NXB Đà Nẵng vừa phát hành tập sách “Văn hóa Dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng (tác giả - tác phẩm)”, tập hợp 82 bài viết của 27 tác giả là hội viên Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng, trải dài hơn 600 trang khổ 14,5 x 20,5 cm.
Theo ban biên soạn, “tập sách này nhằm giới thiệu đến hội viên và bạn đọc một lát cắt quá trình hoạt động của Hội và hội viên, xem như một đóng góp khiêm tốn vào bức tranh toàn cảnh của hoạt động Văn học Nghệ thuật thành phố hiện nay”.
Một số tác giả còn cất công tiếp cận văn hóa dân gian các dân tộc, để rồi chắt lọc ở đó ít nhiều tâm đắc và giãi bày lên trang viết. Vũ Hùng kể chuyện “Dân tộc Co và kho tàng truyện cổ”, Thái Nghĩa nhấn nhá đôi nét về hai loại đàn của người Cơtu là Joo và Tămbher Alui, Võ Văn Thắng say sưa với đề tài “Giao lưu văn hóa Việt - Chăm ở Quảng Nam - Đà Nẵng”, Bùi Xuân thì mải mê “Tìm hiểu người Ve ở Quảng Nam”...
Trong tập sách, những góc nhìn văn hóa dân gian đã được các tác giả phản ánh qua lăng kính của mỗi người. Họ là những nhà nghiên cứu văn hóa-lịch sử, giảng dạy, làm báo, đạo diễn sân khấu-truyền hình... và các lĩnh vực sáng tạo văn học-nghệ thuật khác. Tuy ngành nghề khác nhau, nhưng tất cả đều đồng quy ở một niềm mê say, một sự khám phá cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ - những giá trị nhân văn đã nghìn xưa trầm tích thành những vỉa quặng văn hóa dân gian, góp phần gợi mở cho nghìn sau bao điều còn bao điều mất.
Mang đậm nét dấu ấn dân gian xứ Quảng nhất có lẽ là những câu hát hò khoan. Từ thuở tiền nhân mở cõi vùng đất trải dài từ phía Nam chân đèo Hải Vân vào đến núi Thạch Bi để lập nên Quảng Nam thừa tuyên đạo, những làn điệu dân gian này đã hóa thân vào dòng sữa mẹ để nuôi lớn những tâm hồn Quảng từ lúc còn nằm nôi. Để rồi, không ít người vì trót dành trong gan ruột một chỗ để cất giấu những câu ru xưa mà trải lòng yêu thương chúng trên những trang viết: “Hát hò khoan xứ Quảng (Phạm Hữu Đăng Đạt), “Hò khoan đất Quảng Nam” (Trương Duy Hy), “Hò khoan Quảng Nam” (Đinh Thị Hựu), “Hố khoan mời bạn hò lên” (Trương Đình Quang)...
Hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng thực sự khởi sắc từ sau Đại hội Hội năm 2002 đến nay. Ngoài công trình dài hơi “Tổng tập Văn nghệ Dân gian đất Quảng” (5 tập), việc cho ra đời “Văn hóa Dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng (tác giả - tác phẩm)” với sự tài trợ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố là một trong những nỗ lực của Hội và hội viên nhằm góp phần “bảo tồn và chấn hưng có chọn lọc truyền thống văn hóa dân tộc”.
Đây đã là cuốn sách đã cất công làm một lát cắt trầm tích dân gian, “cố gắng làm được công việc có ích là phổ cập những “thông tin” dân gian bổ ích cho tất cả những ai quan tâm đến truyền thống văn hóa dân gian”.
VĂN THÀNH LÊ