Làng Diêm Trường xưa thuộc xã Diêm Trường, tổng An Hòa, phủ Tam Kỳ; nay thuộc xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Gọi là Diêm Trường, bởi làng nằm bên bờ sông Trường Giang thơ mộng, nhân dân một thời làm muối. Ngày trước, nơi đây diễn ra nhiều lễ hội, trong đó có Lễ Đệ sắc (còn gọi là Lễ Rước sắc) diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng tám âm lịch.
Lăng Ông Đông Tân, nơi người dân Diêm Trường tổ chức Lễ Lệ thu sau khi Lễ Đệ sắc không còn nữa. (Ảnh: A.T) |
Đám rước rồng rắn từ nhà ông Thủ sắc đến đình làng. Mọi người ăn mặc chỉnh tề, cờ kiệu được xếp tôn nghiêm, kính cẩn. Đi đầu đám rước là những người cầm cờ xéo và cờ vuông, kế đó là cờ ngũ sắc (trắng, xanh, đen, đỏ, vàng) tượng trưng ngũ hành. Tiếp theo là một đội khoảng từ 10 - 12 người cầm các loại binh khí trong bộ Lỗ thời trước để thể hiện sự uy nghi đối với sắc phong. Sau đó là đội trống chiêng và dàn bát âm của 9 thôn. Kế đến là Long đình và sau cùng là ông Thủ sắc cùng các vị bô lão, các chức sắc, hương hào và nhân dân trong làng.
Nghi lễ chính thức bắt đầu vào sáng hôm sau. Ông Thủ sắc trang trọng bê hòm đựng sắc từ Long đình đặt ở chính đình, nơi có bàn thờ thần. Sau ba hồi chiêng trống, ông Chánh bái cung kính đọc văn sớ nói về việc thành lập làng Diêm Trường, tri ân Thành Hoàng, các vị Tiền hiền, tiền nhân đã có công khai hoang khẩn hóa lập làng; đồng thời ôn lại công trạng của làng và vinh danh những người trong làng được vua ban sắc phong, ấn tín... Xong đâu đó, sắc được rước ngược từ đình về lại nhà ông Thủ sắc để chờ đến mùa lễ năm sau.
Vào những năm nhân dân làm ăn khá giả, ngoài phần lễ, Hội đồng chức sắc trong làng đứng ra tổ chức hội đua ghe ngay trên đoạn sông chảy qua làng với sự tham gia của 9 đội ghe đến từ 9 thôn. Thỉnh thoảng, nhân dân trong làng còn góp tiền, góp của mời các gánh hát bội có tiếng về hát phục vụ bà con tại sân đình làng. Cụ Huỳnh Ngọc Anh (còn gọi là ông giáo Thứ) năm nay đã 85 tuổi, nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi theo cha tham gia vào đám rước của Lễ Đệ sắc là khi tôi được 12 tuổi, khoảng năm 1935 - 1936 gì đó. Tuy chỉ được chọn cầm cờ xéo thôi nhưng cũng rất lấy làm hãnh diện và vinh dự, vì ngày xưa người ta chọn người tham gia Lễ Đệ sắc rất kỹ càng. Chỉ chọn đàn ông, con trai trong những gia đình gia giáo, có uy tín với dân làng”.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Lễ Đệ sắc ở Diêm Trường không còn nữa, phần vì đình làng đã bị bom đạn của Pháp làm hư hỏng đành phải phá dỡ để phục vụ cho việc “tiêu thổ kháng chiến”, phần vì sắc phong của làng đã bị thất lạc do thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh. Tuy vậy, hằng năm cứ vào ngày rằm tháng tám âm lịch nhân dân trong làng lại tập trung về tại Lăng Ông ở vạn chài Đông Tân để làm lễ Lệ thu cúng tạ Cá Ông, tạ ơn Thành Hoàng, các bậc tiền nhân đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, mùa màng tốt tươi, tôm cá dồi dào.
AN TRƯỜNG