Ấp Hương Trà, làng Tam Kỳ, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa xưa tọa lạc trên cồn đất sa bồi nằm giữa hai nhánh sông Tam Kỳ. Thời đó, muốn lên đến đường thiên lý (quốc lộ 1A hiện nay), cư dân phải vất vả lội hoặc đi đò qua nhánh sông chảy giữa ấp này và ấp Hương Sơn hạ kế bên.
Đường sưa Tam Kỳ được hình thành do việc ngăn sông ngày trước. (Ảnh: H.T.). |
Năm nọ, sau một trận lụt lớn, mất mùa, dân vùng ven sông Tam Kỳ bị đói. Nhân dịp phủ Tam Kỳ lấy gạo “Nghĩa sương” (gạo dự trữ cho công vụ) ra nấu cơm cứu đói, ông Hương Tước cũng xuất 3 lẫm lúa nhà mình, cho xay giã, nấu cơm, quy tụ dân đến ăn với điều kiện họ phải gánh đất chặn nhánh sông chảy giữa hai làng Hương Sơn hạ và Hương Trà. Mỗi người được phát một “ịn’ (hai chén đầy úp lại) cơm và đến cuối ngày còn được lãnh thêm một ô gạo (tức 1/12 ang, tương đương 2 lon gạo bây giờ). Nhờ đó, con đường (đúng ra là con đê) dần được hình thành.
Đến lúc hàn khẩu (động tác cuối cùng bịt miệng sông), nước chảy quá mạnh, bao nhiêu đất đổ xuống đều trôi cả. Bí thế, ông Hương Tước bèn cho dân vào làng Bích Ngô gần đó mua cây rang (một loại cây dùng làm chổi quét và củi chụm) gánh về làm bổi (vật cản) chặn dòng nước để có thể đổ đất xuống hàn khẩu mà không trôi.
Thấy dân Hương Trà, Hương Sơn hạ đổ xô vào mua rang với số lượng lớn, lý trưởng làng Bích Ngô lấy làm lạ bèn tìm đến tận nơi xem xét. Tận mắt thấy việc quá hữu ích, ông này đồng ý cho đốn không thu tiền tất cả rang mọc ở ba ngọn đồi của làng mình để cung cấp cho dân hai ấp nói trên. Nhờ vậy mà một quãng đường đắp được hình thành; việc đi lại từ Hương Trà lên đường quốc lộ khỏi phải qua đò. Từ đó, sông Tam Kỳ chỉ còn hướng một dòng về phía làng Phú Hưng (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam ngày nay).
Do chỉ chảy một dòng, lưu tốc mạnh, một vùng đất của làng Phú Hưng bị dòng chảy mới cắt lìa nhập về phía ấp Hương Trà. Dầu vậy, sổ trích lục các thửa ruộng thuộc vùng đất này vẫn được Nha Đạc điền thời Pháp thuộc ghi là “thuộc bộ làng cũ Phú Hưng” và hằng năm, chủ các thửa ruộng này vẫn phải vượt sông qua Phú Hưng… đóng thuế. Còn nhánh sông cũ chảy qua quãng giữa ấp Hương Sơn và Hương Trà, do đã được chặn dòng, lâu ngày cạn dần và được khai phá thành ruộng đồng làm cho diện tích canh tác được mở rộng.
Con đường được hình thành từ việc ngăn dòng này được gọi là “con đường đắp”. Để bảo vệ, dân địa phương phân công đắp đất tu bổ hằng năm và cho trồng cây sưa và cây cừa để làm cừ giữ đất. Vì thế, con đường này còn được gọi là “đường hàng cừa” hoặc “đường sưa”. Hiện nay, quãng đường sưa cổ thụ mọc ken dày rợp bóng mát này đã trở thành một thắng cảnh của thành phố Tam Kỳ.
HƯƠNG TRÀ
(Ghi theo lời kể của con cháu tộc Trần ấp Hương Trà, phường Hòa Hương, TP. Tam Kỳ).