Nghệ thuật Tuồng cổ là vốn văn hóa truyền thống đặc sắc và quý báu của cả dân tộc. Đà Nẵng và Quảng Nam là một trong những chiếc nôi quan trọng của nghệ thuật độc đáo này. Bao thế hệ người Việt Nam đã say mê, sống chết với Tuồng và giờ đây Tuồng đã làm sửng sốt và có sức cuốn hút đặc biệt với người nước ngoài.
(Ảnh minh họa). |
Người ta khâm phục nghệ thuật biểu diễn mang tính ước lệ cao mà sân khấu hiện đại của thế giới đang hướng tới. Lần đó xem trích đoạn Khương Linh Tá sau khi bị giặc chém đầu, hồn hóa ngọn lửa thiêng soi đường dẫn người bạn của mình là Đổng Kim Lân vượt qua đèo cao rừng thẳm để thoát vòng vây của giặc trong vở tuồng Sơn hậu, ông Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật-Việt đã hết lời ngợi ca.
Ông so sánh với cảnh con chim ưng dẫn đường trong kịch Kabuki của Nhật mà ông rất yêu thích và cho rằng cái tài tình của nghệ thuật Tuồng là chỉ trong không gian rất hẹp mà miêu tả được tất cả, không cần lời mà người xem cảm nhận được đến từng chi tiết. Và hình như vẫn chưa yên tâm, khi ra xe rồi, ông vẫn còn nhờ giáo sư Phan Huy Lê-Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nhật quay lại nói với các nghệ sĩ: “Đây là những lời khen thật lòng của tôi với tất cả sự khâm phục chứ không phải ngoại giao đâu”.
Người ta say sưa với vẻ đẹp của vũ đạo, ngạc nhiên đến thú vị với cách kẻ mặt cùng những trang phục, đạo cụ độc đáo, giàu tính sân khấu... Nhìn cảnh một đoàn khách Nhật Bản-quê hương của Nô, của Kabuki nổi tiếng-trẻ có, già có phấn chấn thay nhau đi thử đôi hia, đánh thử trống chầu, chúng ta càng thấy tự hào với vốn nghệ thuật cha ông ta đã dày công sáng tạo và chắt lọc từ bao đời.
Vậy cái vốn đồ sộ đó đã được chúng ta giữ gìn và phát huy như thế nào?
Trong mấy chục năm qua, chúng ta đã đầu tư công sức, làm được nhiều cho việc bảo tồn và gìn giữ. Bao nhiêu vở cổ, trích đoạn hay rồi vũ đạo, cách kẻ mặt, hóa trang, v.v... đã được quay phim, được in thành sách, được các nhà nghệ thuật quan tâm nghiên cứu. Quan trọng nhất là nhiều vở, nhiều trích đoạn đã sống lại trên sân khấu sau bao nhiêu năm tưởng đã mai một. Từ một đoàn nghệ thuật trưởng thành lên thành nhà hát với sân khấu riêng dành cho biểu diễn nghệ thuật Tuồng. Nhiều diễn viên trẻ tài năng đã được đào tạo bài bản. Nhiều cố gắng đưa Tuồng vào trường học, tiếp cận với giới trẻ vốn xa lạ với bộ môn nghệ thuật mang tính bác học, khó thưởng thức này...
Nhưng rõ ràng chúng ta thiếu một sự đầu tư dài hơi, đó là chưa nói từng có thời kỳ nghệ thuật này thoi thóp, cầm hơi. Đội ngũ diễn viên-nhân tố hết sức quan trọng để gìn giữ cho nghệ thuật sống chứ không phải như là một hiện vật, một sưu tập của bảo tàng-thì chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập, không thể sống đàng hoàng với nghề, không thể dành trọn tâm sức cho nghệ thuật khi mà cuộc sống thường nhật của họ, của gia đình buộc họ phải bươn chải bằng đủ nghề để kiếm sống. Có một thời những Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá trên sân khấu đã phải lên núi Sơn Trà làm tiều phu kiếm củi về bán...
Còn phát huy thì sao?
Chúng ta đã cố gắng đưa Tuồng đến với quần chúng, nhưng chủ yếu cũng chỉ là người dân ở nông thôn. Khán giả thường xuyên của tuồng ở thành phố gần như cũng chỉ là những người có tuổi vốn đã trót đam mê tuồng từ những ngày tóc còn xanh khi mà có quá ít ỏi những loại hình nghệ thuật phong phú cho họ lựa chọn như bây giờ. Họ có thời gian xem đi xem lại, tìm hiểu và phát hiện ra cái hay vốn có của Tuồng.
