Lễ tang là một trong bốn lễ trọng (trong quan hôn tang tế) của Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, cốt để tỏ lòng thương trọng và kính thờ người chết. Lễ tang thời nay, trong lúc có nơi vẫn còn giữ một số tập quán lạc hậu thì có nơi lại vẽ vời thêm một số “lệ” mới rất lạ đời theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”.
“Đức trọng quỷ thần kinh”
Đám tang ở nông thôn nhiều khi chỉ có một thanh la là đủ lễ. |
Ông Phùng Quýt, Phó Trưởng ban Nghĩa trang thành phố Đà Nẵng cũng tán thành ý kiến đó. Là đơn vị đứng ra lo cái “cõi về” của người dân, Ban Nghĩa trang còn kiêm luôn nhiệm vụ “gác cổng” các tập quán lạc hậu, khuyến khích thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Không tế đồ trung, không đội mũ rơm, không rải vàng mã... tư vấn thì nhiều nhưng khách hàng, trong đó có cả người có học thức hẳn hoi, nghe chẳng được bao nhiêu.
Suy cho cùng, cũng do cái thói đời nó buộc người ta phải làm theo lệ xưa, dù có người biết rõ mười mươi đó là cổ hủ, lạc hậu, để “yên tâm về mặt tâm linh”. Nếu ai cũng nghĩ và làm được như một vị lão thành cách mạng ở Đà Nẵng trước khi thành phố phát động Chương trình “3 có” thì mọi sự đã khác. Ông Quýt kể, vị này dặn con cháu 3 điều trong di chúc: không đốt đuốc, không rải vàng mã; không may đồ tang, chỉ mang băng tang; không nhận tiền phúng viếng của cá nhân. Khi làm lễ tang, con cháu phóng lớn đoạn di chúc này rồi dán lên tường ở Nhà tang lễ thành phố.
Đã hội nhập rồi, cũng nên thẳng tay dứt bỏ những tập quán lạc hậu, lỗi thời. Ngày trước, dù là cha mẹ mà chết ở ngoài đường (dân gian gọi là “ma bay”) cũng không được đưa vô trong nhà, chỉ che rạp làm đám phía ngoài, vì sợ “ma” về bắt. Nay thì cái lệ bất nhẫn, phi đạo đức này đã được thay đổi, thế mà có ai bị “ma bắt” đâu! Xem thế, mọi sự nên hư ở đời đều là do cái tâm mình động niệm mà ra thôi, hành xử đúng đạo thì “đức trọng quỷ thần kinh”.
Lễ nghĩa thời... phú quý
Nhạc đám tang kéo dài nhiều ngày chỉ tổ làm phiền hàng xóm (Ảnh minh họa) |
Thế nhưng thói đời ma chê cưới trách, không có bát âm thì thế nào rồi cũng có người bĩu môi: “Nhà chi mà con cái không đưa cho cha mẹ được một dàn nhạc”. Có điều, nhạc bát âm hầu hết các đám đều mở loa chang chảng, khách đến viếng muốn chuyện trò đôi lời với tang quyến phải hét vào tai, ráng ngồi một chặp cho “đủ lễ” rồi xin kiếu ra về để khỏi bị “tra tấn”. Ông Trần Văn Toán, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hòa Khương bảo: “Dân tụi tui đói ăn rau, đau uống thuốc, chết chiêng trống. Chỉ chiêng trống là đủ lễ nghĩa với làng xóm, họ tộc rồi, không phải cần đến bát âm, ngũ âm chi cả”.
Xưa nay, bao giờ đám tang cũng viếng bằng vòng hoa - như một lời chia buồn cho một vòng đời đã tròn, một cuộc đời đã khép. Thế mà mới đây đã xuất hiện lẵng hoa (có khi nhiều sắc màu lòe loẹt) ở nhiều đám tang. Đem cái hình thức cắm hoa dành cho sự chúc tụng ở các nghi lễ khánh hỉ vào trong đám tang, “văn hóa” cỡ đó thì thật là hết biết! Ông Toán bảo, có đám lên Gò Cà chở tới 3-4 xe vòng hoa, chất trong chất ngoài đầy nghẹt, thiệt là lãng phí quá chừng. Còn ông Phùng Quýt thì đưa ra con số đáng giật mình: “Có một số đám (phần lớn là cán bộ đương chức tổ chức lễ tang cho cha mẹ) vòng hoa tới 350-400 cái. Cứ tính bình quân 1 cái giá bữa nay 200 nghìn đồng thì tiền vòng hoa thừa sức làm 5-6 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo!”.
Phú quý, người ta bày vẽ nhiều quá. Sau năm 1975, ông Mùi từng đi mua ván xoài về để đó, ai mất là ghép lại: “Chứ mô như chừ, một quan tài mười mấy triệu đồng, nghèo chơi chi nổi. Mà quan tài thời chừ vẽ rồng vẽ rắn đủ thứ, thiệt là lạ. Lệ xưa không ai vẽ rồng lên quan tài, đem rồng đi chôn là điều tối kỵ”.
|
Nếu biết giữ theo nếp xưa như làng Thái Lai, xã Hòa Nhơn, thì đâu đến nỗi. Ông Đỗ Hữu Trĩ (80 tuổi), trưởng làng, trưởng tộc Đỗ kể chuyện, từ thời mấy anh em ông làm lý trưởng đã lập nội quy: Đám ma không được đãi đằng; liễn thờ, liễn đi đám phải nền trắng, viết chữ đen, màu mè là làng không đồng ý. Lệ đó còn giữ tới chừ, để kẻ giàu người nghèo trong làng thảy đều báo hiếu được như nhau.
Lễ bạc, lòng thành
Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị là kim chỉ nam trong việc tang. Ông Trần Văn Mùi tâm đắc: “Đưa cái 27 xuống dân, dân bảo hay quá, tốt quá, cần thực hiện nghiêm túc như cấm đốt pháo hồi năm 1994. Dân thì dễ rồi, nhưng ngặt nỗi một số cán bộ cứ “xé rào”, bày vẽ, khoa trương đình đám thì dân ai người ta nghe cho. Mình đi vận động bỏ lệ xem ngày giờ thì dân nói: “Ông không xem ti-vi à? Mấy ông lớn có khi còn để được cả tuần, còn dân như tụi tui thì mấy ông bắt chôn liền!”.
Thực hiện “Có nếp sống văn hóa - văn minh”, đặc biệt là trong lễ tang, phải bắt đầu từ cán bộ, đảng viên. Về tang ma, Phan Kế Bính từng viết trong Việt Nam phong tục: “Sự thương cốt ở trong lòng. Chỉ ứa hai hàng nước mắt là đủ...”. Đâu hẳn tổ chức đám to lớn, rình rang là thực lòng báo hiếu cha mẹ. Không ai khen đám cưới, chẳng ai cười đám ma. Lễ bạc lòng thành mới là quý. Trong cái sự nhộn nhạo của lễ tang ngày nay, biết đến bao giờ mới có người dám nghĩ và làm như vị cán bộ lão thành cách mạng nói trên?
|
VĂN THÀNH LÊ