.

Đừng để nghệ thuật Tuồng phải “mặc áo gấm đi đêm” (kỳ 2)

.

Giờ đây chúng ta đang có nhiều thuận lợi cho việc giữ gìn đồng thời với việc khai thác, phát huy vốn nghệ thuật Tuồng truyền thống phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là một đơn vị nghệ thuật trong nhiều năm qua đã chịu khó học hỏi và kế thừa được vốn Tuồng cổ khá đồ sộ với sự truyền nghề, dạy dỗ hết sức công phu của các lão nghệ sĩ bậc thầy mà nay đã không còn.

Một cảnh trong vở “Lý Công Uẩn” do diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.Ảnh: V.T.LÊ

Nhiều trích đoạn mẫu mực có nguy cơ thất truyền đã được kịp thời phục dựng bởi lớp diễn viên trẻ có nghề. Cơ sở vật chất phục vụ biểu diễn khá khang trang. Bên trong rạp hát còn có cả phòng trưng bày giới thiệu khái quát về bộ môn nghệ thuật này.         

Việc du lịch quy về một mối với văn hóa trong cùng một Sở quản lý chắc chắn sẽ gắn kết hài hòa hơn giữa giữ gìn và khai thác, giữa lợi nhuận của du lịch với trách nhiệm quảng bá bản sắc nghệ thuật độc đáo này với thế giới.

Đà Nẵng đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước và đang phấn đấu để trở thành thành phố du lịch. Và chắc chắn trong xu thế đó, nghệ thuật Tuồng càng có điều kiện thuận lợi để trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo không thể không có và Nhà hát Tuồng phải trở thành một địa chỉ tham quan có sức cuốn hút.

Từ thực tiễn của sự phát triển mấy chục năm qua cùng những yêu cầu mới, thời cơ mới của chặng đường sắp tới, thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải xác định: đối tượng phục vụ chính mà nghệ thuật Tuồng phải hướng đến là khách nước ngoài, chủ yếu là khách du lịch; “món ăn nghệ thuật” chính chúng ta mang ra đãi khách quý cũng phải là Tuồng. Xác định như vậy, chúng ta hoàn toàn không xem nhẹ việc giới thiệu Tuồng với quần chúng, nhất là lớp trẻ, làm cho Tuồng bén rễ ngày càng sâu, càng chắc, để có sức sống lâu bền.

Tuồng là viên ngọc quý, ngọc càng mài càng sáng. Nghệ thuật Tuồng phải được chăm chút để nó tiếp tục tỏa ra vẻ đẹp lung linh của mình. Bác Hồ từng nói “Tuồng quý lắm”. Đã quý thì tội gì không đem ra khoe với thiên hạ. Rõ ràng lâu nay chúng ta “khiêm tốn” quá. Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nghệ thuật Tuồng, chúng ta làm quá yếu, bằng các phương thức cũ kỹ, bằng các phương tiện lạc hậu trong khi kỹ thuật hiện đại mở ra biết bao khả năng.

Sao chúng ta không giới thiệu Tuồng một cách bài bản lên Internet? Hình như cho đến bây giờ cũng chưa có đĩa DVD nào, chưa có một ca-ta-lô nào ra hồn giới thiệu về Tuồng, về Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, về bao nghệ sĩ tài ba. Bao tuồng tích bi hùng, hấp dẫn sao chưa ai tổ chức để khai thác làm các bộ truyện tranh-thứ sách dễ xem, hấp dẫn không chỉ trẻ em. Hiểu cốt chuyện là điều kiện quan trọng để người xem có thể thưởng thức Tuồng.

Phòng giới thiệu nghệ thuật Tuồng ở Nhà hát quá khiêm tốn về diện tích, ngột ngạt về không gian, nghèo nàn về hiện vật, đơn điệu về cách trưng bày... Đã đến lúc phải nâng cấp toàn diện để khách tham quan đến đây có điều kiện được đắm mình trong không gian nghệ thuật Tuồng; để được xem bất cứ lúc nào các vai diễn để đời của các nghệ sĩ bậc thầy; được ngắm các trang phục của các loại vai, mỗi bộ là một tác phẩm của sắc màu, đường nét, của nghệ thuật thêu tay, của sự cách điệu thể hiện rõ tính cách, giai tầng, tâm lý của từng loại nhân vật; được nhìn tận mắt hàng trăm cách kẻ mặt là những tác phẩm hội họa với đủ cả các cung bậc tình cảm, v.v...

Phải xây dựng các chương trình đa dạng phục vụ cho nhiều đối tượng khách tham quan với vốn hiểu biết và thị hiếu khác nhau, dân tộc khác nhau. Có chương trình ngắn cho những khách chỉ đủ thời gian “cưỡi ngựa xem hoa”, lại có chương trình quy mô hơn cho những người muốn nghiên cứu, tìm hiểu. Có chương trình nặng về diễn xuất của diễn viên, có chương trình lại dành nhiều hơn cho vũ đạo, cho âm nhạc Tuồng, v.v... Cần có bảng điện tử chạy những câu đối thoại quan trọng của nhân vật trên sàn diễn như phụ đề cho phim ảnh vậy...