Chúng ta đã cố gắng triển khai chương trình đưa nghệ thuật Tuồng vào nhà trường. Đúng là học sinh lần đầu tiên được tiếp xúc, được xem, được nghe giảng giải về cái hay, cái độc đáo của Tuồng đã tỏ ra thích thú, nhưng rồi cũng chóng chán, chẳng khác mấy môn học thuộc lòng, thuộc đó để trả bài, xong lại quên ngay.
Một hướng phát huy nữa lâu nay chúng ta đã làm, cả nước đã làm là làm sao cho Tuồng gần gũi với đời sống hôm nay bằng cách bắt Tuồng đi vào đề tài hiện đại. Theo tôi, đây là một sai lầm. Muốn phát huy, phải phát huy thế mạnh, chứ sao lại buộc Tuồng phát huy cái sở đoản của mình. Hãy dùng mèo chỉ để bắt chuột thôi, còn bắt cá dưới sông hãy để cho bọn rái cá.
Hãy để đề tài hiện đại cho các bộ môn sân khấu khác, như kịch nói chẳng hạn. Chẳng lẽ Tuồng phải diễn Hoàng hôn đen nói về chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 mới phục vụ được nhiệm vụ chính trị sao? Giữa lúc xã hội của chúng ta hiện nay đang xuống cấp về đạo đức thì những vở Tuồng đề cao khí tiết, đạo nghĩa như Sơn hậu, Võ Hùng Vương lại cần biết bao nhiêu, ai dám bảo là nó không phục vụ nhiệm vụ chính trị của thời buổi bây giờ?
Một đối tượng khán giả quan trọng mà chúng ta nhắm đến là người nước ngoài. Cũng phải thôi. Cái lạ bao giờ cũng hấp dẫn. Cái chúng ta quen, với người nước ngoài lại lạ. Huống chi đối với Tuồng, ở đây có bao nhiêu cái lạ mang đầy phẩm chất nghệ thuật trong con mắt người nước ngoài. Và rõ ràng Tuồng đã phát huy được những cái độc đáo của mình. Ấy vậy mà trong nhiều năm qua chúng ta làm chẳng được bao nhiêu. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng dày công xây dựng nhiều chương trình phục vụ cho khách du lịch.
Đó là các chương trình gồm nhiều trích đoạn hay nhất, ít lời thoại nhất, dễ hiểu, dễ cảm nhận cộng với giới thiệu âm nhạc, vũ đạo, nhưng có mấy khi được đem ra “chào hàng”. Tôi nhớ có thời ngành du lịch cũng tổ chức cho du khách xem Tuồng, nhưng thay vì mời Nhà hát có tính chuyên nghiệp đến diễn thì người ta lại đi mời mấy gánh hát quần chúng chuyên diễn Tuồng pha cải lương mùi mẫn, trang phục cũ kỹ, nhàu nát, nhạc cụ thì cái ta cái tây... chỉ vì một lý do đỡ tốn tiền hơn. Thử hỏi làm gì còn tinh hoa của nghệ thuật Tuồng?
Đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. May mắn thay, trong hội nhập văn hóa chúng ta có nghệ thuật Tuồng để “nói chuyện” với thiên hạ. Đây là cơ hội để thông qua việc giới thiệu nghệ thuật Tuồng chúng ta quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới, đồng thời khai thác vốn nghệ thuật quý báu này đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Và nói đến khai thác thì cần nhớ rằng không có thứ gì khai thác mãi mà không cạn kiệt, nghèo nàn đi nếu chúng ta không ngừng bồi đắp làm cho vốn quý đó phong phú hơn, giàu hơn. Nghệ thuật Tuồng cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Đối với nghệ thuật truyền thống như nghệ thuật Tuồng, việc giữ gìn và khai thác có quan hệ hữu cơ, không mâu thuẫn mà còn hỗ trợ cho nhau. Điều quan trọng đầu tiên là có giữ gìn được cái vốn thì mới có cái để mà khai thác. Ngược lại có khai thác tốt (đông người được thưởng thức, doanh thu cao, v.v...) thì mới có thêm nguồn lực tinh thần và vật chất cho việc giữ gìn và phát triển.
Để giữ gìn, như trên đã đề cập, chúng ta đã cố gắng làm được khá nhiều việc trong hoàn cảnh rất khó khăn. Ở đây, chỉ xin nhấn mạnh đến nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của việc giữ gìn, đó chính là diễn viên.
