Trong cuộc đời ca hát của mình, không ít nghệ sĩ Quảng Nam từng có những kỷ niệm buồn vui trên đất Bình Định - nơi được xem là cái nôi của nghệ thuật tuồng, xưa gọi là hát bộ.
Buon vui doi hat tuong: Một vở diễn của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Ảnh minh họa của V.T.L.) |
Buổi diễn đêm đó, bà bình tĩnh sắm vai bà già, không tỏ ra có gì đáng lo ngại. Đến lớp có kép núi cứu bà già gặp nạn, kép này hát đối đáp với bà: “Danh tánh chi, xin hãy tỏ phân/ Rồi tớ sẽ đưa người tị nạn”.
Nghe hỏi, bà mới sực nhớ ra là chưa biết tên vai diễn của mình. Nhưng bà vẫn thản nhiên nói lối, gạt phăng câu hỏi của kép núi: “Á thôi/ Đương khi nguy khốn, chớ khá hoãn trì/ Giặc còn đương lừng lẫy binh trung”. Rồi bà chuyển điệu Nam xuân: “Danh tánh rồi sau bày tỏ (bây giờ, thì)/ Mau thoát khỏi vòng lưới thỏ, lồng ưng”.
Bà kết thúc đoạn diễn, vẫy tay ngoắc kép núi. Báo hại anh này đành vác búa chạy theo bà vào trong buồng trò, không còn cơ hội để hỏi tên tuổi bà nữa!
Một chuyện khác xảy ra vào giữa năm 1939, khi một số nghệ sĩ hát bộ nổi tiếng của Quảng Nam vào dự hát hội tại Bình Định.
Đêm diễn vở “Võ Tòng đả hổ”, nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy (1904-1978) vào vai Võ Tòng, một diễn viên Bình Định vào vai con hổ. Biết diễn viên đất võ này có “ngón”, nghệ sĩ Nguyễn Phẩm (1900-1990) dặn dò nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy phải giữ mình kẻo vị hổ... vồ thật! Ý nhắc khéo rằng, coi chừng diễn viên Bình Định dựa vào võ nghệ mà làm giảm uy tín của diễn viên Quảng Nam trên sân khấu.
Tuy thế, khi vào vở diễn, dù có võ và thận trọng giữ mình, “Võ Tòng” vẫn bị hổ cào xước cả mặt, không diễn được nữa. Xấu hổ và đau lòng, Nguyễn Nho Túy muốn về quê ngay.
Đêm sau diễn vở “Sơn hậu”. Theo dự kiến của ban chỉ đạo hát hội, kép Bình Định đóng vai Đổng Kim Lân ở đoạn “Phá tiểu giang sơn” và một kép Quảng Nam thay vai ấy ở đoạn “Đổng Kim Lân qua đèo”. Biết bạn diễn của mình đang buồn, ông Nguyễn Phẩm muốn giúp bạn lấy lại uy tín nghề nghiệp nên chân thành khuyến khích Nguyễn Nho Túy đảm nhiệm nhân vật ấy. Ông Túy cứ phân vân mãi.
Sắp vào buổi diễn, hai người đều hóa trang. Ông Phẩm cố tình làm chậm lại, nhưng giục ông Túy làm nhanh lên. Đến lúc Đổng Kim Lân (thay vai) phải ra tuồng, cả hai đều có mặt ở sau cánh gà. Lấy cớ là ông Túy đã hóa trang và phục trang xong, ông Phẩm đẩy ông này ra sân khấu.
Phần thông cảm và tin tưởng tấm lòng ưu ái của bạn, phần muốn giữ uy tín nghề cho địa phương, ông Túy tập trung tài nghệ biểu diễn. Tiếng trống chầu đôi, chầu ba nối tiếp giòn giã khen ngợi vai kép nổi tiếng của đất Quảng Nam.
Đã mất đi cái ấn tượng không đẹp về kép Võ Tòng bị thua hổ đêm trước, khán giả Bình Định nhớ mãi hình tượng “Đổng Kim Lân qua đèo” qua tài nghệ của Nguyễn Nho Túy. Và, sau lần đó, ông Túy càng thêm yêu thương, quý trọng người bạn cùng nghề luôn gắn bó với mình, cùng vượt qua những khó khăn, vướng vấp trong cuộc đời nghệ thuật.
TRƯƠNG ĐÌNH QUANG