Vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện phong trào giai đoạn 2006-2008 các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, nhằm tìm ra những giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào.
Nhân dịp này, phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN ĐẠO TOÀN (N.Đ.T), Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT & DL) về một số vấn đề liên quan…
* P.V: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về phong trào TDĐKXDĐSVH trong thời gian qua?
- Ông N.Đ.T: Từ khi phát động phong trào, Ban Chỉ đạo Trung ương và các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phong trào TDĐKXDĐSVH. Qua đó, đã triển khai thực hiện rộng khắp, tạo được sự thống nhất về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.
Kết quả đó đã thể hiện rõ qua những con số, tính đến tháng 12 năm 2007, cả nước đã có 13.523.995/16.764.757 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 80,67%); hơn 70 nghìn trên tổng số hơn 90 nghìn khu dân cư được đánh giá là thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, trong những năm qua đã xuất hiện hàng trăm mô hình, điển hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
* P.V: Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố đã nêu ra những tồn tại, yếu kém như: phong trào phát triển chưa đồng đều, bề rộng chưa đi đôi với chiều sâu, chất lượng chưa tương xứng với số lượng… Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tồn tại, yếu kém trên?
- Ông N.Đ.T: Sở dĩ còn tồn tại những yếu kém trên là do các địa phương chưa khắc phục triệt để tình trạng chiếu lệ, hình thức, lạm dụng các danh hiệu văn hóa, chạy theo số lượng, thành tích trong chỉ đạo, triển khai và thực hiện phong trào; công tác chỉ đạo quản lý phong trào ở nhiều nơi chưa thật sự cụ thể, sâu sát, thường xuyên, còn nặng về hình thức, chưa quan tâm đầy đủ đến công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và khơi dậy, phát huy vai trò chủ động, tự quản của cơ sở.
Ở nhiều nơi, mục tiêu, tiêu chuẩn xây dựng đời sống văn hóa, những quy định, quy ước về nếp sống văn hóa chưa được tự giác thực hiện, chưa tạo ra được những chuyển biến rõ nét, vững chắc trong đời sống tinh thần của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở cơ sở theo tinh thần nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII): “...Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng trên địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực và quan hệ con người...”.
* P.V: Bộ VH-TT&DL và Ban Chỉ đạo Trung ương đã có những định hướng và giải pháp gì để nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH?
Để phong trào từng bước đi vào chiều sâu, cần khơi dậy ý thức tự giác trong mỗi người dân. |
- Ông N.Đ.T: Trong thời gian đến, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa.
Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về xây dựng nếp sống văn hóa, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; khơi dậy và phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của mỗi gia đình trong việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Phấn đấu giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, khu dân cư văn hóa… để tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH.
VĂN NỞ (Thực hiện)