Truyện ngắn của NGÔ NHÂN ĐỨC
Anh sờ soạng tắt cái đồng hồ báo thức đang reo inh ỏi trên đầu gối nằm. Sau cửa sổ, trời vừa nhá nhem sáng. Lười lĩnh trở mình, anh ngồi dậy, lơ mơ quờ tìm dép lê. Ra đứng cạnh cửa sổ, đốt điếu thuốc đầu tiên trong ngày.
*
Anh gửi xe vào nhà sách, đi bộ ra bến xe buýt ở khu công nghiệp Tây Bắc. Anh đi chuyến 6h45’, tuyến 94, Củ Chi - Chợ Lớn. Ngày nào cũng vậy, trừ chủ nhật và lễ, gần 5 năm nay, chính xác là 4 năm 9 tháng. Anh là vậy. Cũng như cái hợp đồng thuê nhà 10 năm với ông chủ nhà tóc bạc, cựu thiếu tá ngụy, có mấy người con ở Mỹ. Mới đầu ông ta từ chối, lý do không biết mình sống tới ngần ấy năm nữa không, nhưng khi anh đưa ra thẻ làm việc ở Trung tâm phần mềm Quốc gia, ông đồng ý. Anh chuyển về huyện ngoại ô này vì muốn toàn tâm thực hiện những công trình nghiên cứu của mình. Đôi khi anh cũng có ý muốn lấy vợ.
Lại sợ nếp sống mình bị quấy rầy bởi một người khác. Anh nghĩ mình là người kín đáo và dè dặt. Cũng từng thử nhờ mấy cô đồng nghiệp trẻ mai mối, nhưng anh nhanh chóng nhận ra, các cô anh gặp gỡ đang tìm điều gì đó không có ở anh, hoặc ngược lại. Mà anh tìm điều gì? Anh tưởng tượng ra một người phụ nữ đảm đang, với giọng nói dịu dàng, có lập trường nhưng không bảo thủ. Quan trọng hơn, người ấy phải có một cảm nhận về sự nhỏ bé mong manh của con người trong thành phố mười triệu dân, trong đất nước tám mươi lăm triệu dân, và hành tinh bao la sáu tỷ người này.
Mấy cô đồng nghiệp trẻ dường như không hiểu hết yêu cầu của anh. Họ quan tâm đến những điểm khác trong phiếu yêu cầu mà anh ghi để các cô dễ mai mối: cao từ 1m58 trở lên, nặng từ 48 đến 52kg, độc thân, có nghề nghiệp ổn định, ngoại hình khá. Thật ra, cơ bản thì anh cũng không quan tâm mấy đến ngoại hình. Bởi vì anh biết mình đã sắp bốn mươi, lại không khéo ăn mặc để che giấu những khiếm khuyết cơ thể có ở đàn ông tuổi này. Những cái áo màu sáng không thích hợp với cái bụng hơi to của anh, chẳng hạn.
*
Anh không nhìn thấy cô gái ấy khi đến nhà chờ sáng hôm qua. Mọi khi, như gần nửa năm nay, cô vẫn đứng ở trạm ngã tư Bảy Hiền, gần nơi anh làm việc, để đón xe. Anh và cô vẫn hay gật đầu chào nhau, như cách của những người láng giềng ở thành phố theo phép lịch sự. Cô hơi nép vào một bên so với đám đông hành khách chuẩn bị lên xe, lúc anh bước xuống vẫy bác Honda ôm mà anh là khách tháng. Đôi khi anh thấy cô lại đứng riêng ra, hơi cúi đầu, nhìn xuống đôi tay lúc nào cũng mang găng đang đong đưa nhè nhẹ cái giỏ xách khá to dưới chân, khe khẽ hát gì đó.
Thỉnh thoảng, vào những ngày mưa lất phất, cô gái sẽ sàng nhắm mắt, hơi ngửa mặt lên để đón những sợi tơ mềm trong vắt đang giăng giăng bay trong gió lạnh. Mấy ngày nắng to như vừa rồi, thì cô dùng tờ báo che nghiêng nghiêng theo phía mặt trời dọi. Hình như lúc nào cũng là tay phải. Anh hơi thắc mắc tại sao luôn là tay phải, và luôn mang găng, cho đến tuần rồi.
