.

Từ vây cọp đến vây đồn

.

Làng Phước Lợi, tổng Phước Lợi, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam xưa nổi tiếng là địa phương tổ chức những “hội vây cọp” với cách thức rất chặt chẽ. Thời đó, dân làng luôn thủ trong nhà một bó khoảng 40-50 sợi lạt cật tre và 12 cây cọc dài khoảng 2,5m. Khi nghe làng nổi trống chiến, nổi thanh la báo hiệu cọp về bắt gia súc thì tất cả trai tráng phải mang lạt, cọc và rựa đi “vây hội”.

Săn cọp. (ảnh tư liệu)

Sau khi làng phát lệnh, theo sự hướng dẫn của người cầm đầu - gọi là Ông Xị, trai tráng khép thành vòng tròn bao quanh khu vực có cọp ẩn nấp. Người nọ đứng cách người kia khoảng 4-5m, dùng rựa phát cây và thu hẹp dần vòng vây trong tiếng phèng la, trống, thùng thiếc của người đứng sau đánh hỗ trợ. Khi bị phát hiện, cọp sợ đám đông nằm co một chỗ. Lúc ấy vòng vây mới bắt đầu ráp, tức là mọi người cắm khít cọc và dùng lạt tre buộc thành những vòng tròn đặt trên đầu cọc.

Đến lúc đó, những người gan dạ bắt đầu đạp rừng, tức là dùng giáo dài, giáo ngắn đâm vào giữa vòng vây. Cọp tháo chạy, gặp vòng vây ken dày liền nhảy lên sẽ mắc chân vào vòng và bị đâm tức khắc. Gặp lúc ban  đêm, người ta dùng lửa đốt quăng vào giữa vòng. Cọp sợ lửa nằm im. Hội vây canh thức đến ban ngày để tìm cách giết cọp. Hội vây cọp kéo dài có khi tới 10 ngày, nửa tháng. Mỗi lần có vây cọp là một ngày hội thực sự của làng. Người đến xem rất đông. Có người đem cả quà vặt, thức ăn đến bán.

Trong làng, có ông Trần Thuyết (thường gọi là Trùm Thuyết) là một trong những người vây cọp có tiếng. Tháng 3-1908, khi phong trào chống sưu thuế nổ ra ở Quảng Nam, Trần Thuyết dẫn đầu đoàn biểu tình ở vùng Tam Kỳ gồm dân làng Phước Lợi và 6 tổng khác đến vây phủ đường Nam Triều đặt tại Tam Kỳ, yêu cầu tri phủ phải giao Trần Tuệ, một đề đốc (có tài liệu ghi là lãnh binh) đã gây nhiều oán cừu và nợ máu với dân địa phương đang trốn ở đấy, cho dân hạch tội.

Được tin, đích thân sếp đồn Đại Lý ngồi trên xe kéo dẫn tiểu đội lính khố xanh đem theo một xe kéo khác đến giải vây, đưa Đề Tuệ về đồn, cách phủ đường khoảng 1 km. Trần Thuyết cầm đầu dân 7 tổng đuổi theo. Ông hô to “Dân ta xin quan Đại lý giao ông Đề cho dân ăn gan”. Dân chúng đồng thanh đáp lại dậy trời, Đề Tuệ run sợ đến mức nôn mửa liên tục và gục chết trên xe. Khi đến vây đồn Đại Lý, dân chúng tận mắt chứng kiến xác chết của Đề Tuệ nằm sóng sượt ngoài sân đồn mới thôi không nhắc việc này nữa, nhưng vẫn tiếp tục kêu đòi khất sưu kháng thuế.

Ngay lập tức, bọn Pháp bắt Trần Thuyết đem vào đồn. Dân phản ứng, đòi thả ông ra thì bọn lính khố xanh dùng cây, tre tấm, cán cờ đánh tới tấp rồi nã súng giải tán đoàn biểu tình. Mấy ngày sau, Trần Thuyết bị khép tội và bị xử chém ở Gò Mả Đông gần đầu cầu Tam Kỳ. Nhiều chí sĩ khác như Dương Thưởng, Dương Thạc (làng Chiên Đàn), Trần Cang (làng Hương Trà)… cũng bị khép tội mưu phản: Kẻ bị xử chém, người bị lưu đày biệt xứ rồi chết trong tù. 

Phải chăng vì đã tổ chức được “hội vây cọp” chiến đấu chặt chẽ nên địa phương Phước Lợi nói chung và Trùm Thuyết nói riêng đã trở thành nòng cốt của cuộc đấu tranh chống sưu thuế ở phủ Tam Kỳ lúc bấy giờ?

PHÚ BÌNH
(Theo tư liệu lưu tại gia đình ông Hoàng Đình Long ở xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước và lời kể của ông Nguyễn Ngọc Tăng ở phường An Xuân, TP. Tam Kỳ).

;
.
.
.
.
.