Truyện ngắn của LÝ LAN
Ông đã lỡ tay giết người. Ông bỏ trốn vào vùng núi hoang để chôn bí mật đó và giấu nỗi sợ hãi. Người ta mà tìm được ông chắc chắn họ sẽ trả thù. Có thể họ đang ráo riết lùng tìm ông. Hiện giờ họ có thể không biết ông là kẻ sát nhân hoặc biết mà chưa lần ra dấu vết.
Ông lại không biết họ là ai, một hay nhiều người? Khi ông qua được cơn hoảng loạn ban đầu, quay lại chỗ cũ, máu tươi còn be bét nhưng cái xác đã biến mất. Một cơn hoảng loạn khác trào lên, dìm ông xuống đáy vực kinh hoàng: án mạng này không phải là bí mật của riêng ông.
Có kẻ khác biết. Có thể kẻ đó còn thấy tận mắt ông nắm chặt cán rựa bằng hai tay giơ cao quá đầu chém phập xuống. Ông không tự thấy chính mình làm động tác đó, nhưng ông ý thức mình đã làm như vậy.
Điều này ám ảnh ông mãi về sau, cho đến khi ông thấy rõ mồn một chính mình đứng dạng chân lấy tấn, dồn sức vào hai cánh tay, nắm chặt cán rựa chém phập xuống. Rồi ông thức giấc, mồ hôi đầm đìa, tim đập bùng bùng đến ù tai, nghẹt thở. Ông biết đó là hình ảnh chiêm bao.
Ông tự nhủ đó là chuyện chiêm bao. Rồi ông tin đó là chiêm bao mộng mị. Chỉ có điều, sâu thẳm trong lòng, ông biết ông đã lỡ tay. Ông đã giết người.
Suốt mùa nước nổi ông ở trên núi. Khi đứng trên vồ nhìn quanh, chân trời cuồn cuộn mây tiếp giáp mặt nước mịt mù, ông bình tâm phần nào. Trời nước này chắc người ta không thể truy nã ông sát ngặt.
Chỉ sau này, có kinh nghiệm, thông thạo xứ này hơn, ông mới biết chính mùa nước nổi là lúc người ta đi lên núi. Mùa khô, không có cách gì vượt qua những đồng bưng rừng rú chung quanh. Nhờ nước nổi người ta mới chèo được chiếc xuồng con len lách vô tới gần chân núi.
May là chỉ có những người phiêu lưu mạo hiểm, dị nhân hay kẻ bôn tẩu mới tìm tới chốn non cao rừng thẳm này. Trong mấy chục mùa nước nổi sau này, ông gặp tổng cộng bốn người đi lẻ và một đám đi chung độ một chục người. Nhưng suốt mấy con trăng đầu tiên nằm trên núi nhìn trời lắng nghe động tĩnh, ông chỉ gặp toàn côn trùng cầm thú.
Bầy kiến chào ông lên núi bằng mấy chục phát cắn khắp hai bắp chân trần. Ông đã không để ý đến lũ kiến vì quá căng thẳng, hoảng sợ và mệt mỏi. Cảm thấy ngứa ông thò tay xoa bắp chân và vô tình chà bẹp dí năm ba con kiến lửa.
Trên bước đường bôn ba, ông vẫn thường bị đĩa, vắt, muỗi, mòng cắn đốt, da ông dày và lỳ như da trâu, bị kiến cắn, dù là kiến lửa núi, ông vẫn có thể bất chấp. Nhưng khi nhìn xuống chỗ mình ngồi nghỉ, ông nhận thấy hai chân mình giẫm trên một ổ kiến. Ông đang mệt thở không ra hơi nên không muốn đứng lên đi chỗ khác, thậm chí không muốn nhúc nhích.
Lũ kiến bò theo ngón chân lên bắp chân, lên đầu gối, có con lẹ làng bò tới háng ông rồi mới cắn cho một cái. Ông luồn tay vô ống quần giết nó. Ông cũng dùng bàn chân này chà lên bắp chân kia để giết những con kiến khác.
Bầy kiến trên mặt đất nhốn nháo. Ông tiếp tục chà dí, rồi dùng cả hai tay xoa xát, giết thêm một mớ kiến nữa. Sự xoa xát này khiến ông đã ngứa, dễ chịu một chút, và trong giây lát tưởng thoát được nỗi ám ảnh sợ hãi.
