(ĐNĐT) - Đối diện câu hỏi về thói quen đọc sách, không chỉ có giới trẻ mà nhiều người lớn tuổi cũng thừa nhận, nhu cầu đọc sách từ lâu đã bị họ xếp sau các nhu cầu khác. Bởi vậy, để đào luyện được thói quen này ở nhiều người, thật sự không phải dễ dàng.
>>> Bài 1: Vì sao chúng ta không mê sách?
Chúng tôi còn nhớ một lần gặp nhau ở Huế, nhà văn Trần Thùy Mai khoe vừa in xong tập truyện ngắn tâm đắc. Chị bảo, viết ra đã cực, in xong cũng cực, nhưng làm sao để bạn đọc cầm đọc, lại càng cực hơn. Nhà văn vốn thu mình để mà viết, ít khi lộ diện khoe mình dù rất mong bán được sách và phát hành hết sách. Thời buổi kinh tế thị trường, cái gì cũng cần quảng bá. Nên nhiều nhà văn cũng đành phải xuất hiện trên các diễn đàn, báo chí để có bạn đọc nhiều hơn, dù nghĩ mà xót.
Lựa chọn đúng sách cần đọc là điều cần làm khi muốn rèn luyện thói quen đọc. |
Nhưng xem ra đó chỉ là nỗ lực của nhà văn. Chứ bạn đọc, thì nhà xuất bản nào cũng đang kêu khó kiếm được quá. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, với cuốn sách mới đây về cố nhạc sĩ Trịnh, được Phương Nam ấn hành, ai đọc cũng khen hay. Song nhà sách bày bán giảm giá đến 60% mà sách vẫn cứ nằm trên kệ sách. Tiến sĩ Lê Viết Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Ngôn ngữ, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng thì cho rằng cái đó cần coi lại độc giả chứ không thể kể lỗi nhà văn.
Mà độc giả có lỗi gì? Cầm cuốn sách trong tay, mang theo sách đi làm, dường như từ lâu đã là sự “xa xỉ” với nhiều người có học thức. Không ít cán bộ viên chức cho biết đã nhiều năm qua họ chỉ quen đặt các loại giấy tờ làm việc, lịch họp, lịch công tác trong cặp; may mắn là thêm một cuốn tạp chí hay tờ báo nào đó để giải trí. Theo một học giả nổi tiếng, ông đã điều tra và hiểu ra, đọc sách được xếp hạng thứ 14 trong các nhu cầu sinh hoạt của giới công chức, lãnh đạo.
Đấy chỉ là nói về thói quen đọc sách. Khảo sát của Tiến sĩ Lê Viết Dũng cho thấy, mức độ phản ảnh về chọn sách ở nhiều người càng đáng phàn nàn. Đa phần người ta đọc sách một cách tùy tiện, đọc khi cần cho qua thời gian hay vỗ về giấc ngủ. Vì thế, nhiều người thấy sách là cầm đọc, nhưng hỏi có ấn tượng gì với cuốn sách đã đọc, câu trả lời là sự ngập ngừng. Một giáo viên ở Đại học Đà Nẵng nhận xét: “Tôi thấy nhiều người chỉ quen đọc vài tờ báo đặt ở cơ quan, mục tin nóng gì đó, chứ tuyệt nhiên không biết đến các loại báo khác, nói gì đến sách văn học”.
Người lớn đã vậy, giới trẻ lại càng xa lạ với sách. Nhiều học sinh, sinh viên hiện tại nếu có đến các thư viện, cũng chỉ đơn thuần để ngồi máy tính gõ chat, nhận email. Việc họ kỳ công tìm tựa sách nào đó ở thư viện là quá hiếm hoi. Vị giáo viên nói trên kể, ngay thư viện trường Đại học Ngoại ngữ, trước đây có đặt tờ Văn nghệ trẻ, có nhiều vấn đề văn học giúp sinh viên có thêm kiến thức ngôn ngữ. Mới đây, cô thủ thư xin bỏ. Hỏi ra mới biết, giảng viên, sinh viên đều không đọc báo đó. Thôi thì thư viện xin chuyển qua tờ khác: Người đẹp, một tạp chí thời trang.
Với bối cảnh như thế, một nhà văn tâm sự, rõ ràng cần phải có sự đào luyện lại thói quen đọc sách của mọi người, mà bắt đầu là suy nghĩ nên đọc sách gì. Theo nhà văn này, để người ta thật sự đọc và say mê với các trang sách, phải là sự chung tay của cộng đồng, từ các nhà xuất bản, các nhà văn, soạn giả và nhất là giới truyền thông đại chúng. Phải làm sao có những chiến dịch quảng bá rầm rộ nhưng nghiêm túc về các cuốn sách hay, các ấn bản giá trị không chỉ ở lĩnh vực văn học hay khoa học.
Anh Nguyễn Quý Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Thường, một “mọt sách” đã mấy năm nay lăn lộn với thị trường phát hành, mở được vài nhà sách Cảo Thơm xuyên Việt, bây giờ đã phải than mệt mỏi. Gặp nhau mới đây, anh bảo thôi đang lo thu gom lại quy mô nhà sách, bởi đầu tư lớn chỉ được lỗ vốn. Người đọc không đến nhà sách, không phải vì ít nhà sách mà vì họ không mặn mà về văn hóa đọc. Người đọc không đọc, các nhà sách có mở, có làm thêm café sách, triển lãm sách… cũng không được gì.
Cái vòng luẩn quẩn này chỉ có thể mong thay đổi, khi có sự bứt phá từ tư duy toàn xã hội, sự đánh giá đúng mức hơn về vai trò tri thức từ sách và từ văn hóa đọc. Muốn thế, các cấp ngành quản lý văn hóa không thể đứng ngoài, không thể chỉ gióng trống lên rồi buông đó.
Thụy Bất Nhi
1) Bồi đắp sự thông minh.
2) Tạo ra sự tưởng tượng phong phú.
3) Tăng sự hiểu biết.
4) Có thể đi du lịch qua đọc sách.
5) Cho phép độc giả tự đánh lừa giữa khoảng cách của sự sống và cái chết giúp độc giả chấp nhận sự hiện hữu - những ước muốn không thể thực hiện được.
6) Mang lại những điều tốt đẹp nhất, cho độc giả hiểu rằng bản thân con người không phải là một cái máy, mà là một thực thể văn hóa.
7) Đời sống đầy những nghịch lý. Đọc và viết xóa bỏ những nghịch lý ấy.
8) Đọc có khuynh hướng dẫn đến viết, là một trong những "sở thích và thú vui” đẹp nhất của con người.
9) Đọc và viết là hành động tự do, không bi ép buộc, là hành động “cho không". Điều “cho không biếu không” này trong đời sống rất khó xảy ra!
10) Từ thói quen đọc đến viết sẽ có thể mang lại cho tác giả một quyền lực khi chính mình tạo dựng cốt chuyện và nhân vật.
Lê Quỳnh Mai - Tạp chí Tia Sáng