.

“Điểm hẹn văn nghệ”, bao giờ?

Người có thu nhập thấp không đủ điều kiện về tài chính để bước vào nhà hát thưởng thức các chương trình nghệ thuật với chiếc vé hàng trăm ngàn đồng. Ngoài ti-vi, bà con chỉ có thể tiếp cận sân khấu thông qua các chương trình nghệ thuật quần chúng. Tuy nhiên, hiện nay, các sân khấu kiểu này chỉ được tổ chức vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm của các Hội, đoàn thể. Qua đó, quần chúng được hưởng thụ theo.

Một sân khấu định kỳ, nói cách khác là một “Điểm hẹn văn nghệ” cho quần chúng, trong đó chủ yếu là người nghèo để hằng tuần hoặc hằng tháng, sau những giờ lao động vất vả, bà con có thể đi xem, đi nghe ca nhạc, cải lương… vẫn là ước mong của họ.

Xã hội hóa… cầm chừng

Mỗi năm, Trung tâm Văn hóa-thể thao các quận, huyện tổ chức hàng chục chương trình nghệ thuật quần chúng kỷ niệm các ngày lễ lớn. Nhưng, những ngày… không lễ thì im lìm. Một số nơi, người dân tự thực hiện các chương trình văn nghệ phục vụ bà con theo hình thức xã hội hóa hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng với khát vọng tạo dựng một sân khấu gần gũi với nhu cầu thưởng thức của bà con nghèo và nhất là có thể hoạt động định kỳ, nhưng kết quả các “đoàn” lại “sống” bữa được, bữa không.

Câu lạc bộ Sơn Ca, quận Hải Châu ra đời trong năm 2008. Đây là câu lạc bộ của chính những người yêu thích cải lương, từng là nghệ sĩ cải lương lập nên để phục vụ bà con. Nhưng đến nay, câu lạc bộ mới diễn được hai đêm vì lý do không có địa điểm tổ chức, trang thiết bị thiếu thốn. Tại nhà thờ làng Phú Lộc, một năm hoặc vài ba năm, Ban Quản lý nhà thờ mời nghệ sĩ tuồng về biểu diễn. “Kinh phí tổ chức mỗi đêm diễn như vậy hết 4,5 triệu đồng, do làng tự lo nên năm nào thấy quỹ kha khá mới làm. Thỉnh thoảng, bà con ghé tôi hỏi: Răng rồi ông? Năm ni hát chớ?”, ông Trần Cự, đại diện Ban Quản lý nhà thờ làng Phú Lộc nói.

Chứng kiến cảnh bà con từ người già đến thanh niên, trẻ nhỏ hào hứng đi coi văn nghệ mới thấy hết giá trị tinh thần của các sân khấu nghệ thuật quần chúng, dù ti-vi không thiếu các buổi biểu diễn ca nhạc được truyền hình trực tiếp.

Ông Vương Tuấn Kiệt, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin quận Thanh Khê cho biết: “Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận sẵn sàng hỗ trợ về âm thanh, ánh sáng, sân khấu nếu có đơn vị đứng ra tổ chức chương trình”. Tuy nhiên, để có một đêm biểu diễn văn nghệ, còn cần thêm đạo diễn, phục trang, địa điểm trong lúc hiện tại sân khấu ngoài trời thường được sử dụng tại quận Thanh Khê là khoảng đất bên hông Siêu thị Đà Nẵng.

Nội thành “thiệt thòi” hơn ngoại thành

“Riêng huyện Hòa Vang được hỗ trợ xe thông tin lưu động chuyên phục vụ nghệ thuật cho bà con khắp các xã. Trong thành phố, ngoài việc “hưởng theo” các phong trào phục vụ sự kiện chính trị, bà con nghèo thành thị không còn sân khấu nào khác. Nói thiệt là hơi thiệt thòi”, bà Phạm Thị Lộc, Phó phòng Nghiệp vụ văn hóa Trung tâm Văn hóa-Thông tin thành phố Đà Nẵng cho biết.

Dù biết người nghèo ít có cơ hội tiếp cận sân khấu nghệ thuật nhưng Trung tâm Văn hóa-Thông tin thành phố vẫn chưa có hướng giải quyết vì cơ sở vật chất chưa ổn định, không thể đáp ứng những sinh hoạt thường xuyên. “Trước đây, ở địa chỉ 84 Hùng Vương, dù có xuống cấp nhưng vẫn còn chỗ để tổ chức một số hoạt động.
 
Nay trung tâm chuyển qua 68 Trần Phú, không gian bị thu hẹp đáng kể, muốn làm gì cũng phải thuê chỗ. Bên cạnh đó, càng ngày các hoạt động văn hóa-văn nghệ càng phải tốn nhiều tiền đầu tư nếu muốn thu hút người xem, có khi gấp 4 lần kinh phí tổ chức so với trước đây. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của bà con đã tăng lên thì sân khấu cũng không thể dàn dựng đại khái theo hình thức “cây nhà lá vườn” mãi được, bà Lộc nói.

Theo ông Mai Công Nghị, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Hải Châu: “Nhà văn hóa không có nên ngành không tổ chức được các hoạt động văn hóa phục vụ thường xuyên cho đối tượng thu nhập thấp. Quận Hải Châu có đủ điều kiện về con người (các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực) nhưng không có nơi để biểu diễn. Hiện tại, quận chỉ có một nhà đa năng nhưng ở mức độ nhỏ”.

 

Trung tâm Văn hóa-Thông tin thành phố đang xây dựng đề án tổ chức hoạt động văn nghệ quần chúng định kỳ. Theo đó, sẽ có hai hình thức hoạt động gồm ca nhạc, thời trang tại sân khấu ngoài trời và biểu diễn dân ca, tuồng cổ, múa dân gian được thể hiện dưới hình thức chiếu chèo trong khán phòng. Giai đoạn đầu, các sân khấu này sẽ được tổ chức 2 kỳ/tháng vào cuối tuần. Giai đoạn hai sẽ thực hiện 1 kỳ/tuần. Dự kiến, các chương trình đều phục vụ miễn phí.

 

THU HOA

;
.
.
.
.
.