.

Ngòi bút nữ Đà Nẵng đầu tiên viết nghiên cứu

.

Một bậc nữ lưu là trợ bút Phụ nữ tân văn, vốn ở Đà Nẵng, không hùng hồn trên đàn diễn thuyết, nhưng đã làm sửng sốt bao nhiêu đấng mày râu về vai trò tiên phong trong phong trào Âu hóa người phụ nữ cả một vùng địa phương miền Trung. Đó là Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982).

Chân dung Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa. (Ảnh tư liệu)
Bà tên thật là Huỳnh Thị Thái, người làng Đa Phước, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), có chồng làm tham tá Nha Thương chánh tại Đà Nẵng, là một phụ nữ cấp tiến về nhiều phương diện, sống và nổi tiếng cùng với các bậc nữ lưu thời danh như nữ sử Đạm Phương... Bà là nữ sĩ Đà Nẵng đầu tiên có bài đăng trên các báo Phụ nữ tân văn, Đông Pháp thời báo tại Sài Gòn, Tiếng Dân tại Huế và Thực nghiệp dân báo, tạp chí Nam Phong tại Hà Nội. Riêng đối với Tiếng Dân, bà là chỗ quen thân với chủ nhiệm kiêm chủ bút Huỳnh Thúc Kháng.

Thử tưởng tượng cái thời người phụ nữ còn răng đen tóc bối, ra đường không dám nhìn quanh ngó quất, cứ thẳng một đàng cắm cúi đi, ấy thế mà có bậc nữ lưu trẻ trung dám cắt tóc ngắn, đi xe đạp Peugeot, sáng lập “Nữ công học hội” để tân tiến hóa, Âu hóa người phụ nữ, không những của một thành phố Đà Nẵng mà lan rộng toàn tỉnh Quảng Nam. Vua Bảo Đại đã thưởng Kim tiền cho bà vì có công với phong trào phụ nữ mới.

Năm 1926, được tin nhà yêu nước Phan Châu Trinh tạ thế tại Sài Gòn, bà cùng với các ông Nguyễn Tùng, Nguyễn Đình Thuần, Phạm Doãn Điềm... đứng ra tổ chức lễ truy điệu rất quy mô trọng thể, bất chấp sự răn đe của viên Đốc lý Pháp tại Đà Nẵng. Sau lễ truy điệu ấy, bà cũng chính là hạt nhân vận động xây dựng nhà thờ Phan Châu Trinh nằm trên đường Marc Pourpe (nay là đường Phan Châu Trinh) thành phố Đà Nẵng.

Năm 1927, bà xuất bản tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn, 76 trang do nhà in Bảo Tồn Sài Gòn ấn hành, là chuyện kể có thật xảy ra tại thị trấn Tam Kỳ (Quảng Nam) nói về nỗi oan khuất của một gia đình lương thiện bị chính quyền gian ác hãm hại, và mối tình chung thủy của một mối lương duyên Pháp-Việt. Cụ Huỳnh Thúc Kháng viết lời Tựa cho Tây phương mỹ nhơn.

Cũng năm 1927, bà viết kịch bản “Huyền Trân công chúa”. Đây là sáng tác được hình thành sau thời gian bà làm bầu gánh hát bội tại Nhà hát Hòa Bình, thành phố Đà Nẵng.

Nhưng điều đáng nói và nổi bật hơn cả là bà Huỳnh Thị Bảo Hòa chính là người phụ nữ Đà Nẵng đầu tiên viết nghiên cứu, lại sử dụng tiếng Pháp để nhận định, phê phán một vấn đề rất hóc búa, mắc mỏ lúc bấy giờ. Đó là cuốn Chiêm Thành lược khảo xuất bản năm 1936 với lời đề Tựa của chủ bút tạp chí Nam Phong Phạm Quỳnh. Chiêm Thành lược khảo cũng là cuốn sách đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ viết về dân tộc và đất nước Chăm-pa... hình thành từ kết quả nghiên cứu điền dã của bà trong những ngày du khảo với Jeanne Leuba, tác giả Un royaume disparu, les Chams et leur art (Một vương quốc đã biến tiêu – Người Chăm và nghệ thuật của họ).

Lời Tựa của Phạm Quỳnh có đoạn: “Nhưng các sách (viết về Chiêm Thành – ĐNCT) của Trường Bác cổ là bằng chữ Phạn cả, người không biết chữ thời không đọc được.

Nay bà Bảo Hòa tham bác các sách, lược thuật những điều cốt yếu ra Quốc ngữ cho nhiều người đọc được, thật là làm một việc có ích, và như trên đã nói, bổ được sự khuyết vậy”.

Qua Chiêm Thành lược khảo, ta thấy được ngọn bút sắc sảo và tham bác của bà, phân tích khúc chiết và hùng hồn như chưa hề thấy ở một trang nữ lưu vào những năm 30 thế kỷ trước.

Nguyễn Sinh Duy

;
.
.
.
.
.