.
Ngành điện ảnh:

Phải xua đi cái vẻ buồn hiu hắt

.

Cho đến bây giờ, hình ảnh về những chuyến đi, cuộc kháng chiến trường kỳ, những năm tháng đi B đầy gian khó hiểm nguy vẫn hiện rõ trong ký ức của NSƯT Trần Duy Hinh, người thầy của nhiều thế hệ học trò ngành điện ảnh. Nhiều lần sau giờ lên lớp, thầy trò tụ tập nhau lại, xem những thước phim mà thầy ghi được, cùng phân tích những kỹ thuật quay phim ngày đó và bây giờ.

Một cảnh quay trong phim " cánh đồng hoang ": Kịch bản thật sự nhập vào người diễn.

Những chuyến đi dài đó, nhiều người bạn của ông đã vĩnh viễn nằm lại nơi núi rừng xa thẳm. Với ông, sống được đến ngày nay là may mắn lớn, lại được thỏa sức theo đuổi niềm đam mê của mình. Quan niệm về đam mê với ông cũng rất cụ thể và rõ ràng: thích thì lao vào. Ông đã lao vào nghề, dạy học, viết sách, làm đạo diễn bằng nhiệt huyết của một người dám dấn thân.

Là một người có nhiều năm giảng dạy ở Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, làm đạo diễn phim, có thể nói NSƯT Trần Duy Hinh là người am tường lịch sử và những bước thăng trầm của nền điện ảnh nước nhà. Trong căn hộ của mình, ông tâm sự với chúng tôi về nỗi buồn khi mà điện ảnh Việt Nam vẫn ở tình trạng khủng hoảng và làm sao để thoát ra được sự khủng hoảng đó.

Sinh năm 1946 tại Ân Thi - Hưng Yên, NSƯT Trần Duy Hinh bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Nga. Cha ông là nhà nho nghèo. Được học hết lớp 10, ông đi dạy cấp II hơn một năm. Rồi niềm đam mê điện ảnh đã thôi thúc ông thi đỗ vào Trường Điện ảnh Việt Nam năm 1964, để học lớp quay phim. Tốt nghiệp năm 1967, ông được Tổng Cục Chính trị đưa ngay về làm phóng viên chiến trường. Một công việc nhiều nỗi gian truân. Ông phải đi liên miên từ chiến trường này đến chiến trường khác để có những thước phim về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Đã có những ngày quá đói, ông và những đồng đội của mình phải vớt những cọng rau muống người ta hái ngọn rồi ném ra sông để luộc ăn, hay những chuyến đi bộ dài 30 cây số, khoác hành lý hơn 30 cân trên vai mà chỉ được ăn một nắm cơm nhỏ. Ông từng bị sốt rét ác tính, phải ra Viện 354 nằm điều trị mất ba tháng trời.

Năm 1976, Trần Duy Hinh học thêm đạo diễn ở Xưởng phim Quân đội. Các điểm thi của ông luôn vượt trội và được cử đi học ở nước ngoài. Ra nước ngoài, tiếp xúc với nền điện ảnh các nước, được mở mang tầm mắt và hiểu biết, ông có nhiều điều kiện để phóng chiếu điểm nhìn cho điện ảnh trong nước và chuyên tâm đào tạo học trò.

Về điện ảnh trong nước, ông tâm sự: “Từ rất lâu rồi, khán giả truyền hình Việt Nam không tìm thấy một bộ phim “xem được”. Phần lớn phim làm ra đều yếu kém, có nhiều sạn, chẳng thu hút được người xem. Thực tế, thời lượng phát sóng trên các kênh truyền hình cũng chủ yếu là phim nước ngoài. Khán giả tìm đến chủ yếu là phim Hàn Quốc và Trung Quốc. Bởi vì họ làm quá tài tình. Từ diễn viên đến khâu sản xuất họ làm rất đạt”.

Vậy nước ta có phim hay không? Xin khẳng định là có. Chúng ta đã làm được phim hay, có phim hay và một thời lâm vào khủng hoảng và chúng ta chẳng thể nào làm được những phim như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang, Chị Tư Hậu, Con chim vành khuyên, Bao giờ cho đến tháng mười… Sở dĩ có sự lạc hậu như vậy, Tiến sĩ Trần Duy Hinh cho rằng do tâm lý dựa dẫm còn tồn tại vì thế giết chết sự sáng tạo, kém đổi mới. Người ta lao vào làm phim bình dân, dễ tính, phục vụ những bà nội trợ. Như vậy thì chỉ làm ra những bộ phim nhàn nhạt, hời hợt, kém chiều sâu.

Để một người diễn viên diễn tốt, làm cho vai diễn thành công, theo NSUT Trần Duy Hinh, người đó phải nhuần nhuyễn trong việc hóa thân, quên mình khi diễn, dù là vai chính diện hay phản diện. Cái kịch bản có trên tay nó nhập vào người diễn. Ví như khi đọc truyện Chí Phèo, mỗi người hình dung ra một kiểu. Còn khi lên phim thì chỉ có một. Đó là tính chất bền của điện ảnh. Đã đưa lên phim là không sửa được. Ngoài ra còn phải dựa vào cái tài, sự nhiệt tình với công việc.

Giờ tuổi đã cao, nhưng ông vẫn ham làm việc, học hỏi, lúc nào cũng có cuốn sổ tay trong túi áo để ghi chép những gì cần thiết cho công việc. Vừa là nhà giáo, vừa là nghệ sĩ, giờ không làm được phim nữa thì nghiên cứu, viết sách, dạy học, giúp học trò kế tiếp con đường điện ảnh, hào hứng với nghề. Thu được bao nhiêu kiến thức ngoài đời, ông đều muốn truyền lại cả cho học trò. Ông hy vọng: qua đi giai đoạn khủng hoảng, lớp học trò mới sẽ làm cho nền điện ảnh khác hơn, mới mẻ hơn. Bởi vì, chúng ta phải khẳng định khả năng điện ảnh của chúng ta, xua đi cái vẻ buồn hiu hắt hiện có.

NGUYỄN VĂN HỌC

;
.
.
.
.
.