.

Tên hiệu “Sào Nam”

.

* Tôi nghe nói tên hiệu Sào Nam của cụ Phan Bội Châu là lấy từ điển tích “Chim Việt, ngựa Hồ”. Xin cho biết tích này ra sao và ý nghĩa của “Sào Nam” như thế nào? (Trần Văn Quảng, Hải Châu, Đà Nẵng).

Chim Việt tại Văn Miếu, Hà Nội.

- Theo điển tích, chim Việt sinh ra ở đất Việt (phía Nam Trung Quốc), cảm thụ được khí ấm áp nên khi bay đi xứ khác bao giờ cũng đậu cành phía Nam là phía ấm áp hợp với chỗ quê hương. Dùng từ “chim Việt” (Việt điểu) để chỉ nỗi nhớ quê hương cố quốc.

Ngựa Hồ là ngựa sinh ra ở nước Hồ - một nước khí hậu lạnh ở phía Bắc Trung Quốc. Ngựa Hồ cao lớn, leo núi rất giỏi, chạy rất nhanh, người Trung Quốc thường mua về làm ngựa chiến. Ngựa Hồ tuy về Trung Quốc, là nơi tương đối ấm áp nhưng vẫn nhớ đến đất Hồ. Mỗi khi gió bấc nổi lên, tuyết rơi lả tả nơi đất khách thì ngựa lại cất tiếng hí lên thê thảm tỏ lòng nhớ cố quốc.

Cũng có sách cho rằng, nước Hồ đem ngựa cống vua Hán ở Trung nguyên. Ngựa được nhốt vào chuồng cho ăn uống thật ngon và được chăm sóc rất kỹ. Nhưng khi gió bấc thổi đến thì ngựa lại bỏ cả ăn uống, ngóng về phương Bắc hí vang những tiếng bi thảm.

"Chim Việt, ngựa Hồ" trở thành thành ngữ, có nghĩa bóng là không quên nơi quê hương cố quốc dù ở nơi đất khách quê người.

Các tích trên đã đi vào cổ thi: “Hồ mã tê Bắc phong/ Việt điểu sào Nam chi”, nghĩa là: “Ngựa Hồ hí gió Bắc/ Chim Việt đậu cành Nam”. Tên hiệu “Sào Nam” của cụ Phan lấy nghĩa từ 2 câu thơ này, ý nói người không quên gốc gác của mình.

Lễ tiên thường và lễ chính kỵ

* Nên tổ chức lễ cúng giỗ vào ngày nào, đúng vào ngày mất hay trước ngày mất một ngày? (Nguyễn Nghĩa, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Thi nấu bánh cúng giỗ Tiền hiền làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh. (Ảnh: V.T.L)

- Theo Văn Tân trong “100 điều nên biết về phong tục Việt Nam” (NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội - 1997), lễ giỗ gọi là lễ chính kỵ. Chiều hôm trước lễ chính kỵ thiết lễ tiên thường (nghĩa là nếm trước), con cháu sắm một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước. Ngày xưa, những nhà giàu có mời thông gia, bà con xóm làng đến ăn giỗ cả hai lễ. Dần dần vì khách đông phải chia ra làm 2 lượt; những nhà hàng xóm được mời cả 2 vợ chồng thì chia nhau, người đi lễ tiên thường, người đi lễ chính kỵ.

Ở nông thôn, muốn “vừa được buổi cày, vừa hay bữa giỗ” thì buổi chiều đi làm về, sang hàng xóm ăn giỗ tiện hơn nên có nơi lễ tiên thường đông hơn là lễ chính kỵ. Dần dần, vì bận việc hoặc vì kinh tế eo hẹp nên người ta giản lược đi, chỉ mời khách một lần nhưng hương hoa trầu rượu vẫn cúng cả 2 lễ. Một vài nhà làm, người khác thấy thuận tiện bắt chước, lâu rồi trở thành tục của từng địa phương.

Ngày nay, việc cúng ngày sống (tức lễ tiên thường) hay cúng ngày chết (lễ chính kỵ), lễ nào quan trọng hơn, là tùy phong tục của từng nơi.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.