.

Gặp gỡ ở Trại sáng tác Đà Lạt

Trại sáng tác do Liên hiệp các Hội VH-NT thành phố Đà Nẵng tổ chức tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 1-10 đến 15-10-2008 với sự tham gia của 15 tác giả thuộc các bộ môn thơ, văn, nhiếp ảnh, âm nhạc. Dịp này, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc một vài thông tin qua cuộc trao đổi với các tác giả đại diện tham dự Trại.

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm: Hoàn thành tập thơ “Trên đồi Vọng Nguyệt”

Về bộ môn văn học, có 10 tác giả tham dự Trại sáng tác đợt này. Nhà văn Thái Bá Lợi sẽ tập trung hoàn thành bản thảo tiểu thuyết lịch sử thời Nguyễn Hoàng. Nhà thơ Ngân Vịnh sẽ đầu tư cho trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng mà anh ôm ấp từ lâu. Nhà văn Trần Trúc Tâm, Lê Huy Hạnh, Lê Anh Dũng… tiếp tục khai thác các đề tài mới về cuộc sống đương đại.

Tình hình sáng tác văn học tại thành phố Đà Nẵng hiện nay đang có nhiều hứa hẹn, nhất là lớp trẻ. Một số tác giả trẻ bước đầu có nhiều thành công trong việc đổi mới thơ như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Thị Anh Đào, Ngô Thị Thục Trang, Đỗ Thượng Thế, Nguyễn Thế Thọ… Thơ hiện đại đang từng bước chiếm ưu thế, được bạn đọc đón nhận và hưởng ứng.

Riêng phần tôi, tại trại sáng tác này là cơ hội để tôi hoàn thành tập thơ mới “Trên đồi Vọng Nguyệt”. Tập thơ này tôi tập trung viết về thành phố, về quê hương và viết về những nỗi buồn mà mình đã nếm trải.

Nhà thơ Mai Hữu Phước: Một cơ hội để đắm đuối với văn chương

Vào Hội Nhà văn Đà Nẵng mới mấy năm nay, nên cơ hội để cho một “tân binh” như tôi tham dự trại sáng tác lần này mới đến. Đến Đà Lạt lần này, một cơ hội để đắm đuối với văn chương, chiêm nghiệm, giao lưu, học hỏi, chuyện trò và tâm tình với những tay bút đàn anh thật là thú vị. Đến nay tôi có ba tập thơ và một CD thơ phổ nhạc đã xuất bản. Đĩa CD “Huế và em” thì vừa mới tung ra dịp Festival Huế tháng 6-2008, tập thơ thứ 3 “Thì thầm phố nhỏ” xuất bản năm 2006.
 
Việc tham dự trại sẽ là dịp để tôi ngồi đọc lại, gọt giũa, tìm cảm hứng qua một chuyến đi để viết thêm những bài mới bổ sung vào những trang bản thảo mà tôi đã có. Tôi hy vọng sẽ sớm có tập thơ trên tay để ký tặng bạn bè văn nghệ bốn phương và bày trên các kệ sách ở Đà Nẵng để chuyển đến những người yêu thơ mà tôi không có may mắn ký tặng.

Nhà văn Trần Trung Sáng: Từ “Đêm trắng phập phù” đến “Nữ hoàng nhạc Twist”

Tôi rất thích được nói về những dự định. Bởi ít nhất điều đó, đem lại cho mình một niềm hào hứng trong phút giây trước mắt. Vài lần, tôi đã đăng ký tham gia Trại sáng tác, nhưng thường vì trở ngại nào đó, không theo được. Hy vọng lần này sẽ tốt hơn. Mục tiêu của tôi là hoàn chỉnh tập truyện ngắn “Đêm trắng phập phù” dự kiến in ngay sau khi bế mạc Trại sáng tác. Cùng thời gian này, tôi cũng sẽ gắng hoàn chỉnh 5 chương đầu của tiểu thuyết “Nữ hoàng nhạc Twist” mà tôi đã ấp ủ trong nhiều năm qua.

Nội dung câu chuyện xoay quanh cuộc đời thật của Túy Phượng - một ca sĩ nổi tiếng tại miền Nam vào thập niên 60 - 70 với danh hiệu “Nữ hoàng nhạc Twist”. Bối cảnh chính là vùng ngoại thành Hội An - nơi cô ca sĩ theo chồng là tiểu đoàn trưởng một đơn vị công binh, qua đó với nhiều tình tiết, nhằm phản ánh cuộc chiến tranh khốc liệt dưới cái nhìn của người đô thị.

Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái: Sẽ có nhiều chất liệu để diễn đạt cảm xúc thành ý nhạc

Đã dự nhiều Trại sáng tác, nhưng đây là lần đầu tiên đến với Đà Lạt. Gặp một Đà Lạt không phải trong văn học, mà trước mắt tôi là sương, là nắng, là gió... rất thực của một vùng đất nên thơ. Tôi nghĩ mình sẽ có nhiều chất liệu để diễn đạt cảm xúc thành ý nhạc, lời thơ.

Ngoài ra, dĩ nhiên, đi xa, tôi sẽ nhớ nhiều hơn về thành phố thân thương quen thuộc của mình, và biết đâu... À, có lẽ tôi sẽ phổ nhạc một bài thơ của một tác giả mà mình đồng cảm về tình yêu... Lâu rồi, mới có dịp sống cùng thiên nhiên mà!

Phương Mai (lược ghi )

;
.
.
.
.
.