Đột nhiên ông nhớ ra. Ông đã lỡ tay giết người. Bàn tay đang chà xát bắp chân chợt khựng lại, tê cứng. Hai bắp chân cũng tê cứng. Bầy kiến lửa lăng xăng tự vệ, nhiều con cảm tử dồn sức vào đôi càng ngoạm thật sâu, rồi không thể rút càng ra vì bắp chân ông chợt săn cứng như đá. Ông vẫn ngồi trên ổ kiến lửa, bất động.
Nhiều khi sấm chớp rất gần, lưỡi sét đánh ngay đỉnh núi. Nhất là ban đêm, trời đất nước non đều nhòa trong bóng tối. Tiếng sấm đùng đùng nổi lên từng chuỗi trong tiếng mưa trút rào rào, lẫn tiếng đất lở, cây ngã, đá lăn ầm ầm.
Đêm đầu trên đỉnh núi không mưa, ông chỉ nằm dài trên một tảng đá nhìn màn trời lấm tấm sao ở những mảng không bị mây che. Mấy ngày sau ông ngẫu nhiên lạc vô một cái hang, rồi từ đó coi nó như chỗ tạm trú. Khi trời mưa, cái hang dột, nước từ vòm hang nhểu long tong rồi thành dòng róc rách, chẳng mấy chốc hình thành một con suối lai láng.
Dù sao vẫn bình an hơn cảnh gió táp mưa trôi bên ngoài. Nhưng một đêm, mưa dữ quá, một thân cổ thụ ngã, chẹn ngay cửa hang. Tối như bưng nên ông không thể nhận định được tình hình, chỉ bó gối ngồi trong hang mà ngủ. Tạnh mưa, trời sáng, ông thức dậy, không cách gì đẩy được thân cây nhích ra để thoát khỏi miệng hang, ông mới kinh hoàng: chẳng lẽ ông bị kẹt trong hang này vĩnh viễn?
Đó là lúc ý tưởng cầu cứu lóe lên, lần đầu tiên, kể từ khi ông hốt hoảng bỏ chạy xa xóm làng, trốn biệt thế giới con người, lẩn lút trong cây rừng đá núi, gặp trăn cọp mà yên tâm hơn gặp người. Thân cổ thụ bít chịt miệng hang, trong hang không có thế đứng thuận lợi nào để đẩy thân cây ra.
Nếu có thì một mình ông, với sức lực đã mỏi mòn vì nhiều ngày ròng rã ăn rau trái củ dại, ông cũng không dịch chuyển được thân cây quá lớn. Ông ngồi trong hang ẩm ướt ngóc nhìn mãi khe hở bằng nắm tay ở miệng hang không bị thân cây lấp hết. Ánh sáng rọi vào thành luồng xiên xiên lúc ban mai, thẳng đứng dần rồi biến mất. Mặt trời đã qua bên kia núi. Mặt trời sẽ lặn.
Ngày sẽ đêm. Ngày mai mặt trời lại lên. Ngày mai đêm lại xuống. Nhiều ngày qua ông vẫn ngồi trên một tảng đá trên vồ nhìn mặt trời lên rồi mặt trời xuống. Ông cũng có thể ngồi trên tảng đá dưới đáy hang này trong khi mặt trời xuống, biết chắc ngày mai mặt trời lên từ hướng nào. Chỉ có điều ông phải ăn.
Cơn đói không hành ông dữ dội như những ngày đầu, đói riết thành quen. Thậm chí ông có thể cố tình quên đói. Có lần, mưa suốt ngày, ông ngồi trong hang nhìn ra màn nước trắng xóa ngoài miệng hang. Nứơc mưa chảy từ miệng hang xuống hòa với nước mưa dột từ nóc hang khiến con suối trong hang dâng tràn lai láng.
Ông đói nhưng biết là mưa như vầy khó mà lượm được cái trứng chim nào, càng khó đào được củ gì ăn được, ấy là tỷ dụ ra ngoài sườn núi lúc này mà không bị trượt té và bị lũ cuốn đi. Bụng bèn bảo dạ là không ăn một ngày không chết được.
Bụng dạ chịu êm rồi, ông ngồi ôn lại tuổi thơ, tưởng tượng mình ngất ngưởng cưỡi con trâu bầu ví con trâu cò chạy quần quần, cười ha hả, đến khi lòng an tĩnh, ngủ lúc nào không hay.
Nhân khi ánh sáng còn rọi qua khe vào ngày hôm sau, ông lục lọi khắp hang xem có thể có gì ăn được không. Cho đến khi khuất nắng, ông đã dằn bụng bằng một con rắn mối. Những con nhái kịp thoát thân để lại cho ông niềm hy vọng về nguồn thực phẩm tương lai. Cái hang này hóa ra, thực ra, không phải là nhà riêng của ông, mà là nhà của nhiều loài vật khác.
