.

Đơn vị tiền tệ

.

* Tôi thấy một số báo ghi đồng đô-la Mỹ là USD Mỹ. Như Báo Đà Nẵng ngày 23-5-2008 trong bài “Dự án Cơ sở Hạ tầng Ưu tiên tại Đà Nẵng được hỗ trợ 152,44 triệu USD Mỹ”, Báo Công thương ngày 14-8-2008 trong bài “6 tháng đầu năm: Acer đạt doanh thu 8.140 triệu USD Mỹ”. Xin cho biết, ghi như vậy là có bị thừa hay không? Quy định về cách viết tắt đơn vị tiền tệ của các nước trên thế giới như thế nào? (Nguyễn Mỹ, Hải Châu, Đà Nẵng).

Đồng Việt Nam được mã hóa thành VND (ảnh: V.T.L.)
- Người ta dùng cụm từ “đơn vị tiền tệ” để phân biệt tiền tệ của quốc gia này với tiền tệ của quốc gia khác. Đơn vị tiền tệ của nhiều quốc gia có thể có cùng một tên gọi (ví dụ: dollar, franc...) và để phân biệt các đơn vị tiền tệ đó người ta thường phải gọi kèm tên quốc gia sử dụng đồng tiền (ví dụ: dollar Úc, dollar Mỹ). Với sự hình thành của các khu vực tiền tệ thống nhất, ngày nay có nhiều quốc gia dùng chung một đơn vị tiền tệ như đồng EUR.

Mã của tất cả các đơn vị tiền tệ bao gồm cả tiền tệ dùng trong giao dịch thanh toán và tiền tệ kế toán được quy định theo ISO 4217 - một tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO). Hệ thống mã này có hai loại: mã 3 ký tự bằng chữ (ví dụ: VND) và mã 3 ký tự bằng số (ví dụ: 704 cho đồng Việt Nam).  

Trừ một vài ngoại lệ, đối với tiền tệ của một quốc gia, mã 3 ký tự bằng chữ có hai ký tự đầu là mã quốc gia (cũng đã được chuẩn hóa theo một tiêu chuẩn khác của ISO) và ký tự thứ ba là chữ cái bắt đầu của tên gọi đơn vị tiền tệ. Hệ thống mã này giúp cho các đơn vị tiền tệ được sử dụng trong thương mại, thanh toán một cách thống nhất và tránh được nhầm lẫn.

Theo nguyên tắc này, đồng Việt Nam được mã hóa thành VND. Đô-la Mỹ (US Dollar) được mã hóa thành USD; đô-la Úc = AUD ; đô-la Brunei = BND; đô-la New Zealand = NZD...

Như thế, khi nói đến đô-la Mỹ, có thể dùng một trong hai cách: hoặc “đô-la Mỹ”, hoặc “USD”.

Màn chống muỗi mới

* Trước đây, tôi có đọc một bài báo nói về một loại màn chống muỗi có thể giặt được nhiều lần. Xin quý báo giới thiệu lại bài báo này. (Nguyễn Văn Sáu, Hòa Vang, Đà Nẵng).

- Đó là bài “Màn chống muỗi mới” đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 28-5-2008, nội dung dưới đây:

Các nhà nghiên cứu kiểm tra loại màn mới
“Công ty BASF của Đức vừa sản xuất một loại màn mới có tác dụng ngăn ngừa muỗi. Hiện loại màn này đang được thử nghiệm với số lượng lớn ở Ấn Độ và Tanzania.

Theo các nhà nghiên cứu của công ty, loại màn thông dụng hiện nay có thể ngăn chặn muỗi nhưng không thể bảo vệ người dùng nếu muỗi cắn xuyên qua lớp màn. Việc tẩm thuốc chống muỗi lên lớp màn có thể loại trừ muỗi, nhưng hóa chất sẽ trôi đi khi người dùng giặt màn.

Để khắc phục nhược điểm này, BASF đã sản xuất một loại lưới polymer với sợi đan chéo có thể giữ lại thuốc trừ muỗi pyrethroid trong sợi sau nhiều lần giặt. Dù được giặt 25 lần, lượng hóa chất trong sợi vẫn đủ lan ra bề mặt “hạ gục” bất cứ con muỗi nào đậu lên.

Công ty sản xuất cho biết lượng chất diệt muỗi được sử dụng trong loại màn này không độc hại đối với con người, những đứa bé có thể ngậm nó suốt đêm mà vẫn an toàn”.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.