.

Quản lý blog học sinh: Ngoài tầm tay!

.

Sau 3 tháng hè tạm lắng, những trang blog học trò nay lại mở ra cùng năm học mới, và kéo theo đó là nhiều nỗi lo của cả phụ huynh và nhà trường trong việc quản lý, ngăn chặn những blog “đen”.
 

Nếu blogger truy cập Internet ở các điểm dịch vụ Internet công cộng, thì việc truy tìm địa chỉ của người đó coi như bó tay.

Mới đây nhất, ngày 28-8-2008, Chính phủ ban hành Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Trước đó, cụ thể hơn, tháng 6-2008, Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng đã có hướng dẫn về việc giáo dục học sinh sử dụng blog cá nhân (trang thông tin cá nhân trên mạng Internet). Theo đó, sẽ xử lý việc học sinh vi phạm đối với các blog có nội dung xấu với các hình thức từ nhắc nhở, khiển trách đến cảnh cáo và đề nghị cơ quan chức năng xử lý...

Muôn hình muôn vẻ

Hiện nay, hầu hết học sinh từ lớp 9 trở lên đều có ít nhất một trang blog. Nếu blog của học sinh các nơi như miền Bắc, học sinh Việt Nam du học hay có những câu kiểu như: “con on do lao lam” (tạm dịch: con ôn đó láo lắm), “nang déo thix” (tạm dịch: nàng không thích)... hoặc những hình nền “mát mẻ”; blog học sinh Đà Nẵng lại hiền lành hơn nhiều, với những trang blog được thiết kế theo những mẫu lạ, màu sắc vui nhộn, chủ yếu để bộc lộ tâm tình, giới thiệu bộ sưu tập hình ảnh xe hơi, búp bê, người mẫu, truyện tranh..., cập nhật tin tức từ các báo. “Nặng” hơn một chút là đăng tải những câu chuyện tình yêu, hình ảnh nam nữ hôn nhau cùng những lời nhận xét ngộ nghĩnh như “Ôi! Ox yêu Px” (tạm hiểu: con trai yêu con gái).

 
Ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông:

Sau Nghị định 97, sắp tới Chính phủ chắc chắn sẽ ban hành những quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho việc quản lý blog.
 
Và chính các cơ quan quản lý Nhà nước phải tạo điều kiện cho các blogger, cộng đồng cư dân mạng biết, hiểu những giới hạn cần nên tránh và thận trọng hơn trong việc đăng tải thông tin.

 
Sau blog, phong trào làm forum (diễn đàn) cho lớp cũng đang được nhiều cô cậu học trò THPT quan tâm. Có lớp lập hẳn một “ban bệ” mười mấy người chuyên lo quản trị mạng và cập nhật nội dung. Mỗi forum đều có một quy chế nghiêm chỉnh: không được đăng tải những bài viết thô tục, nói xấu người khác, phân biệt tôn giáo... Hình thức “treo” nick (không cho nick này tiếp tục đăng bài) được ban quản trị áp dụng đối với những người “cố tình vi phạm”. Thực tế, hầu hết các forum của học sinh các trường Thái Phiên, Trần Phú, Phan Châu Trinh đều chưa có gì đáng lo. Nội dung thường là trao đổi học tập, chia sẻ hình ảnh, và luôn luôn có mục “buôn dưa lê” kiểu học trò về đủ thứ chuyện hoa hậu, ca sĩ, diễn viên...

“Chưa”, không có nghĩa là “hoàn toàn không”

Đại diện nhiều trường cho biết, qua nhiều kênh (dư luận học sinh, Đoàn trường, giáo viên...), các trường cũng chưa nghe về một blog có nội dung bậy bạ, thô tục, nhưng “chưa” không có nghĩa là “hoàn toàn không”. Lo là lo vậy nhưng chưa có trường nào tiến hành khảo sát chính thức về blog học sinh. Và việc kiểm soát trở nên không tưởng khi: “Thế giới blog rộng mênh mông, nick của học trò có hàng ngàn, hàng vạn làm sao biết hết được”, thầy Lê Trung Chinh, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên nhận xét.

Việc thành lập một trang blog là hoàn toàn “ảo”. Người đăng ký không cần khai báo tên thật, địa chỉ thật. Một học sinh có thể có vài trang blog với nhiều tên khác nhau như: khung long kon, thiên thần xử nữ, anh chàng đẹp zai..., cùng với hình ảnh đại diện là các ngôi sao màn bạc hay vận động viên thể thao. Vì vậy, có... trời mới biết trang blog nào là chính thức của học sinh nào.


 
Ông Phạm Văn Xê, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Hải Châu:

Chúng tôi sẽ làm những bản tin trường và các buổi chuyên đề giới thiệu các trang blog hay, blog sạch. Như vậy các em sẽ không phải tò mò để tìm những blog bẩn. Chính tôi cũng là một blogger.

Tôi yêu cầu các giáo viên tin học của trung tâm thường xuyên lướt blog và cập nhật, giới thiệu cho các em. Phải biết blog mới quản lý blog được, nếu không sẽ thua cả học sinh.

 
Thầy Phan Minh Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh rất thẳng thắn khi bộc bạch: “Quả thực cái này còn quá mới với chúng tôi. Giáo viên các lớp, và ngay cả thầy hiệu trưởng cũng chưa bao giờ xây dựng một trang blog cho mình, nên cũng chưa thể hình dung nó như thế nào”. Còn Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Hải Châu - ông Phạm Văn Xê thì cho rằng: “Việc quản lý blog học sinh nằm ngoài khả năng của nhà trường.

Ngay cả các cơ quan chuyên môn như an ninh mạng, thông tin - truyền thông có công cụ trong tay cũng chưa chắc giải quyết được, huống chi chúng tôi”. Một chuyên viên công nghệ thông tin của một mạng viễn thông cũng khẳng định: “Quản lý Blog dựa trên IP (Internet protocol – giao thức định địa chỉ một máy tính nối mạng trên một mạng công cộng như Internet), tương tự như việc định địa chỉ nhà trong một thành phố, biết được số nhà sẽ tìm được chính xác chỗ ở.

Tuy nhiên, nếu blogger truy cập ở dịch vụ Internet công cộng, thì việc truy tìm địa chỉ của người đó coi như bó tay”. Cùng  quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Nguyễn Đăng Trường lo lắng: “Phong trào blog phát triển cực kỳ nhanh, trong khi đó, chúng ta chưa đủ con người và kỹ thuật, chuyên môn để có thể kiểm soát hiệu quả”.

Blog trở thành một nội dung mới trong nội quy các trường

Cách duy nhất mà các trường có thể làm chỉ là: tuyên truyền, giáo dục và đưa việc quản lý blog vào nội quy của trường để theo đó mà xử lý vi phạm (nếu có). Thầy Lê Trung Chinh đề nghị thêm: “Các cơ quan liên quan về an ninh mạng, khi phát hiện thông tin về blog không tốt, cần thông báo ngay cho nhà trường để kịp thời ngăn chặn”. Theo quan điểm của ông Nguyễn Đăng Trường, biện pháp “trong tầm tay” là giáo dục để nâng nhận thức của học sinh, giúp các em hình thành “hệ miễn dịch” đối với sự xâm nhập của những trang mạng không tốt. 

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.