ bày, cứ bán, cụ Thượng thấy thương bà con liền cắt đất của mình lập chợ. Từ đó, chợ “chồm hổm” được đổi thành chợ “Đàng”, nghĩa là chợ ở ngay bên đàng (đường) đi. Danh xưng chợ Đàng tồn tại cho đến ngày nay cùng với câu chuyện về một trong “5 chim phụng” của xứ Quảng xưa.

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT
(Theo lời kể của ông Phan Trác, hậu duệ của Tiến sĩ Phan Quang)

;
.
.
.
.
.