.

Phục dựng làng cổ Cơtu

.

Đó là Làng truyền thống Cơtu ở Trung tâm Hành chính huyện Tây Giang, vừa được xây dựng xong vào đầu tháng 9 năm nay. Hiện chưa có một cuộc khảo sát nào, nhưng theo ông Coor Tik, một trong những nghệ nhân còn giữ được nghề chạm khắc dân tộc Cơtu ở Tây Giang, làng cổ này có thể nhất nhì Quảng Nam chứ chẳng chơi.

Già Coor Tik (phải) là một trong những nghệ nhân làm Gươl hiếm hoi ở Tây Giang hiện nay.

Khi ngoài sân vang động tiếng reo hò của tuổi trẻ trong các trò dân gian thì bên hông nhà Gươl, già Coor Tik cùng với người làng của mình trổ những nhát đục cuối cùng để hoàn chỉnh các bức tượng gỗ cho kịp trưng bày trong lễ Đâm trâu diễn ra sáng hôm sau - một trong những lễ quan trọng nhân kỷ niệm 5 năm tái lập huyện Tây Giang. Từ mặt trước cho đến các bức vách bên trong Gươl, vô thiên lủng những hình khối bằng gỗ mô tả đời sống của người Cơtu, từ uống rượu cần, giã gạo, cho đến đâm trâu, múa tungtung - dadá...

Làng có một nhà Gươl ở giữa, vây quanh phía trước là 10 nhà sàn, mỗi nhà có một nét riêng tượng trưng cho 10 xã trong huyện. Theo lời ông Arât Hơn, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Làng truyền thống Cơtu huyện Tây Giang, chỉ riêng làm cái Gươl đã phải mời tới 32 nghệ nhân Cơtu khắp huyện. Chủ công là các già C’lâu Năm, Bhling Đóp, Alăng Đon… Đặc biệt, già Coor Tik là người Cơtu duy nhất ở Tây Giang có hai nghề khắc và vẽ. Cả trong và ngoài nhà Gươl có tổng cộng 236 hình chạm khắc khác nhau, không nhờ đến đội ngũ các nghệ nhân lành nghề thì khó mà hoàn thành được khối lượng công việc như thế.

 Điệu múa da dá bên hiên nhà Gươl.

Để hình thành một Gươl gần với truyền thống, huyện đã tổ chức lấy ý kiến các lão làng, lập ban chỉ đạo, làm mô hình trước để đưa ra hội đồng tuyển, xong, chọn mỗi xã 2-3 nghệ nhân lên xây dựng. Làm được Gươl là kéo thêm được một đội ngũ trẻ kế thừa theo học nghề, đủ sức giữ ngọn lửa truyền thống của cha ông. Phó Chủ tịch UBND huyện Bhling Mia thú thật: “Ở lớp tuổi của chúng tôi, nhiều người không biết Gươl là gì”.

Bên trái Gươl là một nhà dài 24 gian, mỗi gian rộng 2 sải tay, được phục dựng từ sườn và cột của nhà dài tộc A Ngôn ở thôn A Tu, xã Ch’ơm. Ngôi nhà này được dựng từ năm 1960, làm chỗ ở cho 24 hộ với 120 nhân khẩu trong tộc. Về sau, theo chủ trương tách hộ lập vườn của huyện, các hộ này tách ra, đến nay đã thành 65 hộ ở nhà riêng. Ngôi nhà xưa đã hư hoại, huyện cho phục dựng lại để bảo lưu truyền thống văn hóa. Trên vách phía trước ngôi nhà mới, nhà nhiếp ảnh Huy Đằng đã trưng bày hơn 50 bức ảnh về đời sống người Cơtu của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Nam và Đà Nẵng.

Cả huyện có gần 16 nghìn người, trong đó 95% là người Cơtu. Công tác bảo tồn, khôi phục văn hóa dân tộc Cơtu đã được chú trọng từ thời Chủ tịch UBND huyện Briu Liêc còn ở cấp phó phụ trách văn xã. Nay, nhìn cái Gươl sừng sững trên ngọn đồi cao, con người tâm huyết với bản sắc dân tộc này nở nụ cười rất tươi: “Gươl là cái hồn, là tài sản, là sức mạnh của cả cộng đồng Tây Giang đổ vào. Trị giá vật chất hơn 860 triệu đồng, chưa tính nhiều ngày công bà con giúp không tính tiền, nhưng giá trị về mặt tinh thần mới là điều đáng nói”.

5 năm đối với một huyện miền núi tái lập như Tây Giang chưa là gì cả. Trước đó, một làng Cơtu mới được khánh thành ở thôn Pơr’ning, xã Lăng - nơi tọa lạc của trung tâm hành chính huyện cũ. Trong những bước phát triển kinh tế, văn hóa của huyện, việc hình thành làng cổ Cơtu đã mở ra cơ hội mới phát triển du lịch sinh thái cho vùng đất còn nhiều khó khăn này. Rồi đây, các nghề dệt thổ cẩm, đan lát sẽ hòa nhịp cùng các hiện vật, đặc sản Cơtu trong một khúc hát mới ngợi ca đất và người nơi vùng cao Quảng Nam này.

Buổi sáng diễn ra lễ Đâm trâu ở làng, già Coor Tik hòa mình trong đoàn người múa quanh cây cột lớn dựng trước nhà Gươl, nụ cười nhăn nheo màu nắng sớm. Trong tiếng chiêng trống ình oang dậy trời, chợt nhớ đêm Tây Giang chập chùng sương, chập chùng núi cùng với câu hát như có men của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong “Bài ca Tây Giang”: “Đêm đêm ta lên nhà Gươl chung nhau múa ca tưng bừng. Bập bùng bên ngọn lửa hồng, nâng ly rượu mừng công”. Câu hát bay đi, đậu lại lòng nhau cái hẹn một ngày quay lại...

VIÊN PHÚC QUÂN

 

 

;
.
.
.
.
.