.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Tôi luôn soi gương với chiếc áo mình tự tin nhất!...

.

Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, có thể so sánh như một “cây đước” văn học ở Cà Mau, mảnh đất tận cùng Tổ quốc, đã và đang chinh phục được cảm tình bạn đọc cả nước. Và hiện nay, đã có những tín hiệu trên văn đàn quốc tế. Năm 2007, tác phẩm Cánh đồng bất tận được chuyển sang tiếng Hàn. Tháng 9-2008, chị được vinh danh bằng giải thưởng văn học Đông Nam Á tại Thái Lan.

Chị vẫn là cây bút sắc sảo xuất hiện thường xuyên trên Báo Đà Nẵng Cuối tuần. Sau đây là cuộc trò chuyện văn chương của chị dành riêng cho báo.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
* Một nhà văn “lập ngôn” rất chú trọng đến “thương hiệu” nên vẫn lấy bút hiệu. Với chị, thì tên thật vừa là bút danh. Chị nghĩ sao về cái tên Nguyễn Ngọc Tư của mình?

- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi có cái tên không có ý nghĩa nào dù tra theo tiếng Kinh, tiếng Hoa, hay Khmer, nhưng nó có một lịch sử, má tôi kể, lúc đó nhà mình ở xa nội ngoại, những ngày đầu giải phóng không liên hệ thường xuyên, nên má đặt tên con sao cho giản dị, cho đừng trùng với “người lớn”. Trước đây tôi không thích tên mình lắm, bởi nó đơn điệu, quê mùa, cục mịch. Lớn lên không thích không ghét, thấy mình còn may hơn đứa bạn tên Dịu Hiền mà tính tình dữ dằn, ngang ngược; đứa tên Tuyết Bạch mà giang nắng đen thủi, cháy khét… Với cái tên vô nghĩa, chỉ đơn thuần để gọi ới lên, tôi sống hoàn toàn hồn nhiên, bởi má không gửi mơ ước nào vào tên tôi hết. Tôi nghĩ mình may, nếu má gọi tên là Vàng, hay Bạc, hay Mỹ Duyên, hay Thúy Đẹp có lẽ suốt một đời tôi phải lẻo đẻo tuyệt vọng chạy theo cái tên mình.

* Chung quanh những truyện ngắn của chị gần đây gây được dư luận nhiều chiều rất khác nhau. Những dư luận đó có thực sự gây khó khăn cho chị không khi chị quyết định tiếp tục con đường văn chương của mình?

- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi luôn chuẩn bị cho mình một tinh thần, khi tác phẩm đã đến với công chúng, thì được thương ghét gì cũng nằm ngoài tầm tay tôi. Mỗi người cảm thụ văn học theo một cách riêng của mình. Lăng xăng chạy đầu này để giải thích với người này, chạy đầu kia giải thích với người kia là điều không tưởng. Tôi chỉ biết lắng nghe trên đường bước tới.

* Chị thường suy nghĩ điều gì khi viết? Hay nói cách khác, ước mơ lớn nhất của một nhà văn trong chị là gì? Số phận những người dân cùng khổ, ngọn gió mới cách tân bút pháp hay giản dị… chỉ viết những gì bất chợt hiện đến?

Tác phẩm Gió lẻ, tập truyện mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư đang gây “sốt” trên thị trường sách. (Ảnh: Đông Dương)

- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi chỉ hay suy nghĩ trước và sau khi viết. Làm sao sống được với nghề. Làm sao có thể viết được những điều mình nghĩ. Làm sao giữ lại những ý tưởng thoắt đến thoắt đi mà tôi vu vơ bắt được. Còn lúc viết, chỉ giản dị, nhân vật mình, câu chuyện mình sẽ đi về đâu?

* Tập truyện ngắn Gió lẻ, tác phẩm mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư đang tiếp tục gây sốt trong đời sống văn học. Tại các nhà sách lớn trong cả nước sách của chị được dán áp-pích, treo biển quảng cáo cũng như kê sẵn một quầy riêng giới thiệu Gió lẻ). Sự thật thì rất ít, thậm chí không có nhà văn trẻ nào hiện nay được vinh danh như vậy. Chị có hạnh phúc không? Chị đã trải qua những thử thách trả giá nào để được đón nhận như thế?

- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi thấy được an ủi, bởi chính giá trị vật chất mà công việc mang lại cho tôi. Nó giữ tôi lại con đường văn chương, để tiếp tục bước đi. Điều đó không hẳn là công bằng với công sức, sự mệt mỏi mà mình đeo mang, nhưng ít nhất, tôi thấy mình không phải trả giá. Tôi đã có nhận lại từ sự cho đi. Có điều chỗ tôi đứng dễ bị trúng tên…

* Nhiều vấn đề đặt ra trong Gió lẻ tiếp tục mạch Cánh đồng bất tận. Đó là số phận của những người dân “thương hồ” “tang bồng” “không quê hương” trên mảnh đất sông nước miền Tây. Tại sao đề tài này ám ảnh chị đến vậy? Phải chăng cuộc sống cũng như văn học đang bỏ quên tiếng nói của những ngọn “gió lẻ”? Và trang viết cần thắp lửa từ nhiều ngọn “gió lẻ”?.

- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi tự hỏi, nếu con người rơi vào một hoàn cảnh sống bất thường, cực kỳ bất thường thì họ sẽ ứng xử ra sao? Đó là một cuộc sống mà tôi chưa từng biết, và cũng không đông đảo người được biết. Vì thế, trong không gian truyện còn bất ngờ với nhiều người, tôi mặc sức tưởng tượng, cũng có thể áp đặt, cũng có thể… nói dóc. Có những thân phận bình thường, câu chuyện bình thường đòi hỏi một tài năng lớn để viết. Tôi không tự tin là mình đủ năng lực hấp dẫn bạn đọc, nên phải đi… lòng vòng.

* Có quan niệm cho rằng: “Để trở thành nhà văn nổi tiếng thì hãy viết vì bạn đọc”. Nhưng nếu vì bạn đọc thì loại bỏ phong cách cũng như cá tính, những vấn đề riêng của ngòi bút nào. Nguyễn Ngọc Tư đã “pha trộn” như thế nào giữa hai quan niệm này? Hay chị luôn luôn chỉ muốn là chính mình?

- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi cũng là một bạn đọc, nên không thể viết ra một tác phẩm mà chính tôi cũng không chắc là… hiểu. Tôi không hề lúng túng trước việc mặc cái áo nào cho người khác thấy mình đẹp. Tôi luôn đứng trước gương với chiếc áo mà tôi thấy tự tin nhất, trước khi ra đường. và người đi đường sẽ có những xu hướng thẩm mỹ khác nhau, khi nhìn vào tôi. Đành thôi…

Đông Dương (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.