.

Thuyền trên núi

.

Truyện ngắn của TRẦN THÙY MAI

Tôi gặp Hơ Thuyền trong đêm đầu tiên ở Đắc Sưk. Nghe nói có thầy giáo người Kinh đến dạy học, các cô gái trong bản rủ nhau đến xem mặt. Tôi nhìn các cô qua ánh lửa. Người ta gọi tên các cô: Hơ Nhí, Hơ Rê, Hơ Ngo. Tai tôi như chững lại vì nghe cái tên là lạ: Hơ Thuyền.

Minh họa: Mai Hoa

Ông Ama Yvứ bảo tôi:

- Ngày trước mình có lần về xuôi, đi ra biển Quy Nhơn, thấy thuyền đẹp quá, mình về, đặt tên con. Thầy giáo thì khác mình, từ dưới biển lên đây.

“Ở dưới Quy Nhơn sướng, sao thầy lại thích lên núi?”. Có cô gái hỏi tôi. Tôi ngồi dựa lưng, bó gối, nét mặt ảm đạm tưởng chừng nhếch mép không nổi. Nhưng rồi tôi cũng gắng gượng trả lời:

- Vì bản Đắc Sưk đẹp, người bản Đắc Sưk hiền, con gái Đắc Sưk xinh.

Các cô gái phá ra cười, vẻ sung sướng. Các cô không biết người Kinh hay nói dối, cả câu nói đùa vô hại cũng không thật.

Sự thật là cách đây mười hôm, tôi như một xác chết ngồi thẫn thờ trước quầy vé của bến xe Quy Nhơn. Hương đã từ chối tôi. “Em biết anh rất tốt, nhưng...”. Như thế nghĩa là tôi không còn gì để chờ đợi nữa. Sáng sớm hôm sau tôi nhét mảnh bằng tốt nghiệp vào túi, ra bến xe, tự nhủ quầy vé nào mở ra trước hết tôi sẽ đi đến đó. Cửa vé đầu tiên mở: “Buôn Ma Thuột”. Tôi đã lên cao nguyên và quen Hơ Thuyền một cách tình cờ như thế.

Suối Đắc To nước trong một dòng, những hòn đá trơn lì nhô lên bên bờ nước. Hơ Thuyền dẫn tôi ra suối, chỉ cho tôi dấu chân nai uống nước hồi đêm. Tôi đi như người mất hồn. Hơ Thuyền nói gì tôi cũng gật. Hơ Thuyền cười: “Cái vía anh ở đâu rồi?”. Tôi cũng chỉ gật. Tôi nhớ Hương, hay đúng hơn, nhớ nỗi đau của người bị từ chối. “Em không ở Việt Nam đâu, trước sau em cũng đi, em không thể dây dưa tình cảm với anh”. Ngay khi nói câu khô khốc ấy, mặt nàng vẫn đẹp quá, cặp lông mày sắc như dao cứa nát hồn tôi. Hơ Thuyền bảo: “Anh tắm đi, nước suối mát lắm”. Tôi nói: “Ở đây vắng quá, chắc có hổ”. “Không sợ đâu, Hơ Thuyền canh cho”. Tôi không tin hổ lại sợ Hơ Thuyền. Nhưng tôi cũng xuống suối tắm. Tôi còn sợ gì nữa, khi đã lên đây với tâm trạng của một người đi tự vẫn. Hoặc ít ra, tôi đã chọn núi rừng Đắc Sưk làm nơi cấm cố chung thân.

Hơ Thuyền không hiểu điều ấy, lúc nào nàng cũng tìm cách làm cho tôi vui. Đêm ngày mùa, nàng kéo tôi xuống sân nhà rông, nơi đó nàng tuốt lúa bằng tay như tất cả các cô gái Tây Nguyên. Tôi cầm bàn tay nàng: sần lên, chai ráp. Tôi xót. Bàn chân nàng cũng vậy, thô và đầy chai, tương phản với bộ ngực và cánh tay mịn màng màu bánh mật. Tôi xoa những vết chai của nàng trong lòng bàn tay tôi. Nàng cười, con mắt ướt mà hoang dã nồng nàn.