Lúc đó, cô đang nhắn tin cho ai, nên tháo găng để bấm phím. Thấy xe buýt đến, cô vội vã cầm giỏ, kẹp hờ vào nách, bước đến phía cửa lên. Anh chắc mình hơi vô duyên, khi nhìn sững vào bàn tay trái dư một ngón út, có một bướu lồi màu đỏ sẫm trên mu. Nghĩ vậy, anh liếc mắt đi nơi khác. Cô gái luống cuống đeo găng vào lại. Quỷ thần nào xui khiến cho anh lâm vào một tình huống khó xử thế chứ?
Anh bật cười. Ông Hòa, đang chăm chú lái xe chầm chậm, hơi ngoảnh mặt ra sau, hỏi khẽ:
- Cậu có chuyện vui hả?
- Dạ... không, bác ạ! Cũng chẳng biết nữa.
Ông già chợt nhỏ giọng, gật gù:
- Ờ, thế đấy. Đôi lúc người ta không biết mình nghĩ gì, cậu nhỉ!
Anh như tìm được người đồng minh, khẽ dạ. Anh thích bác xe ôm này. Dường như ông biết cách chia sẻ và hiểu người ta, không như những tay xe ôm khác, toàn những câu vô vị, làm cho đoạn đường đi như dài thêm ra. Vẻ cần mẫn tế nhị của ông có một cái gì thâm trầm khó diễn đạt. Bao giờ anh cũng thấy thoải mái ngồi sau xe ông. Ông biết nói đúng lúc, vừa đủ.
Có lẽ đó là tính của người già. Ông cười hiền hòa khi anh nói mình vẫn độc thân, lặng lẽ lái xe khi thấy sắc mặt anh hơi cau có, rề rà kể cho anh nghe chuyện một khách hàng khác bị quịt cả tình lẫn tiền, mà ông vừa giới thiệu một người đứng đắn cho cô ta. Anh định hỏi ông có biết cô gái mang găng không nhưng nghĩ thế hơi xấu hổ, lại thôi.
*
Hôm sau nữa, anh cũng không mấy thắc mắc khi không thấy cô gái. Anh từng không gặp cô vài lần, chắc chắn là 2 lần, một ngày mưa dữ dội vào sáng sớm, một lần sát trước kỳ nghỉ 30-4. Khi anh đi bộ về nhà sách lấy xe, anh bỗng nhớ ra đó là những ngày đặc biệt. Hay là cô ấy ngại gặp sau chuyện lần đó? Anh cảm thấy vui vui khi nghĩ cô cũng là người bẽn lẽn nhút nhát giống mình.
Tuần sau, thì anh bắt gặp mình đang nghĩ đến những giả thuyết khác cho sự vắng mặt của cô ở trạm xe buýt. Có thể cô chuyển chỗ làm. Hay là cô nghỉ phép? Có thể cô bị ốm hoặc phải về quê. Nước da trắng lạ của cô khiến anh nghĩ có thể cô là người Lâm Đồng, mà chắc là Đà Lạt, vì cách ăn mặc thanh nhã. Anh chắc mình không bị thu hút bởi bề ngoài của cô, lý do là mình chưa từng tìm dịp để làm quen.
Anh không muốn cô nghĩ anh là người thiếu đứng đắn khi cố tình bâng quơ đến gần, buông một câu sỗ sàng, đại loại: “Hôm nay cô trông dễ thương thế!” Có thể lúc ấy cô sẽ giả vờ không nghe thấy, bỏ anh đứng lại với câu nói chới với loãng ra trong không khí và nỗi ngượng ngập không để đâu cho hết trước đám đông. Có lẽ thích hợp nhất là một ngày nào đó, mình ngồi vào giữa xe, chỗ cô ấy hay ngồi, với hai hàng ghế đối mặt nhau. Câu chuyện lúc đấy chắc sẽ tự nhiên hơn.
