.
HÒA VANG

­Hết thời các khu vui chơi, giải trí

.

Từ năm 2001 đến 2005, toàn huyện Hòa Vang có 10/11 xã (trừ xã Hòa Bắc) có khu vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi, nhưng đến nay 80% điểm vui chơi giải trí đã xuống cấp trầm trọng, nhiều điểm bị bỏ hoang. Riêng thanh niên, ngoài một vài khu đất bỏ hoang được “cải tạo” thành sân bóng đá, bóng chuyền thì không còn chỗ nào để hoạt động thể dục, thể thao nữa.

Xây xong bỏ đó

Một góc khu vui chơi giải trí ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang hiện nay.

Theo báo cáo kết quả đợt kiểm tra tháng 9 năm 2007 của Phòng VH-TT huyện Hòa Vang thì 7/10 khu vui chơi giải trí, hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh không còn hoạt động, 8/10 khu không có bóng cây che mát, không có ghế đá; riêng về các thiết bị trò chơi, chỉ trừ 3 xã Hòa Phước, Hòa Ninh, Hòa Khương còn khá nguyên vẹn, còn lại đều trong tình trạng không thể sử dụng được. Ông N.V.D, bảo vệ khu vui chơi ở Hòa Phong cho biết: “Đã 2, 3 năm nay rồi, tụi trẻ con chẳng còn đến chơi nữa.

Cổng vào đã sập, tường rào bao chắn cũng mốc meo rồi nên tui cũng chẳng phải bảo vệ làm chi nữa”. Theo kế hoạch được đưa ra ban đầu, mỗi khu vui chơi sẽ thu hút từ 100 đến 350 em đến vui chơi trong 1 tuần. Nhưng trên thực tế, chỉ 1 đến 2 năm đầu vào các dịp lễ, Tết, mới đạt xấp xỉ con số trên. Còn bây giờ, nhìn vào người ta chỉ thấy một khu đất hoang vắng, cỏ mọc um tùm và những vòng tròn sắt nằm chỏng chơ giữa trời.

Nhiều người dân “xót của”, không muốn lãng phí một khoảng đất của Nhà nước, đã đem lúa vào phơi, thậm chí đổ cả vật liệu xây dựng. Thanh niên ở một số xã cũng tận dụng “sửa sang” lại làm sân bóng đá, bóng chuyền. Nhưng, những “công trình tạm bợ” như vậy cũng không “sống” được lâu.

Sân chơi thiếu thốn, xuống cấp, văn hóa đọc cũng “leo lắt” không kém. Toàn huyện hiện chỉ tồn tại 2 thư viện xã (Hòa Liên, Hòa Phong) và 5 phòng đọc thôn. Sách mới có rất ít, chủ yếu được luân chuyển từ xã này qua xã khác, phòng đọc này qua phòng đọc khác.

Nhưng rồi cũng chỉ để trưng bày, thỉnh thoảng mới có một vài cụ già vào tìm đọc sách. Anh Đặng Công Quang, Phó Bí thư Đoàn xã Hòa Phong cho biết: “Thanh thiếu niên trong xã rất thiệt thòi về chỗ vui chơi, các em nhỏ thì đành chơi “chay” ở nhà. Thanh niên ngoài giờ đi làm chỉ biết xem ti-vi, vào quán café, rủng rỉnh một chút thì đi karaoke. Hoạt động giải trí rất nghèo nàn, chỉ lúc nào huyện Đoàn, xã Đoàn có tổ chức gì mới sôi nổi một chút”.

Yếu từ khâu xây dựng, tổ chức, quản lý

Trước thực trạng xuống cấp, thiếu thốn của các khu vui chơi giải trí trên địa bàn huyện, ông Lê Kim Ngọc, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho biết: “Đây là điều khó tránh khỏi khi các loại hình vui chơi, giải trí được xây dựng nhưng chưa gắn liền với thực tế.
 
Chuyên viên phụ trách nghiệp vụ của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân giải thích thêm: “Trước hết, khi lựa chọn địa điểm để xây dựng, người ta đã không tính đến những yếu tố đặc thù của một thiết chế văn hóa như: giao thông, cảnh quan môi trường, mật độ dân cư, đặc điểm tâm lý của công chúng. Xây dựng một khu vui chơi giải trí cho trẻ em mà lại xây ở giữa cánh đồng, trước nghĩa trang liệt sĩ, không có bóng cây che mát, cách biệt với khu dân cư, điện thì chập chờn (như ở Hòa Châu, Hòa Khương, Hòa Phong), không nói đến chuyện vào chơi, chỉ đi ngang qua đã thấy… sợ”.

Bên cạnh đó, một điểm yếu nữa nằm ở khâu quản lý và tổ chức. Mỗi khu vui chơi như vậy có một Ban quản lý gồm 3 người do cán bộ xã đảm nhiệm với kinh phí hỗ trợ 6 triệu đồng/năm, hằng tháng cũng có kiểm tra đánh giá công trình, nhưng “lực bất tòng tâm” khi kinh phí tu dưỡng quá lớn, một vài công trình sau 2 lần nâng cấp đã nâng tổng số vốn đầu tư lên 4 đến 5 trăm triệu đồng. Vì thế, hoạt động ở các khu vui chơi ở Hòa Vang không đúng như mục đích, chức năng đề ra ban đầu.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.