Để có bộ ảnh cưới ngoại cảnh “để đời”, các cô dâu, chú rể không ngại dậy từ 2 giờ sáng làm tóc, trang điểm và ra biển “bắt” ánh bình minh. Cùng hai “người mẫu” là cô dâu - chú rể, một đoàn chụp ảnh gồm nhà nhiếp ảnh, thợ trang điểm, thợ sửa dáng, thợ lo dụng cụ, thợ lo ánh sáng phải làm việc liên tục suốt nửa ngày, từ lúc trời chưa hừng đông đến gần đứng bóng, hoặc từ 2 - 3 giờ chiều, đến 7 - 8 giờ đêm, mới có được 20 - 30 tấm ảnh ưng ý.
4 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại tiệm ảnh cưới Phan Gia Khánh, 336A Phan Châu Trinh - Đà Nẵng. Cô dâu, chú rể đã chỉnh tề áo, váy. Thi thoảng, cô dâu đưa tay che cái ngáp dài, đón cái nhìn đầy thông cảm, yêu thương từ chú rể.
5 giờ 15: “Bắt” bình minh trên biển
5 giờ 15 phút, cảnh đầu tiên trong lúc đợi mặt trời lên. |
Một đốm lửa nhỏ được nhóm lên để cô dâu – chú rể chụp cảnh đầu tiên. Chú rể thì thầm bên tai cô dâu: “Cho xin tí tự tin đi”. Ánh lửa cháy nhỏ nhẹ trong làn sương mờ, giữa bao la biển trời, mang lại khí vị ấm áp và cảm nhận trinh nguyên, thanh khiết về sự tồn tại của sự sống và niềm hạnh phúc.
Vài người đi biển hiếu kỳ nhòm vào ống kính máy ảnh. Những người khác, quá quen với cảnh này, thản nhiên không nhìn ngó. Cô dâu - chú rể đỡ run, yên tâm “diễn”.
Theo sự sắp đặt của anh Khánh, 2 người khoác tay nhau, đứng hướng ra biển. Mỗi hiệu lệnh: “Tay cô dâu nâng lên!”, “Hướng mắt vô cô dâu đi chú rể ơi!”, “Cười tươi chút!”... được truyền từ anh Khánh qua người lo ánh sáng, đến thợ sửa dáng, rồi mới tới tai “người mẫu”.
Chỉ mỗi cảnh đón ánh hồng cũng phải chụp đi chụp lại không dưới 5 lần. Cô dâu thở “phào”, rụt vai sau mỗi lần chụp, vì đã phải “gồng” lên tạo dáng cho đẹp. Mỗi cảnh, chú rể chỉ dám ngúc ngoắc cái đầu, phần từ cổ xuống chân cứ “cứng đơ” để giữ cho đúng thế đứng.
“Không phải bao giờ cũng chụp ngay “pô” đầu tiên là cảnh đón bình minh. Thấy mặt trời lên thì tốt, không cũng không sao. Nếu kỳ vọng quá nhiều, lỡ không thấy mặt trời sẽ dễ khiến “người mẫu” hẫng hụt”, nhà nhiếp ảnh Phan Gia Khánh giải thích.
Anh nói thêm: “Tháng này mưa giông nhiều, nên nhiều lần phải hẹn với khách chụp buổi khác. Có khi tới nơi chụp rồi lại mưa, phải quay về”. Kinh nghiệm của nhiều đoàn chụp ảnh cưới cho thấy, trời bão không sợ bằng gió mùa đông bắc. Vì bão qua nhanh, trời sẽ sáng sau 1 - 2 ngày. Còn gió mùa, mưa và hơi lạnh lai rai suốt, xui xui thì từ 7 - 10 ngày mới đi chụp lại được.
6 giờ: Lãng mạn hồ Xanh
"Diễn" cảnh hôn cũng khó thiệt. |
Dưới bãi đất khu hồ Xanh, lác đác những cánh hồng trắng - đỏ, cánh cát tường, hoa lan... vung vãi - dấu tích của những đoàn khác đã dựng cảnh trước đó. Đoàn sắp đặt cho cô dâu - chú rể diễn những cảnh an toàn: đứng ngắm hồ, ngồi xòe dù bên hồ.
Theo anh Khánh, cặp nào sinh động, cô dâu - chú rể “ăn rơ”, anh sẽ sắp xếp chụp những cảnh động, tự nhiên hơn như tung hoa, xoay người. Đôi uyên ương sau kinh nghiệm của cảnh 1, trở nên nhuyễn hơn, diễn mềm hơn và ít phải sửa.
Chốc chốc, thợ sửa dáng lặp lại: “Cô dâu nhí nhảnh tí nữa, điệu bộ tí nữa!”, “Thẳng lưng, thẳng bụng, nhìn trán chú rể!”... Người này còn “xông” ra chỉ cho chú rể cách... ôm và hôn cô dâu sao cho thật lãng mạn! Chú rể cười: “May mà chỗ này không đông người như trên biển”, và thỉnh thoảng lại nhìn cô dâu, ái ngại: “Mệt lắm hả?”. Cô dâu phụng phịu: “Có biết chụp ảnh cực vậy đâu trời!”.