*
Anh nhận ra cảm giác lo lắng bồn chồn ngày một rõ dần vào hai tuần sau. Nhiều lúc, ngồi sau xe bác Hòa, anh cố quay lại, mong thấy cô đang vội vã chạy ra từ đâu đó để lên xe. Anh không thể tập trung toàn bộ đầu óc vào những công trình của mình được nữa. Đã có ngày anh hút tới hơn năm điếu thuốc. Anh cũng chẳng quan tâm chính xác là mấy điếu như trước nay anh vẫn làm. Cô đồng nghiệp trẻ phát hiện ra anh có lúc ngồi thừ trước máy tính, chả làm gì cả, giễu cợt: “Anh Nghiêm đang bị mộng du kìa!”.
Lúc lang thang giữa những kệ sách trong Phương Nam Corp, ngày chủ nhật vừa rồi, anh thấy mình liên tưởng đến cô khi nhìn bìa cuốn “Lụa” của A. Brisco. Ở đó có hình một thiếu nữ mặc kimono đỏ rộng cổ, khoe nửa bầu vú trắng ngần với khe tối giữa ngực, sâu hút. Nhưng cảm xúc với cô gái, theo anh, không phải là ham muốn xác thịt, nếu không thì nó tinh tế ngoài mức anh có thể hiểu được. Đêm qua, khi nghe ti vi dự báo thời tiết hôm nay có thể có mưa lớn, anh bần thần nghĩ rằng, thế là thêm một ngày nữa khó mong gặp cô.
*
Anh quyết định sẽ hỏi ông Hòa về cô gái. Biết đâu cô cũng là khách hàng của ông. Nhưng bước xuống xe, anh ngạc nhiên khi không thấy dáng gầy gầy của ông bên cạnh trụ cắm bảng ghi tuyến buýt. Có thể ông bận chở một khách nào chưa về kịp. Trong lúc chờ ông quay lại, Nghiêm đi tới mấy tủ thuốc lá, hỏi về cô gái đó. Chẳng ai biết cô cả, mà có mang máng nhớ có một cô gái như thế cũng chẳng thể trả lời anh là sao cô không đứng đón xe ở trạm này nữa. Anh tần ngần mua một bao thuốc, quay lại nhà chờ. Chưa thấy ông Hòa về. Hay là ông cũng biến mất như cô gái vậy? Tay xe ôm trẻ trờ tới mời, không muốn trễ giờ làm, anh lên xe, nhăn mặt khi nghe hắn ta liến thoắng nói đủ điều.
*
Nghiêm không ngờ mình có thể quát lên như vậy giữa cơ quan. Cô đồng nghiệp trẻ sợ hãi vì lần đầu tiên thấy anh mất bình tĩnh. Sáng nay, anh đến làm muộn vì phải bắt xe ở một trạm xa hơn trạm Bảy Hiền, quá khỏi công ty. Anh nhìn quanh, chẳng thấy khuôn mặt nào quen cả. Soát vé giải thích là vì đang có kế hoạch phân tuyến, phân luồng gì đấy của Sở Công chánh. Anh xuống xe, bực bội vì phải đi xa hơn thường lệ. Lại là một tay xe ôm lắm mồm. Hắn chả quan tâm gì đến thái độ của anh, khác hẳn tính cách ông lão kia. Hắn bảo ai trong giới xe ôm quanh Tân Bình hắn cũng biết, anh hỏi có biết ông Hòa không, hắn lại ngậm tăm.
Đầu óc logic và khoa học của anh không chấp nhận được việc mọi thứ quanh mình bỗng biến mất đột ngột. Trạm xe buýt không còn chỗ cũ, ông Hòa chẳng rõ đi đâu, cô ấy thì biến mất. Mà sao lại nhằm đúng vào anh? Đúng lúc này kia chứ? Anh giống như bị ném vào một thế giới khác, ở đó chỉ có mình anh, mộng mị và đầy giả tưởng. Anh bỗng nghĩ, hay là mình đang bị bệnh “mất trí nhớ tạm thời”, chứng bệnh quái ác của những người làm việc quá nhiều và căng thẳng? Không, không hợp lý.
