.

Văn hóa xứ Quảng - một lần dạo chơi

.

Cầm trên tay tập Sông cạn đá mòn (*) của tác giả Hoàng Hương Việt, tôi mới vỡ ra một điều, bao nhiêu năm gắn bó với mảng văn hóa dân gian đất Quảng, tác giả đã bước đến tận những ngõ ngách sâu nhất của vùng đất địa linh này.

Những dòng ký ức như mới vừa hôm qua, được tái sinh bằng những trang văn giàu tính hiện thực, man mác buồn và lôi cuốn người đọc hướng về nguồn cội. Tập sách dày dặn với hơn 400 trang, gồm 35 bài thuộc nhiều thể loại như tản văn, hồi ký, ký sự được tác giả tinh lọc và gói gọn từ năm 1958 đến nay. Đó là cả một sự nỗ lực đến chu đáo và cũng là kết quả của cả một quá trình sưu tầm, khám phá từng nét trong giá trị của văn hóa.

Sự bền vững không có quy luật, rào chắn. Ông khẳng định như vậy khi lưu giữ lại tất cả những gì mình kinh qua, những kỷ niệm, những khoảnh khắc đời người và cả những khó khăn… Cố giáo sư Hoàng Châu Ký đã viết về tập sách Sông cạn đá mòn rằng: “Cổ lai duy hữu tình nan thuyết - Tu đãi tình lai cú tự sinh” (Từ trước đến nay chỉ có chữ tình (xúc cảm) là khó nói - Chỉ cần khi cái tình đến thì câu văn sẽ xuất hiện).

Lật giở từng trang của tập sách Sông cạn đá mòn, tôi nhận ra những tình cảm rất đặc biệt của người con xứ Quảng khi viết về chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Có thể gọi đây là cuốn cẩm nang để tra tìm về những nét văn hóa và con người xứ Quảng. Ai cũng có một quê hương để tìm về khi lòng quặn lên những niềm thương cảm. Có khi, đó là nỗi nhớ, có khi, đó là một giấc mơ chứa đựng rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu. Cũng có khi đó là hình ảnh người bạn thân một thời cùng đồng cam cộng khổ, chia nhau từng củ khoai.

Tất cả những giá trị ấy, nó mang ý nghĩa toàn vẹn. Ý nghĩa đó có mối giao thoa giữa tâm hồn con người với thiên nhiên trời đất. Trong bài Có một vùng văn hóa, tác giả Hoàng Hương Việt đã dẫn người đọc đi từng địa danh cụ thể của Quảng Nam - Đà Nẵng, với Tiên Sa, Non Nước, đèo Hải Vân, Cù lao Chàm, rồi những sản vật vùng này như thuốc lá Cẩm Lệ, loòng boong Đại Lộc, bò tái Cầu Mống… như một lời giới thiệu sơ lược mà mang ý nghĩa khái quát nhất đối với những ai muốn tìm hiểu văn hóa và con người xứ Quảng. Chúng ta cũng tìm thấy trong tập sách Sông cạn đá mòn những tên đất, tên người, những người con xứ Quảng nổi tiếng về học hành khoa bảng hay thành danh trên con đường lao động sáng tạo nghệ thuật.

Đọc văn của Hoàng Hương Việt, tôi đã được mở mang thêm nhiều điều về vùng đất có hai câu ca đi vào tâm trí của bao người “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm - Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say”. Những bài báo, những tản văn, tùy bút trong tập sách Sông cạn đá mòn đã phần nào gói lại một cách chung nhất những khái niệm về văn hóa tinh thần.

Là một người làm công tác nghiên cứu văn học dân gian xứ Quảng, Hoàng Hương Việt luôn nuôi trong mình những ý tưởng độc đáo khi khám phá văn hóa nơi đây. Đó là nền văn hóa mang dấu ấn và yếu tố văn hóa Đông Sơn qua các hiện vật, di vật như mộ chum chôn theo nồi vò, kiếm, giáo, lao, rìu, khuyên, hạt, chuỗi bằng đá… (Văn hóa, đời sống văn hóa, Tr 46); đó là khái niệm của hai từ “Văn hóa” được tác giả phân tích khá kỹ trong bài Thử trình chấp đôi điều không mới; bài Nhận diện văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng

Đọc Sông cạn đá mòn, người đọc sẽ bị lôi cuốn bởi cách viết giản dị của tác giả. Cũng đồng thời là cơ hội để tiếp cận với những cột mốc văn hóa tính theo từng thời kỳ. Trên con đường làm văn, viết báo, sưu tầm văn hóa dân gian của tác giả Hoàng Hương Việt, với những chặng đường ông đã đi qua, với những bè bạn tri âm tri kỷ. Đây cũng là cuốn nhật ký của chính tác giả với những tháng ngày đã kinh qua, những kỷ niệm, và cả những xúc cảm dành riêng cho đất và người xứ Quảng.

Đà Nẵng, tháng 8-2008

Nguyễn Thị Anh Đào

(*) Sông cạn đá mòn (tản văn, hồi ký, ký sự )của Hoàng Hương Việt, NXB Văn hóa - Thông tin năm 2008).

;
.
.
.
.
.