(ĐNĐT) - Thời gian gần đây, trên các giá sách, truyện kinh dị chiếm một số lượng lớn nhưng vẫn còn quá ít tác phẩm hay, có giá trị trong khi lại dư thừa những tác phẩm mang tính giật gân, câu khách. Nhiều câu chuyện được viết ra với mục đích duy nhất là lấy yếu tố ma quái, chết chóc để lôi kéo bạn đọc.
Bìa sách kinh dị Máu quỷ.
Tràn lan sách kinh dị từ Đông đến Tây
Bây giờ thị trường sách tràn ngập truyện kinh dị - đó là nhận xét của nhiều người hay lui tới các nhà sách. Hàng loạt sách thuộc thể loại “ma quái” do các nhà xuất bản từ Trung ương đến địa phương cho ra mắt.
NXB Thanh Hóa có những tựa sách gây sốc, gắn với chữ “ma” như một kiểu giới thiệu trọn vẹn nhất: Hồn ma thiên táng, Ánh lửa ma, Đào hồn ma, Cây xương rồng từ nghĩa địa, Bóng ma trên gác thượng, Ma nữ đa tình.... Tất cả khoảng 20 đầu sách được in trên loại giấy mỏng, biên tập một cách cẩu thả với đầy lỗi chính tả, bìa sách vẽ những hình ảnh ma quái, rùng rợn. Chưa hết, trang đầu một vài cuốn sách còn có “lời tựa”: “Có những tác phẩm làm người đọc đọc xong thấy con tim vui trở lại, thấy cuộc sống đẹp. Với cuốn sách bạn đang cầm trên tay, chúng tôi cũng hy vọng bạn đọc xong “cái chết” để hiểu ý nghĩa của “tồn tại”. Đọc xong “chuyện ma quỷ” để hiểu giá trị của “cuộc sống””.
Chưa biết giá trị của cuộc sống đi đến đâu, mà người đọc bắt gặp những bộ truyện tràn ngập các tình tiết rùng rợn, với những con ma, những quái vật đáng sợ với ma-cà-rồng, những đầu người bị chặt đứt, những ma lai, ma rắn…
Truyện kinh dị nước ngoài cũng phong phú không kém, trải từ Đông sang Tây, với các tác phẩm như Ma sói, Bá tước Dracula, Giếng thở than của các tác giả Dumas, Bram Stocker, Stephen King, Edgar Poe…; các tuyển tập Truyện quái dị, Tấm thảm si tình, Truyện kỳ ảo thế giới (6 tập), Truyện kinh dị chọn lọc, Ring - vòng tròn bí ẩn của Suzuki….
Và nổi bật nhất hiện nay trong dòng truyện kinh dị phải kể đến các tác phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc với 2 tác phẩm của tác giả Quỷ Cổ Nữ: Kỳ án ánh trăng và Đau thương đến chết. Hay bộ truyện kinh dị Quái đàm hiệp hội (Hội bàn chuyện quái dị số 1 Trung Quốc) gồm 5 cuốn từ khi ra mắt vào đầu năm 2008 được bạn đọc đón nhận và trang web moingay1cuonsach.com.vn còn đăng tải dài kỳ. Điều đó chứng tỏ truyện kinh dị - nếu cốt truyện hấp dẫn, mỗi câu chuyện là một cuộc đấu tranh giữa những tâm hồn trong sáng, cao thượng với sự tăm tối, hiểm ác, để chỉ ra rằng những giá trị tốt đẹp của con người mới vĩnh viễn tồn tại, sẽ được bạn đọc tìm đến. Lúc đó cuốn sách viết về chuyện kinh dị mới có vị trí trên kệ sách.
Nội dung sách: Ai quản lý?
Ngoài sách dành cho người lớn thì truyện kinh dị viết cho thiếu nhi cũng có hàng chục tựa. Cuối năm 2006, NXB Văn hóa - Thông tin lần đầu tiên giới thiệu tủ sách “kinh dị Goosebumps” gồm 21 cuốn của nhà văn R.L.Stine. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và các cơ quan chức năng đưa ra ý kiến là những cuốn sách kinh dị có thể làm vẩn đục tâm hồn các em. Cuốn sách ngừng phát hành nhưng sau đó được phát hành trở lại với lời giải thích: ngòi bút của Stine rất biết tiết chế liều lượng kinh dị: Đủ để hấp dẫn và gây tò mò nhưng không quá nặng nề để làm ảnh hưởng tâm hồn con trẻ. Là truyện kinh dị, nhưng Stine vẫn khéo léo lồng ghép những triết lý, bài học nhẹ nhàng về cuộc sống, về tình yêu khoa học cho trẻ. Điều quan trọng nhất, có thể xảy ra với nhiều độc giả nhí là khi đọc xong, có thể các em sẽ bớt sợ hãi những điều vô lý hơn...
Sau khi tủ sách “kinh dị Goosebumps” phá vỡ điều cấm về sách kinh dị cho trẻ em, hàng loạt tựa sách ra đời như bộ truyện “Mr Midnight” (Kinh hoàng lúc nửa đêm), “Những câu chuyện kỳ lạ của Darren Shan”… Hay bộ truyện tranh Death Note (NXB Thanh Hóa cho in với tên gọi Quyển sổ thiên mệnh) kể câu chuyện xoay quanh một cuốn sổ do tử thần mang đến trái đất, chứa đựng một sức mạnh khủng khiếp, bất kỳ ai bị ghi tên vào cuốn sổ đều sẽ chết... Trong khi trước đó Trung Quốc đã cấm xuất bản bộ truyện này nhưng tại Việt Nam không hề có bất cứ thông tin nào trên sách nhằm cảnh báo tính bạo lực hay giới hạn lứa tuổi bạn đọc.
Yếu tố kỳ ảo không phải là điều bất thường trong văn học và nỗi sợ cũng là phương tiện để nhà văn đem đến cho bạn đọc cảm xúc nghệ thuật. Nhưng văn học kinh dị cần được phân biệt với những câu chuyện chỉ lấy yếu tố ma quái, giết chóc để lôi kéo bạn đọc, nhất là với lứa tuổi thiếu niên còn chưa phân biệt được những điều tốt xấu trong từng cuốn sách. Những cuốn sách kinh dị hiện diện trong các nhà sách, quầy báo hay cả những địa điểm cho thuê truyện, thì vấn đề đặt ra là ai quản lý nội dung của những tác phẩm này hay đưa ra những khuyến cáo để hướng dẫn người đọc, khi nhiều câu chuyện trong đó thiếu hẳn yếu tố văn học, mà chỉ toàn những chuyện nhảm nhí, ma quái...
HOÀNG NHUNG