*
Anh giật mình khi thấy dáng người đang ngồi trên xe máy trước cổng cơ quan. Không phải ông Hòa sao? Tự dưng anh thấy mình mừng rỡ một cách khó hiểu. Người kia quay lại, nhoẻn cười:
- Cậu ngạc nhiên lắm hả?
Anh gật đầu, cố không quá vồn vã:
- Dạ, bác đi đâu mất vậy?
Ông phủi phủi yên xe, đạp cần số:
- Anh ngồi lên đi. Bà vợ tôi ốm, chỉ có hai vợ chồng già nên tôi ở bệnh viện suốt.
- Có nặng lắm không bác?
Cái đầu bạc lắc nhẹ: “Bà ấy xuất viện hôm qua”. Rồi khẽ thở ra, nói thêm: “Thế đấy cậu ạ! Ông Trời - ông chỉ tay lên trên đầu - khi nào ông ấy buồn tay, nhón lấy một người trong chúng ta, thế là hết. Chẳng có thông báo gì trước đâu. Nhưng nhờ thế, tôi bỗng biết vợ tôi quan trọng với mình đến thế nào, lúc nhìn bà ấy thiếp đi trên giường bệnh. Cuộc sống có nhiều bất ngờ, nhưng kể cũng hay hay, không thì nhàm chán biết mấy, phải không cậu?”.
- “Dạ”, anh ngẫm nghĩ lời ông, thấy mình vô lý biết bao khi cố xây dựng một chu kỳ hoàn hảo đều đặn mỗi ngày, rồi chợt nhớ, “Bác ơi, cháu phải đến trạm khác. Tuyến xe cháu đi không dừng ở trạm Bảy Hiền nữa.”. Ông Hòa không ngạc nhiên:
- À, tôi có biết, nhưng sáng nay, vẫn thấy xe 94 dừng chỗ tôi ngồi mà. Có lẽ công chánh họ phân luồng xong rồi. Tôi chờ mãi không thấy nên mới đến cơ quan cậu đấy chứ. Vẫn còn nợ cậu một tuần chạy mà.
*
Sáng nay, khi ra khỏi nhà, lúc thong thả đi bộ ra bến xe, anh dặn mình sẽ không ngồi ở hàng ghế đầu như thói quen. Nhưng dù vậy, anh lại quên xuống ở trạm cũ. Nhớ ra, anh mỉm cười nhủ thầm, quán tính của thói quen thật khủng khiếp, lúc nhìn những cột điện lùi lại phía sau qua cửa sổ. Anh không để ý có một người đang nhẹ nhàng ngồi xuống mép ghế cạnh bên, mùi dầu thơm dìu dịu thoảng tới mũi.
- Xe hôm nay đông quá, anh cho tôi ngồi tạm cùng được không?
Anh ngoái lại, cô ấy! Anh xích qua trong một cảm xúc lâng lâng, điều khủng khiếp vừa mường tượng bất ngờ bay mất. Tà áo cô chạm nhẹ vào tay anh, nhột nhạt. Anh nói điều mình đang nghĩ: “Được gặp lại cô rồi” và hướng ánh nhìn ra trước, sợ người đối diện lại phải bối rối thêm một lần. Cô duyên dáng cười như thầm nhận ý nghĩa câu nói và hành động của anh, khẽ đưa tay chỉnh lại nếp áo. Không còn mang găng nữa. Anh nhận ra mình đang nhìn vào một bàn tay mảnh mai bình thường, tựa như đã có một phép màu xảy ra với nó. Cô quay sang anh, vẻ thắc mắc: “Không phải mỗi ngày anh vẫn xuống trạm vừa nãy sao?”.
Hóa ra, cô cũng quan tâm tới điều khác biệt nhỏ đó. Anh thầm ước là lát nữa mình sẽ được biết nơi cô làm việc. “Hôm nay, tôi nghĩ mình sẽ đi xa hơn.” – anh đáp lời cô với một nụ cười vui sướng.
9-5-2008