Một buổi sáng hơi kém may mắn, do nắng không đậm, mây nhiều, ánh sáng khắp nơi cứ đều đều. Nhưng như vậy lại may mắn cho cô dâu - chú rể, vì không làm họ mệt mỏi và nheo mắt.
7 giờ 15: Nào, ra biển Đông!
Nào ta cùng chạy! |
Ngay tại đoạn đường trước Khu Du lịch biển Đông, đã có rất nhiều đôi uyên ương “diễn” cảnh nắm tay và… chạy đến hàng trăm lần!
Lấy vạch sơn giữa lòng đường làm chuẩn, chú rể và cô dâu cứ thế chạy song song và cười rạng rỡ, cho đến khi người chụp hô “Dừng!”. Dù khá mệt vì cứ làm tới làm lui một cảnh hơi hao sức, nhưng nhờ “pô” “quậy” ấy, vẻ e ngại, rụt rè từ đầu của nhân vật chính được xua tan.
Lúc này cũng là thời điểm thuận lợi để chụp “ảnh chuẩn” (bức ảnh thường được đặt trước nhà hàng tiệc cưới). Cô dâu đứng trên chiếc ghế gỗ nhỏ để cao cao bằng chú rể. Anh Khánh tâm sự: “Chụp vất vả vậy, nhưng có khi gặp mẹ chồng khó tính, thấy cô dâu mặc áo hở cổ là bắt… đi chụp lại liền”.
8 giờ: Trong veo nắng biển
Tại Khu du lịch biển Đông, mọi người tranh thủ xả hơi bằng tách cà-phê đen, lon nước tăng lực, trong khi cô dâu tiếp tục hành trình với việc thay kiểu tóc, thay trang phục. “Túp lều tranh” giả nhanh chóng được dựng lên để đôi uyên ương tình tứ nhìn nhau qua song cửa.
Áo đầm trắng, rồi áo dài, áo đầm màu được cô dâu thay ra thay vào liên tục. Niềm vui sướng, hớn hở như lướt qua sự mệt nhọc. Cô dâu chỉ tay ra bụi chuối đòi chụp cho giống máy tấm ảnh mẫu từng xem. Vì cảnh này không có trong “kịch bản”, người tạo dáng liền lựa lời từ chối khéo: “Ngó vậy chứ chụp vô không đẹp!”.
Biển Đông là nơi dừng chân lâu nhất với hàng loạt vị trí chụp. “Người mẫu” chấp nhận quỳ trên nền đá lô nhô, để lấy được hậu cảnh là ao bông súng hồng đẹp rực rỡ và thánh thiện. Cảnh quỳ tưởng dễ, đến khi đứng dậy, cô dâu phải cần người đỡ vì hai gối ê ẩm.
Trần mình trong gió, nắng, cát, mọi người vẫn hăng hái cười mọi góc độ. Những anh thợ phụ việc, dù không phải nhân vật chính, nhưng cứ phải cười mẫu để cô dâu cười theo.
|
Chị Tiên vừa nhìn ra xa xa bãi cát, vừa cười: “Anh Khánh dựng cảnh tương đối nhẹ nhàng đó, chứ nhiều đoàn còn “bắt” cô dâu - chú rể nằm tới nằm lui trên cát, cực phải biết!”.
10 giờ 15: Xe đạp trong thánh đường
Cung đường biển từ Phạm Văn Đồng đến Bán đảo Sơn Trà được hầu hết các đoàn làm phim chọn, vì tập trung rất nhiều cảnh: biển, hồ, bãi cỏ và núi non.
Theo cánh chụp ảnh, họ sợ nhất là việc làm đường và xây công trình, vì cảnh đẹp tự nhiên sẽ không còn nữa. Anh Khánh nhận xét: “Lúc trước ở Đà Nẵng tìm đâu cũng ra cảnh đẹp, giờ quay đi quay lại cũng chừng đó, hầu hết lại là cảnh nhân tạo, không mang vẻ hoang sơ”.
Nếu khách hàng của tiệm là những người cùng cơ quan, không muốn “đụng hàng”, đoàn phải liên tục thay đổi cảnh: chụp các cảnh không truyền thống như đi trên đường phố, đứng ở trạm xe buýt, ngồi với gánh hàng hoa góc chợ..., hay lấy chính các biển hiệu quảng cáo ngoài hè phố làm phông nền.
Hơn nữa, trong một album không thể cứ đi đi lại lại cảnh biển và núi, nên vài cảnh chụp ở không gian khác là rất cần thiết để tạo nên sự cân đối, hài hòa. Đó cũng là lý do khiến buổi chụp hôm nay đã kéo dài hơn dự kiến một giờ đồng hồ vì vẫn còn thêm cảnh nữa.
Xe quay về nhà thờ Con Gà (đường Trần Phú). Vừa tới nơi, một chú nhóc với chiếc xe đạp dàn ngang đã đợi sẵn. Cả đoàn lại “ráp” tiếp phần kết với cảnh chú rể chở cô dâu trong sân nhà thờ.
Mọi người mãi làm cho đến 10 giờ 30 mà không mảy may nhắc tới chuyện ăn sáng, chốc chốc lại nhìn chúng tôi, ra ý dò hỏi “Đói không? Mệt không?”. Chúng tôi cười...
Hằng Vang - Thu Hoa