Ông Ama Yvứ, cha của Hơ Thuyền là người chuyên tạc tượng nhà mồ. Tôi đã có lần theo Hơ Thuyền lang thang giữa khu mộ Êđê, bên mỗi nấm mồ thường có những pho tượng ngồi khoanh tay buồn rũ. Ama Yvứ bảo: “Không phải cái tay mình tạc đâu. Giàng nước, giàng núi, cái ma nó tạc ra thế”. Mỗi lần tạc tượng mồ, Ama Yvứ khấn đủ các linh hồn, rồi uống rượu: Cả rượu, cả người cùng tạc lên gỗ. Khi tỉnh lại, Ama Yvứ nhìn tác phẩm của mình, sụp lạy.

Đầu mùa thu Hơ Thuyền rủ tôi đi thăm mộ mẹ. Mộ mẹ Hơ Thuyền cũng có tượng. Nhưng pho tượng không rũ xuống sầu não. Trước mắt tôi là người đàn bà mang vòng xuyến nữ trang, miệng cười mãn nguyện. Hơ Thuyền kể đại khái như sau: “Ngày trước mẹ em lấy Ama Ylơng, người thợ săn vô địch của rừng núi Êđê. Chẳng may một hôm Ylơng bị lợn lòi húc chết. Theo phong tục, mẹ em phải nối dây lấy cha em là em của Ylơng. Nhưng mẹ sống với cha em hai năm mà không có khi nào khô nước mắt. Sau khi sinh em ra ít lâu, mẹ em đi lấy nước ngoài suối, ngã xuống khe chết. Cha em ôm mộ khóc suốt ba ngày đêm, ngủ thiếp đi chợt thấy mẹ em về, miệng cười tươi như hoa, bảo: “Em không chết đâu mà em về với Ama Ylơng, ở làng trời vui lắm, anh đừng lo cho em nằm dưới đất lạnh nữa”. Ama Yvứ tỉnh dậy khóc càng to hơn, sau đó uống rượu say ngất ngư và tạc tượng cho vợ y như đã nhìn thấy trong mộng. Tạc xong bức tượng cười đẹp như trăng, khuôn mặt Ama Yvứ trõm sâu xuống, hốc hác, có thêm vài ba lằn xếp.

Khi tôi cùng Hơ Thuyền trở về bản, lũ học trò nhỏ từ trong các nhà sàn chạy túa ra theo chúng tôi, cười vui như ong reo, những thân hình đen nhẻm trần truồng phơi dưới trăng. Tôi ngồi xuống bậc cửa nhà rông. Hơ Thuyền ngồi cạnh. Bỗng nhiên lòng tôi dậy lên một nỗi buồn vui khó tả, một cảm giác lâng lâng, mơ hồ như vừa ốm dậy. Tôi cảm thấy mình đang sống, đang bình yên và đang được thương yêu.

Đến Tết tôi về xuôi thăm mẹ. Nhân đi chợ, tôi mua cho Hơ Thuyền đôi guốc. Mẹ tôi nhìn thấy, thở dài: “Đồng ơi! Con định lấy vợ trên núi, bỏ mẹ cả đời sao con?”. Tôi cười khì khì, ôm lấy bờ vai gầy của mẹ.

Đầu xuân Tây Nguyên, lễ hội đâm trâu làm cho cả bản nhộn nhịp lên. Hơ Thuyền đi guốc, bàn chân lóng ngóng, dáng thẹn thò dễ thương.

“Y Đông ơi, đẹp không?” Bây giờ tôi đã là Y Đông, tôi cũng đi chơi, nhảy múa, uống thật nhiều rượu cần. Các cô nàng Hơ Ngo, Hơ Rê, Hơ Nhí ríu rít vui đùa. Gặp cô nào tôi cũng kêu to: “Nhân bơ nát ó lơ”. (Anh thương em lắm!) Các cô ré lên cười. Hơ Thuyền vui sướng hỏi tôi:

- Y Đông ơi, dưới xuôi có hội vui không?