Lâu nay ông không bận tâm về chúng. Và chúng cũng không ngờ rằng có ngày thân xác chúng trở thành niềm hy vọng sống còn của kẻ tạm trú sau cùng.
Ngày hôm sau nữa, khi nắng rọi vào hang, ông dò dẫm các ngóc ngách tìm một cửa hang khác hay một lối thông đến nơi nào đó. Ông dò theo con suối, nó ắt chảy ra ngoài chứ không thì nước đã dâng ngập hang từ trận mưa đầu.
Nhưng dòng nước lặng lẽ len vào một rảnh nhỏ chỉ vừa cho con rắn mối luồn qua. Khi nắng tắt, ông thấy thèm nhìn mặt trời lặn. Ngồi trong hang âm u, ông tưởng tượng chân trời mênh mông đỏ au sắc ráng chiều phản ánh dưới mặt nước mênh mông sậm dần màu cổ trầu. Ông tưởng tượng mình bơi trong biển nước, bơi như con rắn nước, cứ rẽ nước mà băng băng lướt tới.
Tới đâu? Phía chân trời đó có xóm làng, có người ta. Có người đang để tang, nuôi hận. Có người sẽ nhận ra ông là kẻ đã giết vợ, mẹ, chị hay em gái của người ta. Giết vô cớ. Họ sẽ giết ông để trả thù. Họ không để ông có thì giờ phân trần là ông lỡ tay. Họ không tin ông. Mà cho dù ông lỡ tay, thì người chết đã chết.
Cái chết do lỡ tay hay do cố ý đều là chết. Ông đáng bị trừng phạt. Chẳng phải ông đang bị trừng phạt sao? Trời nước bao la ngoài kia đang tối dần. Nhưng hình như đêm nay có trăng, khe hở ở miệng hang sáng bàng bạc.
Ông cố tưởng tượng ba bốn đứa nhỏ chơi dung dăng dung dẻ trong khoảnh sân trước ngôi nhà lợp cỏ tranh. Tiếng hát ê a đớt ngọng lẫn tiếng cười trong trẻo hồn nhiên.
Suốt ba ngày sau ông loay hoay thử nhiều cách, cuối cùng tìm được một thế đứng tỳ lưng vào vách đá gần miệng hang, hai chân dạng gần thành chữ nhất, chõi vào một bên thân cây một bên vách đá, hai tay cầm chặt cán rìu chém vào thân cổ thụ.
Nhát rựa đầu tiên nẩy lên, chỉ làm trầy vỏ cây, vì ông không có thế để dồn sức vào cánh tay chém một nhát cho ra chém. Nhưng khi lưỡi rìu vừa chém xuống ông nghe bật lên tíếng kêu “Ối”. Không rõ hẳn là “Ối”, hay “Á” hay “Ui”.
Ông chỉ biết đó là tiếng người. Cái tiếng thảng thốt cụt ngủn đớn đau đó chắc chắn là tiếng người. Nó truyền thẳng vào tim ông. Ông nhận ra ngay mình đã lỡ tay giết người, chứ không phải cọp hay rắn như đã tưởng. Tay chân bủn rủn, ông té xuống đáy hang.
Trong mấy chục mùa nước nổi sau đó, cách cỡ năm, bảy, hay chục mùa một lần, có người đi qua núi Cấm. Tổng cộng có bốn người đi lẻ và một đám chừng chục người đi chung. Có thể nhiều hơn, nhưng không phải ai qua núi Cấm đều gặp ông. Những người gặp cũng không chắc mình gặp cùng một người.
Có người thấy thấp thoáng một gã tráng niên da đen nhẻm râu tóc đen xõa dài, áo quần rách rưới, thấp thoáng lẩn trốn trong rừng cây. Có người gặp một kẻ trung niên bới tóc quấn khố bằng lá chuối khô đứng trên vồ nhìn ra đồng nước mênh mông, lẳng lặng bỏ đi khi nghe tiếng chân người đến gần.
Có người gặp một ông già râu tóc bạc lưa thưa, ngồi trên một tảng đá nhắm mắt như thiền, thân xác chỉ gồm da bọc xương. Có người đã đến gần hỏi ông vì sao ngồi đây. Ông mở mắt, nhưng mắt đã kéo mây. Giọng ông rè rè như thể nửa thế kỷ qua ông không hề dùng đến tiếng nói. Ông nói: Tôi lỡ tay giết người.
Y.L