.
VĂN HÓA ĐỌC TRONG CHÚNG TA HÔM NAY:

Bài 1: Vì sao chúng ta không mê sách?

.

(ĐNĐT) - Giữa thời buổi bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là sự đa dạng của các loại hình nghe nhìn, văn hóa đọc trong mỗi người không mất đi, nhưng sự suy giảm đã là điều có thể cảm nhận được. Làm thế nào để đọc sách nhiều hơn? Vì sao chúng ta không đọc sách? Đó là những câu hỏi được đặt ra rất ray rứt tại buổi tọa đàm mới đây tại Đà Nẵng do Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức.

Không có nhiều sách đáng mê

Không gian đọc sách của mọi người hôm nay ngày càng chật hẹp.
“Người ta không mê đọc sách vì không có nhiều sách đáng mê”. Tiến sĩ Lê Viết Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Ngôn ngữ, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng đã mở đầu về thực tiễn tưởng chừng ai cũng biết: sự thoái trào văn hóa đọc hôm nay. Trong bối cảnh thị trường sách đầy nhiễu nhương hiện nay, chất lượng sách ấn hành mỗi khi một khác, đọc nhiều chưa chắc đã có lợi. Đó là chưa nói đến không gian đọc sách hiện nay của người thành phố, như Đà Nẵng, còn thiếu thốn và chật hẹp.

Vì sao chúng ta không đọc sách ? Câu hỏi được Nhà văn Lý Lan, Tiến sĩ Lê Viết Dũng lần lượt đưa ra dẫn chứng, bằng tập quán đọc sách ở người Nhật, văn hóa đọc sách của người Đức, thói quen đọc sách của người Pháp. Những con số ấn bản hàng triệu cho một tựa sách. Những yêu cầu đọc sách là chính trong các trường đại học. Những câu chuyện liên quan đến sách làm “món dẫn” chính trong những buổi gặp mặt, tiếp khách. Tất cả đã tạo nên một cuộc sống hòa chung với văn hóa đọc của “người ta”.

Còn “chúng ta”, như Tiến sĩ Lê Viết Dũng viện dẫn từ những cứ liệu báo chí, thì quá đỗi thờ ơ. Không ít những người thuộc giới trí thức xếp chủ đề đọc sách vào tận cuối hạng nhu cầu, trong mỗi câu chuyện nói ra chỉ toàn bàn về đất đai nhà cửa, lương tiền…. Đại diện Công ty Phương Nam còn kể câu chuyện “xót ruột” hơn, rằng chương trình tặng 100.000 cuốn sách cho các khu công nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh do doanh nghiệp và báo Người Lao động tổ chức năm 2007 vừa qua đã phải ngậm ngùi “chịu thua” vì quá ít công nhân chịu đọc sách.

Nhiều người không đọc sách, bởi luôn có sự so đo rằng đọc để được gì, một cuốn sách sẽ đem lại những lợi nhuận gì. Người ta đang đọc sách một cách vụ lợi, chỉ đọc những gì “hot”, sự kiện xôn xao, không hề hiểu như thế là thui chột cơ hội tự vấn nội tâm của mình.

Phương Loan, một giáo viên khoa Pháp ngữ, Đại học Đà Nẵng, một độc giả, bộc bạch cô cũng có 1 tủ sách, nhưng hơn 70% là sách phục vụ giảng dạy, nghĩa là “sách làm ăn”. 30% còn lại là sách “hot”, những cuốn mua về vì tò mò nghe nhiều người bàn luận, trên báo có viết, không phải do cô tâm đắc phát hiện ra trong kho tàng tư duy nhân loại. Thực tế đó cũng đang diễn ra với nhiều người trí thức hiện nay.

Hãy đọc, trước khi hóa khô cằn...

Vậy giải pháp nào thay đổi tình thế ấy? Tiến sĩ Lê Viết Dũng nhấn mạnh một cách rất ý tứ, rằng trước hết phải từ thay đổi nhận thức. Không phải nhận thức một vài cá nhân, mà phải là toàn xã hội. Bởi lẽ, tri thức từ sách vở bị gác lại sau các nhu cầu khác của đời sống thường ngày, là cho thấy kiến thức xã hội chúng ta đang bị thụt lùi. Cảnh báo văn hóa đọc, là cảnh báo lại hiện trạng tư duy bị khô cứng, kiến thức bị trì trệ và hơn hết, cuộc sống nội tâm và văn hóa ứng xử của chúng ta bị “bỏ đói”.

Tiến sĩ Lê Viết Dũng cho rằng, mâu thuẫn đang có, là ai cũng đổ lỗi cho môi trường xung quanh, cho cuộc sống hôm nay quá sức xô bồ vội vã, bon chen, ganh đua, nên sách trở thành thứ xa lạ, thậm chí "xa xỉ". Điều ấy rất mâu thuẫn, vì sách chính là nơi để người ta có thể tự vấn lại chính mình, độc thoại và tự hiểu. Với cuộc sống ích kỷ, chỉ tự biết lo cho những cái mình đang cần mà nhiều người theo đuổi, lẽ ra sách là điểm dừng rất cần thiết, thì hóa ra, người ta lại bỏ qua.

Nhà văn Lý Lan dẫn chứng một cách thực tiễn, rằng trước khi đến với tọa đàm, chị có cơ hội ra với biển Đà Nẵng, đứng nhìn bãi cát vắng trải dài yên tĩnh, cảnh vật thơ mộng đến bàng hoàng. Có bao nhiêu người Đà Nẵng có được cảm xúc như thế, tự tranh thủ được những cơ hội như thế để thoát khỏi vòng quay chóng mặt của cuộc sống?. Chắc chắn lúc đó, mỗi người sẽ tự nhiên ao ước, nếu có một chỗ tựa lưng và một cuốn sách…

“Hãy khai thác điều ấy, trong mỗi người, trước khi chúng ta hóa ra khô cằn”, Tiến sĩ Lê Viết Dũng nói như trải lòng. 

Để thay đổi nhận thức, mỗi người rất cần thay đổi lại môi trường xung quanh mình. Vậy môi trường đọc sách nào hấp dẫn cho mỗi người Đà Nẵng hôm nay đến với sách? Ví như ai đó thử tìm một vị trí sát bờ biển thanh tĩnh của Đà Nẵng, rồi đặt ở đó một nhà sách nhìn ra biển lớn, có ban công ngồi với sóng và nắng đại dương? Tại sao một thành phố biển, như Đà Nẵng, không thể có những nơi như thế, để người ta đến tận hưởng không gian tri thức với sách một cách thoải mái?

Hãy để sách đồng hành với thiên nhiên, với khát vọng môi trường sống của mỗi người, kéo mỗi người khỏi cái tự tư bất an hàng ngày, biết đâu người ta sẽ nghĩ lại. Biết đâu thôi. Nhưng là câu hỏi biết đâu của lòng.

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.