.
VĂN HÓA ĐỌC TRONG CHÚNG TA HÔM NAY:

Bài 3: Hãy biến sách thành nỗi đam mê

.

(ĐNĐT) - Bà Phan Thị Lệ, Tổng Giám đốc Công ty Văn hóa Phương Nam, tâm sự rằng, khát vọng hiểu biết là điều luôn tồn tại trong mỗi con người. Vậy không có gì phải lạ khi mỗi người cần tự bồi dưỡng phong cách say mê, hứng thú với những điều mình chưa được biết. Sách là kho tàng, là cánh cửa mở ra tất cả những điều đó. 

        >>>
Bài 2: Đào luyện thói quen đọc sách            
        >>>
Bài 1: Vì sao chúng ta không mê sách?

“Nhân loại đã đi lên từ sách, quá khứ, tương lai nhân loại luôn đồng hành cùng sách”, khẳng định ấy của một ai đó từ lâu đã là kim chỉ nam cho rất nhiều quốc gia, dân tộc, thế hệ và con người lựa chọn sách thành nỗi đam mê.

Quảng bá, cổ vũ cho văn hóa đọc là điều nên thực hiện thường xuyên.

Đối diện với thực tế đó, mỗi con người chúng ta hôm nay, rõ ràng cần có một thái độ dứt khoát, để thay đổi lại chính mình. Tiến sĩ Lê Viết Dũng phác thảo, nếu chưa quen với sách, mỗi người chỉ cần mỗi ngày đọc một trang. Vạn dặm xa khởi đầu từ một bước dưới chân. Một thói quen khởi đầu từ một hành vi như vậy. Quan trọng là đừng bỏ quên sách, mà phải luôn có trong tầm tay với một cuốn sách hay một phương tiện có thể hỗ trợ đọc sách. Một khi ý thức đọc, thói quen đọc đã biến thành bản năng, thành phản xạ có điều kiện ở mỗi người, người ta sẽ không còn thấy áy náy khi bước ra đường với một tay cầm sách.

Mỗi người cũng không nên cứng nhắc với cách thức đọc sách. Nhiều người thường tự bào chữa rằng, không có thời gian để đọc và cũng không có không gian thích hợp cho việc đọc sách. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sính, giảng viên tâm lý Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thổ lộ, đừng “máy móc hóa” hành vi đọc sách. Hãy nhìn người nước ngoài. Họ đọc sách bất kỳ nơi đâu và bất kỳ lúc nào, miễn là có thể thu xếp được. Đi xe buýt, ngồi taxi, ở nhà ga, trong phòng đợi làm thủ tục giấy tờ… Kể cả đi khám bệnh, đợi gọi món ăn, và ngay trong phòng vệ sinh. Họ có thể nghiền ngẫm với sách suốt 1 buổi, song cũng chỉ cần có 5 phút. Họ có thể ngồi trịnh trọng ở bàn đọc, trong thư viện, nhưng cũng có thể nhoài người trên ban công mà đọc, ngồi tựa cầu thang để đọc.

Không tiện cầm sách trong tay, thì họ dùng điện thoại di động, thiết bị cầm tay, tất cả những gì có thể lưu lại dạng text và ebook. Ngay cả những chiếc máy nghe nhạc đời mới, miễn là có tính năng đọc văn bản, họ cũng biến hóa được thành trang sách. Chúng ta không rập khuôn người nước ngoài, song những biểu hiện say sưa, hứng thú với khát vọng hiểu biết của người nước ngoài như thế, thì không thể không học tập họ.

Đặc biệt là giới trẻ, theo ý kiến của các nhà chuyên môn, thái độ và định hướng văn hóa đọc nên là điều căn bản nhất mà gia đình, nhà trường và xã hội nên luyện rèn. Lâu nay, môi trường sư phạm đã quen có tâm lý “dạy và học”. Nhiều nhà sư phạm đề nghị cần thay đổi góc nhìn đó. Hãy để bọn trẻ đọc, chứ không chỉ là học và không nên chỉ xem là học. Có đọc, trẻ mới có thể đủ tự tin để đối thoại. Tri thức và tâm hồn văn hóa con người không nằm ở các cuốn sách mẫu, các cẩm nang luyện thi, các bài tập có sẵn. Điều tai hại là rất nhiều học sinh tiểu học, trung học hiện nay đang học văn chương từ các bài mẫu, các đề mẫu; và nắm bắt kiến thức giáo dục từ việc “chép chay” lời thầy cô.

Chỉ có một cách thay đổi mối nguy ấy, là đưa học sinh đến với sách đọc, dạy cho học sinh phương pháp tự tư duy và dẫn nhập bằng khối lượng tri thức đồ sộ, phương pháp luận trong sách vở. Dĩ nhiên, để có được môi trường ấy, ngành xuất bản và giới quản lý văn hóa cần xiết chặt hơn cánh cửa kiểm duyệt để loại bỏ những kiểu sách vở xào nấu, sai văn phạm...

Một khi tư thế cầu thị hiểu biết của mỗi chúng ta được chứng minh biểu lộ bằng niềm đam mê với sách, chắc chắn gốc rễ văn hóa của chúng ta sẽ càng thêm bồi bổ và sức mạnh tinh thần trong mỗi chúng ta sẽ nhân lên gấp bội lần. Tiến sĩ Lê Viết Dũng nhắc lại lời của Nhà văn Thackeray: "Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận. Mọi chuyện đều có thể thay đổi, vấn đề là: ngày mai luôn bắt đầu từ ngày hôm nay".

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.