Múa Tứ linh - một tổ khúc múa cổ truyền của dân tộc, đã xuất hiện trên mảnh đất “Ngũ phụng tề phi” hơn một thế kỷ trước. Giờ mọi sự đã đổi thay, trong lòng các bậc cao niên, những tháng ngày nổi đình nổi đám xưa chỉ còn là hoài niệm.
Lân – nhân vật được ưa chuộng nhất trong “bộ tứ” Lân Long Quy Phụng. (Ảnh: V.P.Q.) |
Khi thầy Nhung qua đời, nhóm múa Tứ linh được giao lại cho con trai là thầy Nha. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), thầy Nha tổ chức một đêm diễn múa Tứ linh thật tưng bừng để đánh dấu sự kiện lịch sử này, đánh dấu bước phát triển múa Tứ linh ra nhiều địa phương trong tỉnh. Đến nay, sau bao thăng trầm của lịch sử, bài bản của loại hình múa mang đậm bản sắc dân tộc này đã ít nhiều mai một, còn lại một vài nghệ nhân cũng đã gần bát tuần, tuồng tích múa các cụ chỉ còn nhớ mỗi người vài đoạn.
Theo các nghệ nhân lão thành Đinh Quýt và Nguyễn Huệ, dàn nhạc dùng cho múa Tứ linh gồm nhị, sáo, kèn, chập chõa. Chủ yếu dùng trống và phèng la nhằm gây không khí, khắc họa tính cách hành động của nhân vật. Để thêm sức hấp dẫn, các ông sáng chế ra một loại pháo, gọi là pháo xì, chỉ xì khói và lửa mà không gây nổ. Nó gồm diêm tiêu và tro cây dâu (hoặc sắn) trộn với nhau theo một tỷ lệ nhất định, tùy thuộc vào tính cách của từng nhân vật.
Giữa khi đèn đuốc bập bùng, một tiếng pháo lệnh nổ vang, rồi từ trong hậu trường xuất hiện một anh chàng Lân hùng hổ chạy ra theo nhịp trống thúc dồn dập, ngọn pháo xì trên sừng tưng bừng phun lửa và khói. Các nhân vật lần lượt ra mắt với ngọn pháo độc đáo, khán giả la hét dậy trời, không khí hội hè nóng lên từng phút một.
Múa Tứ linh có nhiều tiểu khúc nhưng khán giả thích nhất là hai tiểu khúc “Lân mẫu xuất Lân nhi” (Lân mẹ sinh lân con). Nghệ nhân Đinh Quýt kể, hồi nhỏ có lần ông sắm vai Lân nhi, theo “kịch bản” phải nằm ngửa áp bụng, kẹp hai chân và ôm cứng lưng người múa phía sau trong vai Lân mẹ cho đến khi “xuất Lân nhi”. Đêm đó khán giả đông nghịt, hai người sắm vai Lân mẹ múa hăng quá khiến cho Lân con tuột tay, rớt xuống bên cạnh bụi cây giả cảnh núi rừng. Đến cao trào “Lân mẫu xuất Lân nhi”, Lân mẹ ra bộ “chuyển dạ” hồi lâu mà Lân con không “xuất” được. Ông bầu lanh trí, cho người che đồng loạt mấy cái đèn măng-sông đi để Lân con nhanh chóng chạy ra sân khấu rúc vào bụng mẹ. Nhờ thế, Lân mới “mẹ tròn con vuông” trong tiếng vỗ tay rôm rả của khán giả.
Năm 1990, được một doanh nhân tài trợ, hai nghệ nhân Đinh Quýt và Nguyễn Huệ ra Đà Nẵng lập một đội múa Tứ linh. Trong 3 năm, đội đã diễn nhiều nơi trên đất Quảng Nam, nhất là phục vụ Tết Trung thu cho các cháu. Loại hình múa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc này đi đến đâu cũng được khán giả nhiệt liệt tán thưởng. Rất tiếc, năm 1993, trong một cơn hỏa hoạn, toàn bộ đạo cụ múa Tứ linh đã bị cháy sạch.
VIÊN PHÚC QUÂN