- Có, ít thôi.

- Cha em nói dưới xuôi có biển đẹp lắm, em thích thấy biển lắm.

Tôi chếnh choáng, hào phóng vỗ về nàng: “Hơ Thuyền ơi! Yên tâm đi, rồi có dịp anh sẽ dẫn em về nhìn sóng biển Quy Nhơn”.

Năm học hết, học sinh nghỉ hè. Lẽ ra tôi về nhà thăm mẹ nhưng phải ở lại vì có đoàn sinh viên lên Đắc Sưk đi sưu tầm văn học dân gian miền núi. Mỗi nhà nhận cho hai sinh viên ở lại. Gian nhà sàn nhỏ của tôi cũng có hai sinh viên, một nam, một nữ. Buổi chiều, từ ủy ban xã về, tôi giật mình: Một dáng người quá quen đứng nhìn vào nhà tôi, mặc Jeans xanh, tay xách chiếc balô màu đỏ. Tôi buột miệng kêu:

- Hương!

Chỉ nhìn sau lưng, tôi đã nhận ra Hương qua mái tóc ngắn với những sợi cong cong sau gáy ôm lấy cái cổ tròn. Hương quay lại, tôi dụi mắt luôn mấy lần...

Nhưng không phải Hương. Cái bóng của quá khứ đã tan biến, sau chốc lát. Đây chỉ là một cô sinh viên trẻ, nhỏ hơn Hương nhiều. “Thưa thầy, tên em là Ni”. Đôi mắt Ni hiền quá, như mắt con mang, dại khờ, đắm đuối.

Tôi choáng váng. Bao nhiêu năm rồi, nơi bản làng này mới có dấu chân con gái miền xuôi.

Làm thầy giáo trong bản, tôi tất nhiên phải giúp đỡ đoàn sinh viên về mọi mặt. Kể cả chuyện dẫn họ đi suốt mấy cây số đường rừng, năn nỉ các ông già hát cho để ghi lại những “khan” miền núi. Họ bắt tôi ăn cơm chung. Có những chiều, các cô sinh viên đi tắm, sợ hổ, bắt tôi cầm đèn pin đi theo canh chừng. Trăng sáng ngời ngời trên cây cỏ, tiếng các cô nghịch nước, đùa giỡn tưng bừng trên suối. “Thầy ơi, thầy đứng ngang bụi sim đó nghe, thầy đừng đi đâu xa tụi em sợ lắm”.

Tôi nhận ra tiếng của Ni... Không hề quay lại mà trước mắt tôi vẫn hiện rõ mồn một những thân thể con gái trắng rờ rỡ trên mặt nước, dưới trăng. Cũng muốn ngoái đầu lại nhìn, nhưng ngàn lần không dám...

Gần cuối đợt sưu tầm, anh sinh viên ngủ lại nhà tôi bỗng nhiên bị đau bụng vì ăn canh lá mì, phải chở lên bệnh xá. Đêm đó còn mình tôi với Ni ở trong nhà sàn. Trời tối, tôi nằm trong buồng. Ni là khách, nằm ngoài gian giữa. Tiếng võng kĩu kịt hoài trong yên lặng. Chừng gần sáng, chợt bên ngoài vang lên một tiếng “tác” lạnh lùng vang dội. Ni hoảng hốt kêu lên, chạy vào buồng, nhảy thót vào lòng tôi. Tôi run bần bật như bị điện giật, chết sững ra như chiếc ghế để mặc cho Ni ngồi gọn gàng trên lòng mình. Mãi lát sau tôi mới ngắc ngứ nói được một câu: “Em ơi, đấy là con mang, không phải con hổ đâu”. Ni phụng phịu, ngượng ngùng quay ra gian ngoài. Tôi trở dậy khêu bếp lửa giữa nhà, thức cho tới rạng đông...

Đoàn sinh viên đi. Ni đi, không chào, không nhìn tôi. Lòng tôi quay quắt. Ni đã khuấy động sự yên bình của rừng núi này. Từ khi nàng đi, núi rừng Đắc Sưk đối với tôi lại một lần nữa là nơi lưu đày viễn xứ...

