.

Chuyện về miếu Hàm Trung

.

Ở ấp Hàm Trung, làng Xuân Thiều, tổng Bình Thới hạ, huyện Hòa Vang, nay thuộc khu vực Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, có miếu Hàm Trung thờ hai vị Tiên nương từng cứu giúp những người đầu tiên đến khai phá vùng đất này.

Nhà chuông ở miếu Hàm Trung (Ảnh: V.T.L)

Xưa, Xuân Thiều là vùng đất hoang vu, rừng cây rậm rạp, có nhiều thú dữ. Những người đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp tại đây gặp phải bao bất trắc, hiểm nguy, hằng ngày phải chống chọi với phong thổ khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật hoành hành khiến nhiều người ốm đau, chết chóc. Người dân ngày đêm nguyện cầu trời đất, thần linh phù hộ để họ vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

Một đêm, dân làng nhìn thấy hai vị Tiên nương hiện ra an ủi, cứu giúp mọi người, trừ khử thú dữ, chữa bệnh cho dân. Từ đó, cuộc sống người dân dần trở nên ổn định, no ấm. Và cũng từ đó, không ai còn nhìn thấy hai Bà nữa. Để nhớ ơn người cứu giúp mình, dân làng lập miếu ban đầu bằng tranh tre thờ hai vị Tiên nương, lấy tên làng đặt tên miếu.

Chuyện xưa thực hư thế nào không rõ, chỉ biết miếu xưa vẫn còn gần như nguyên trạng đến ngày nay, sau lần xây dựng quy mô gần 150 năm trước. Trên đòn đông (xà cò) của miếu có khắc hàng chữ “Tự Đức thập tam niên, nhị nguyệt, tam nhật. Xuân Thiều cát tạo”; nghĩa là: Làng Xuân Thiều tạo lập vào ngày 3 tháng 2 năm Tự Đức thứ 13 (1860). Miếu tọa lạc trên một gò đất cao, phía trước là cánh đồng lúa rộng mênh mông, xa hơn là dãy Hải Vân sừng sững án ngữ, phía sau là bãi cát trắng với nhiều cây đại thụ, tạo thế vững chãi cho ngôi miếu.

Miếu tuy không lớn, bề ngang 9m, dài 12m, nhưng có một khoảng không gian rộng rãi, thoáng mát, có lối kiến trúc cổ ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương. Trong sân có nhà chuông bên tả và nhà trống bên hữu, tạo sự đối xứng hài hòa với mái hình chóp nhọn, lợp ngói âm dương được đỡ bằng 4 trụ gạch, chung quanh không xây tường. Trước sân là bức bình phong trang trí hình kỳ lân ghép sành sứ. Từ đây, bước xuống bảy bậc cấp là đến một hồ nước trong xanh hình bán nguyệt, luôn đầy ắp nước kể cả khi nắng hạn.

Phía ngoài cùng là hai trụ biểu cao khoảng 5m tạo dáng hình ngọn bút và bức bình phong thứ hai có dạng hình cuốn thư, tất cả đều được đắp nổi bằng sành sứ rất công phu và đẹp mắt. Mặt trước của bình phong có câu đối: “Tam xuân cảnh sắc hòa thiên địa/ Nhị khí lương năng tự cổ kim”. Tạm dịch nghĩa: Ba xuân cảnh sắc hòa trời đất/ Hai khí trong lành tự xưa nay. Câu đối cho thấy cảnh trí của miếu tuy qua bao thăng trầm của lịch sử, thời gian nhưng vẫn giữ được vẻ yên bình hiếm có.

Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật với câu chuyện mang tính huyền thoại về việc thờ hai Bà, miếu Hàm Trung còn là một di tích lịch sử cách mạng của địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Tại đây, vào tháng giêng năm 1946 đã diễn ra lễ thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của làng Xuân Thiều do ông Chế Viết Tấn, Chủ tịch huyện Hòa Vang lúc bấy giờ tổ chức. Năm 1973, để chuẩn bị cho công cuộc giữ đất, giành dân, thực hiện Hiệp định Paris, nhân dân đã tập kết lương thực và vũ khí chung quanh khu vực miếu nhằm phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ trong chiến dịch này.

Ngày nay, ngước trông vẻ trang nghiêm của ngôi miếu cổ kính nhất làng, soi mình dưới hồ nước trong xanh, người dân địa phương có cảm giác như huyền thoại và lịch sử hòa quyện làm một.

HỒ TẤN TUẤN

 

;
.
.
.
.
.