Trong tương lai, nên xây dựng Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trở thành Nhà hát nghệ thuật dân tộc, trong đó Tuồng là chủ yếu. Bên cạnh đó, còn có thể giới thiệu các làn điệu dân ca đặc sắc, các điệu múa dân gian tiêu biểu của các vùng miền trong cả nước, thậm chí một vài làn điệu chèo cổ cũng tốt chứ sao.

Thời gian của du khách ngày càng hiếm hoi, trong khoảng non một tiếng đồng hồ ngồi ở Đà Nẵng lại được biết đến tinh hoa nghệ thuật truyền thống của cả dải đất Việt Nam thì thích quá, một công đôi ba việc. Có phải ai cũng có điều kiện ra Bắc vào Nam đâu, mà dẫu có đến, chắc gì đã có đủ thời gian để thưởng thức hết các “của ngon vật lạ”. Mặt khác, mở rộng không gian nghệ thuật cho một nhà hát cũng chỉ cần chừng ấy diễn viên, chừng ấy nhạc công mà thôi. Trong khi đó, nghệ sĩ càng có nhiều việc để làm, để nâng cao nghề nghiệp, để cải thiện đời sống...

Đà Nẵng có quá ít lễ hội truyền thống. Tại sao ta không tổ chức lễ hội Tuồng vào dịp giỗ tổ. (Giỗ tổ nghề đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam làm ngạc nhiên và thích thú cho bao người nước ngoài). Cũng có thể tổ chức cùng với các lễ hội khác như Quán thế âm hay lễ hội văn hóa-du lịch hằng năm…

Khi nghe nói đến một Festival Tuồng, nhiều người băn khoăn: liệu có bột để gột nên hồ không hay lại là phiên bản của một hội diễn Tuồng khu vực?

Tôi hình dung một Festival Tuồng như thế này:Đó là nơi hội ngộ của nhiều đoàn, biểu diễn ở nhiều sân khấu cùng với tiếng trống Tuồng giục giã sẽ làm cho cả thành phố náo nức trong không khí của ngày hội thực sự. Các nhân vật tiêu biểu trong các vở Tuồng cổ với xiêm y, áo mão, kiếm cung diễu hành qua các đường phố chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều cái gọi là các-na-van bắt chước nước ngoài mà chúng ta từng tổ chức trong nhiều năm qua...

Đó là nơi khách tham quan có thể tham gia các trò chơi có thưởng như thi tìm hiểu về Tuồng, đố Tuồng; thi mang hia xem ai đi xa hơn, đẹp hơn; thi múa chùy, múa côn, thi ai mặc đẹp nhất trang phục của một số nhân vật tiêu biểu trong Tuồng; thi bắt chước vài động tác của diễn viên trong vai yêu cá, Nguyệt Cô hóa cáo chẳng hạn, thi kẻ mặt, v.v...

Đó là nơi khách tham quan có thể nhìn ngắm những bức ảnh nghệ thuật, những tác phẩm hội họa, điêu khắc giới thiệu các vai diễn, cảnh diễn, chân dung nghệ sĩ, v.v... đầy màu sắc và sống động. Không hiếm những nghệ sĩ ở Đà Nẵng cũng như ở nhiều nơi khác đã có những bộ sưu tập quý giá như thế.

Đó là nơi người xem có thể tham quan phòng trưng bày ngay trong nhà hát như một bảo tàng mi ni để hiểu về cội nguồn cũng như quá trình phát triển, những bước thăng trầm của nghệ thuật Tuồng, về sự quan tâm của Bác Hồ, của các vị lãnh đạo Việt Nam, về đánh giá của các nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới...

Ở lễ hội có thể tìm mua một món quà kỷ niệm ưng ý. Đó có thể là một tập sách, một tập ảnh, một đĩa hình, một hộp phim đèn chiếu (slide) hay mô hình một nhân vật Tuồng tiêu biểu trong hộp kính xinh xắn với nhiều kích cỡ khác nhau. Đó có thể là viên quan ngoại tự cắt đầu mình, là Tạ Ngọc Lân lăn lửa, là Khương Linh Tá qua đèo hay Thị Hến lẳng lơ, hoàng tử giả say... Đó cũng có thể là các bộ mặt nạ Tuồng với kích cỡ, số lượng, chất liệu khác nhau... Chẳng lẽ những vật lưu niệm như thế chúng ta không làm được hay sao?

Và còn bao điều thú vị nữa để làm nên một lễ hội Tuồng hấp dẫn. Tại sao không? Có thể nói:Tuồng là vốn quý, là bảo bối, hành trang văn hóa của chúng ta bước vào hội nhập.Tuồng có thể góp phần đắc lực thúc đẩy hoạt động du lịch.Chỉ cần: Chúng ta biết trân trọng và chịu tìm hiểu để nhận ra cho hết những giá trị đặc sắc, những phẩm chất nghệ thuật quý giá của Tuồng.

Chúng ta biết vừa giữ gìn vừa khai thác, phát huy nghệ thuật này phục vụ cho yêu cầu phát triển ngày càng đa dạng của đời sống xã hội. Khai thác nhưng không làm cạn kiệt mà làm cho Tuồng sống mãi và ngày càng thanh xuân. Hãy đừng để nghệ thuật Tuồng phải cam chịu cảnh “mặc áo gấm đi đêm”.          
                    
HỒ HẢI HỌC
  
                              

;
.
.
.
.
.