.

Thận trọng với truyện tranh sex

.

Có thể nói, ngoài âm nhạc và điện ảnh, truyện tranh là loại hình có tác động lớn đến đời sống tinh thần của nhiều thế hệ thanh-thiếu niên. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số truyện tranh đang gây nguy hại đến thế hệ trẻ, trong đó đáng sợ nhất là “sex”.

Những hình ảnh “mát mẻ” thế này xuất hiện dày đặc ở nhiều cuốn truyện tranh.

Nếu như trước đây khi nhắc đến truyện tranh, người ta chỉ nghĩ đến một thú vui lành mạnh của con trẻ, thì hiện nay, nó vô cùng phức tạp với phạm vi được mở rộng từ nội dung, hình ảnh cho đến đối tượng độc giả. Truyện tranh bây giờ không còn là một thế giới trong sáng, thỏa mãn trí tưởng tượng phong phú cùng những ước mơ diệu kỳ của trẻ thơ, mà nó đang “cụ thể hóa” đề tài tình yêu pha lẫn với sex.
 
Có thể nói, chưa khi nào sex lại xuất hiện nhan nhản với cường độ dày đặc như bây giờ. Nó dường như đã trở thành một tiêu chí, một công cụ hấp dẫn để thu hút người đọc truyện tranh. Chỉ cần bước vào một quầy truyện và mở xem một vài cuốn, bạn sẽ thấy được hình ảnh những nhân vật chính ôm hôn nhau, các cô gái khoe nội y, cảnh trong phòng tắm và thậm chí là đang làm những chuyện “người lớn” xuất hiện khá nhiều.

Đi kèm với những hình ảnh phản cảm đó là một hệ thống những ngôn từ không hề được chọn lọc, những câu nói như: “Xin anh hãy làm cho em hiểu thế nào là sự khác biệt giữa nam và nữ” (truyện Lần đầu tiên), “Khi anh ấy ôm mình, mình như tan biến không cảm nhận được gì nữa” (truyện Hoa âm của Saito Chiho) được lặp đi lặp lại trong tất cả các câu chuyện khi tác giả muốn miêu tả những cung bậc tình cảm của các nhân vật.
 
Ông chủ quán truyện T trên đường Nguyễn Chí Thanh cho chúng tôi biết: “Bây giờ khó kiếm được những truyện sạch sẽ lắm, loại truyện đó chỉ có học sinh cấp 1 mới đọc, còn các em lớn hơn thích đọc những truyện có nói đến tình yêu, và phải có những pha “gay cấn, hấp dẫn” tụi nó mới mê”. Độc giả chính của truyện tranh vẫn luôn là các em học sinh, lứa tuổi mà những biến chuyển về tâm sinh lý rất phức tạp. Các em có những mối băn khoăn không hề nhỏ đến giới tính của mình, nên khi đọc những truyện tranh có những ngôn từ, hình ảnh không lành mạnh đó sẽ dẫn các em đi tới đâu?

 Rõ ràng, sự bùng nổ của những truyện tranh không lành mạnh đã và đang gây ra nhiều tác động xấu cho đời sống tinh thần của các độc giả, nhất là học sinh. Tuy nhiên, đáng buồn và đáng lo ngại hơn là hầu như các bậc phụ huynh của chúng ta chưa mấy quan tâm đến sở thích này của con mình. Nhiều phụ huynh khi được hỏi, con anh (chị) có đọc truyện tranh không, chúng đang đọc những truyện gì, đã vô tư khẳng định rằng: Chúng chỉ đọc Doremon, Conan hay Thần đồng Đất Việt. Nhưng hãy thử kiểm tra con mình một lần sẽ thấy, bên cạnh cuốn Conan còn có Nữ hoàng Ai Cập, Hoàng Cung, Dòng sông huyền bí..., những cuốn truyện “nóng” cả về nội dung lẫn hình ảnh.
 
Sợ nhất là những cuốn truyện lẻ, viết theo kiểu “mì ăn liền” không hề có giá trị về nội dung nhưng lại đầy rẫy những hình ảnh sex. Có một điều chắc chắn rằng, các em đủ thông minh để hiểu những gì mình đang đọc là không nên, thậm chí cảm thấy xấu hổ trước những cảnh “nóng”, nhưng chúng vẫn lén lút đọc, đọc một cách say mê và tò mò. Người chủ quán truyện nói trên cho biết: “Trung bình một ngày những em nghiện truyện có thể đọc từ 30-40 cuốn (30 cuốn tương đương 40 ngàn đồng), việc mượn 50-60 cuốn trong 2 ngày là bình thường”. Nhìn thấy một cô bé với chồng truyện cao ngất trên tay, chúng tôi lân la hỏi thì em cười vô tư nói: “Em thuê 30 cuốn, vui thì sáng mai em sẽ đọc xong và đem trả, buồn thì sáng ngày kia mới xong.
 
Chị không biết đó chứ, bạn em còn mượn nhiều hơn nữa cơ, chừng này chưa là gì đâu. Tụi em đọc nhanh lắm”. Không hiểu các em lấy đâu ra nhiều tiền như thế để thuê truyện? Đọc nhiều vậy thì thời gian đâu để học bài? Các em sẽ thu lại được những gì khi suốt ngày đọc, thấy những nhân vật chỉ mới 15, 16 tuổi nhưng đã cư xử thoải mái không thua kém gì người lớn trong những “pha” bộc lộ tình yêu.
Từ sách vở đến thực tế là một khoảng cách không hề nhỏ, nhưng chúng ta sẽ lý giải sao cho hiện tượng các em học sinh bây giờ yêu sớm và thậm chí “vượt rào” cũng rất sớm. Hay những biểu hiện sàm sỡ của các bạn trai xuất hiện ngày càng nhiều ở nơi công cộng…

Vẫn biết rằng đọc truyện không phải là một cái tội, nhưng ở lứa tuổi của mình, các em chưa đủ bản lĩnh để sàng lọc trước những vấn đề xấu của xã hội. Chính vì vậy, đã đến lúc những người lớn chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn và nghiêm túc về “thế giới tinh thần” này bởi nó đang hằng ngày, hằng giờ có những tác động không tốt đến đời sống tinh thần của các em. 
 
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.