.

Cầu Rô-be

.

Cầu Rô-be

* Dân gian Hội An có câu “Thương nhau chớ quá e dè/ Hẹn nhau gặp lại bến Cầu Rô Be”. Ngoài ra, tôi còn nghe nói có “lầu Rô Be”, “cửa Rô Be”, xin cho biết các địa danh này ở đâu và ý nghĩa của chúng như thế nào? (Trần Hữu Quyến, Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Hội An, Quảng Nam).

Tái hiện cảnh buôn bán ngày xưa bên bờ kè sông Hội An. (Ảnh: V.T.L.)

- Đó là hai câu đầu của bài ca dao nói về nghề làm chè ở Hội An xưa. Phần nối theo là: “Thiếp nói thì chàng phải nghe/ Thức khuya, dậy sớm, làm chè 1 ngày 12 xu/ Mãn mùa chè, nệm cuốn sàn treo/ Ta về, bỏ bạn, cheo leo một mình/ Bạn ơi, bạn chớ phiền tình/ Mùa ni không gặp, xin hẹn mình mùa sau/ Lạy trời, mưa xuống cho mau/ Chè kia ra đọt, trước sau cũng gặp chàng”.

Sông Hội An có một bờ kè được xây dựng từ lâu, xưa trên bờ có một cầu tàu, gọi là cầu Rô-be (Roberts), để ghe thuyền bốc dỡ hàng hóa, chủ yếu là bốc chè cho một công ty chế biến chè của Pháp ở Hội An. Công nhân làm chè được phát một nệm cói làm ghế ngồi, một sàn tre để lựa chè trước khi đưa lên máy sấy. Hết mùa, nhà máy cho công nhân nghỉ việc, nam nữ chia tay hẹn gặp lại vào mùa sau.

“Cửa Rô-be” là một dị bản của bài ca dao nói trên, như bản chép của nhạc sĩ Trương Đình Quang, một người con của Hội An: “Thiếp gặp chàng nơi đàng xe lửa/ Chàng gặp thiếp tại cửa ông Rô-be/ Mấy lời chàng dặn thiếp nghe/ Thức khuya dậy sớm lượm chè 12 xu...”.

“Lầu Rô-be” xuất hiện trong một ca dao khác: “Trống ai to cho bằng trống chú Chầu/ Lầu ai cao bằng lầu ông Rô-be”.

Theo nhạc sĩ Trương Đình Quang, cả cầu Rô-be và lầu Rô-be nay đã mất dấu tích. Lầu Rô-be là nhà làm chè của Pháp, nằm ở ngã tư Phan Châu Trinh - Nguyễn Huệ hiện nay.

Tiền giấy đầu tiên

* Theo tôi được biết, tiền giấy đầu tiên của nước ta ra đời dưới triều nhà Trần, nhưng tại sao sử sách lại cho rằng đây là công trạng của Hồ Quý Ly? Tiền giấy này có mấy loại và hình thức ra sao? (Trần Văn Nam, Hải Châu, Đà Nẵng).

“Thông bảo hội sao” do một nhà sưu tập vẽ lại. (Ảnh tư liệu)

- Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần vào mùa xuân năm Canh Thìn (tháng 2-1400). Tiền giấy đầu tiên nước ta có tên là “Thông bảo hội sao” ra đời vào năm 1396, lúc vua Trần là Trần Thuận Tông (1388-1398) đương triều. Tuy nhiên, lịch sử vẫn ghi công cải cách này cho Hồ Quý Ly, bởi trước đó, sau khi Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất (1394), họ Hồ đã thâu tóm quyền lực rộng lớn trong triều và tổ chức một loạt các cuộc cải cách táo bạo, trong đó có việc đổi tiền đồng ra tiền giấy; cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy.

Về thể thức tiền giấy, Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Giấy 10 đồng vẽ rồng; 30 đồng vẽ sóng; 1 tiền vẽ mây; 2 tiền vẽ rùa; 3 tiền vẽ lân; 5 tiền vẽ phượng; 1 quan vẽ rồng”. Theo các tài liệu lịch sử, bên ngoài tiền vẽ cái khung vuông có hoa văn, số tiền viết ngang, bên tả viết số hiệu, bên hữu viết chữ “khoa” (tức là bộ, như chữ Pháp: série). Bên ngoài nữa có hàng chữ viết theo lối triện: “Làm giả bị tội chém, ai tố cáo hay bắt được thì được thưởng”.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.