Tôi quyết định rời Đắc Sưk. Ngày tôi sắp đi mưa tầm tã. Đêm ấy chợt có tiếng kẹt cửa. Hơ Thuyền đẩy liếp chạy vào, ướt sũng vì đường xa dầm mưa. Nàng nhìn tôi, kêu lên “Y Đông!” rồi đứng lặng, những sợi tóc quăn quăn rũ xuống hai bên đôi mắt đen. Phút chốc nàng chạy biến vào đêm mưa. Tôi đứng trước cửa, lòng lặng thầm nhắc nhở: mình còn nợ Hơ Thuyền một lời hứa, sẽ đưa nàng về xuôi nhìn sóng biển...

Tôi về xuôi.

Hai năm sau, tôi lại ra ngồi ở bến xe Quy Nhơn. Rã rời, tuyệt vọng. Ni đã bảo tôi “Anh rất tốt, em rất quý anh. Nhưng anh khờ quá. Đã có lúc em tưởng là em yêu, nhưng hóa ra không phải”. “Em đừng bỏ anh, anh sẽ cố không khờ nữa, để em vui lòng”. Lời tôi khẩn thiết như vậy mà Ni chỉ bật cười... Tôi ra đi. Lần này cửa vé đầu tiên mở không phải là cửa vé lên Ban Mê Thuột. Tôi theo số phận, phiêu du về Bắc.

Không đi dạy nữa, tôi bắt đầu vẽ. Tôi vẽ thật nhiều bức tranh về những mơ ước của đời mình. Không neo vào một nơi nào cố định nữa, tôi lang thang hết nơi này đến nơi khác, rồi một hôm trên đường thăm Tây Nguyên tôi nhớ lại bản Đắc Sưk.

Trong bản làng cũ, Ama Yvứ tiếp tôi, khuôn mặt khô đanh như thớ gỗ Pơmu già. Trong nhà sàn không còn ai. Có lẽ Hơ Thuyền đã cưới chồng? Nhưng nếu thế, nàng phải đem chồng về đây, theo phong tục Êđê?

Ama Yvứ dẫn tôi đi xuyên rừng. Chúng tôi dừng chân trước một cô gái ngẩng đầu cao như đang bay lên, mắt nhìn ra xa.

Đó là tượng mồ của Hơ Thuyền. Đúng như Ama Yvứ thường nói, bác không tạc ra tượng, mà chính là thần linh. Chỉ có thần linh mới lột tả được trong đôi mắt kia tình yêu dữ dội của nàng, con mắt trần gian của tôi đã không nhìn thấy.

“Hai năm, ngày nào nó cũng lên núi chờ thầy giáo. Một hôm nó bảo: “Thân con nặng lắm, không bay lên được”. Hôm sau nó thắt cổ trên đỉnh cao nhất. Khi chết, mắt nó cứ mở, nhìn về phía Quy Nhơn”.

Tôi sụp xuống, nức nở. “Ama Yvứ ơi! Tại tôi! Tại tôi!”. Nhưng người đàn ông Êđê lắc đầu:

- Thầy giáo đừng khóc nữa, tôi biết nó không chết đâu mà nó bay về biển đó. Tôi nằm ngủ, thấy nó đứng trên một chiếc thuyền đẹp lắm, căng lá buồm rất to ra khơi.

Ama Yvứ đại lượng ơi! Bác là người hay mơ, tôi là người hay mơ, hay cả nhân gian đều quờ quạng lần theo những giấc mộng?

Đêm ấy tôi cùng Ama Yvứ uống say bên bếp lửa. Đến khi gà gáy tôi gục xuống, máu cam chảy ướt ngực. Còn Ama Yvứ thì nằm lăn giữa sàn, miệng lẩm bẩm:

- Thầy giáo ơi, không phải tại thầy, mà tại tôi. Tại tôi đặt tên nó là Hơ Thuyền. Làm sao mà có thuyền ở trên núi cao?

T.T.M

;
.
.
.
.
.