Cần có chính sách lâu dài cho đào tạo và tạo môi trường cần thiết cho diễn viên gắn bó với nghệ thuật, sống chết với nghề. Trong đào tạo cầu thủ bóng đá người ta chia thành các lứa tuổi, nào U13, U17 đến U21, U23 để rồi từ đó bồi dưỡng lâu dài, tuyển chọn ra các tài năng cho đội tuyển quốc gia cũng như các đội chuyên nghiệp. Chẳng khập khiễng chút nào khi so sánh việc đào tạo diễn viên Tuồng với cầu thủ bóng đá. Ông cha ta đã làm từ lâu rồi.
Trước đây, nhiều gánh hát bao giờ cũng có lớp đồng ấu. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh của thành phố chúng ta chưa cần có nhiều đoàn, nhưng hết sức cần thiết phải có thêm một đoàn Tuồng trẻ. Lớp trẻ không chỉ có nhiệm vụ kế thừa lớp đàn anh. Sự thanh xuân trong nghệ thuật cũng có sức cuốn hút không kém gì sự điêu luyện của lớp nghệ sĩ đã từng trải trong nghề.
Trên bầu trời nghệ thuật của đất Quảng chúng ta trong thế kỷ qua lấp lánh bao nhiêu ngôi sao hát bội. Nhưng với thời gian tất cả đã lặn mà chưa thấy vì sao mới nào mọc lên. “Con thua cha” thì đúng là họa rồi. Bất cứ dân tộc nào cũng tự hào và bị lôi cuốn bởi những nghệ sĩ tài ba trên sân khấu. Trước đây đến rạp nhiều khi người ta chỉ cần xem ông Đội Tảo “làm xiếc” với đôi hia đẹp đến mức nào, để được cười với bao kiểu cười sân khấu “quái chiêu” của ông Sáu Lai, để xem ông vua của Chánh Phẩm đói đến mức nào đến nỗi có khán giả leo lên sân khấu kính cẩn đưa gói xôi đang ăn dở của mình mời vua...
Các nghệ sĩ tài năng làm nên thương hiệu của nghệ thuật. Đó là thứ giờ đây chúng ta chưa có. Mà thời buổi này không có thương hiệu thì làm sao hấp dẫn khách hàng. Chúng ta đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn: thiếu tài năng nên nghệ thuật thiếu hấp dẫn, người xem lèo tèo, doanh thu chẳng đáng là bao, đời sống khó khăn, tương lai mờ mịt. Thực trạng như vậy thì càng không thu hút được tài năng, mà không có tài năng thì... Đúng là “con kiến mà leo cành đa...”.
Trong xã hội phát triển mạnh mẽ hiện nay, tuyển cho được các em chịu đi vào nghệ thuật Tuồng quả là “chảy máu con mắt”. Đâu phải thiếu các tài năng, thiếu thanh thiếu sắc mà chính vì thiếu say mê, bởi bao con đường đi khác sáng sủa hơn. Nếu có say mê thì lại thiếu dũng cảm trước sự cấm đoán của gia đình, bạn bè dèm pha, người yêu hứ hé. Còn đã say mê, đủ dũng cảm thì lại thiếu chất “lãng mạn” dám đánh đổi tài năng và tương lai của mình để lấy sự đãi ngộ quá bèo... “Chuột chạy cùng sào mới vào nghệ thuật” quả không sai. Hồi còn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, có lần dự thi tuyển diễn viên Tuồng, chúng tôi đã cay đắng nhìn nhau: đào gì mà em nào em nấy cứ như củ khoai thế này. Nhưng cũng còn nhiều em đến dự tuyển, trong khi đó, nghe nói khoa Tuồng của Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội có năm chẳng có ma nào nộp hồ sơ thi tuyển.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng có một nguyên nhân quan trọng, đó là chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với những người sống chết với nghệ thuật dân tộc, trong đó có nghệ thuật Tuồng. Chưa cần so sánh với các lĩnh vực khác của xã hội, chỉ nghệ thuật với nghệ thuật thôi cũng thấy không ổn rồi. Ở thành phố hiện có hai đơn vị nghệ thuật: Nhà hát Tuồng và Đoàn ca múa, nhưng chế độ đãi ngộ của Nhà nước cho bộ môn nghệ thuật dân tộc luôn thấp hơn, trong khi cường độ tập luyện và biểu diễn lại cao hơn...
HỒ HẢI HỌC