.

Văn học Ấn dưới con mắt nữ giới

.

Nói đến văn học Ấn Độ là người ta nghĩ ngay đến sử thi Ramayana và nhà thơ Tagor. Đây là một trong những nền văn học cổ nhất thế giới. Ấn Độ có khoảng 22 ngôn ngữ được công nhận chính thức, và nhiều nền văn học khác nhau đã được viết bằng nhiều thứ tiếng trong quá khứ.

Tiến sĩ Gatest Sharma tại buổi giao lưu với Hội Nhà văn Đà Nẵng.

Trong văn học Ấn Độ, các hình thức truyền khẩu và viết đều quan trọng. Truyền thống văn chương Hindu chi phối một phần lớn của văn hóa Ấn Độ. Ngoài Vedas là một dạng kiến thức linh thiêng, còn có các tác phẩm khác như sử thi Ramayana và Mahabharata các luận thuyết như Vaastu Shastra trong kiến trúc và quy hoạch đô thị, và Arthashastra trong khoa học chính trị.

Kịch Hindu mộ đạo, thơ và ca đã lan ra khắp tiểu lục địa. Trong văn học đương đại Ấn Độ, nhà thơ Bengal Rabindranath Tagore đã trở thành người đầu tiên đoạt giải Nobel của Ấn Độ. Cho đến nay, giải thưởng danh dự nhất của văn chương Ấn Độ, giải thưởng Jnanpith, đã được bảy lần trao cho các nhà văn viết bằng ngôn ngữ Kannada, cao hơn bất kỳ văn học viết bằng thứ tiếng nào khác ở Ấn Độ.

Tại cuộc gặp mặt giữa các văn nghệ sĩ trẻ TP. Đà Nẵng với các thành viên của Đoàn đại biểu của Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam thành phố Kolkata nhân chuyến thăm Đà Nẵng vừa qua, nhà văn Geesh Sharma (Chủ tịch điều hành Ủy ban làm trưởng đoàn) cho biết, Kolkata được xem là trung tâm, nơi tập trung nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng nhất Ấn Độ và khoảng 800 tạp chí về lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Hằng năm, tại thành phố này diễn ra Lễ hội sách trong 7 ngày, ước tính có khoảng 2,4 triệu người tham gia. Đây được xem là một trong những lễ hội sách lớn nhất trên thế giới. Và, điều đặc biệt nhất là, rất nhiều người phụ nữ Ấn Độ tham gia vào công việc sáng tác văn học.

Ở Kolkata có khoảng 12 nhà văn nữ nổi tiếng viết theo lối truyền thống văn học Ấn. Đó là Kusum Jain, Keru Govil… Đặc biệt là Jhumpa Lahiri, được coi là người có công đưa nền văn học Ấn Độ đến với độc giả toàn cầu. Cô là một trong những người tiên phong tạo nên bước ngoặt đối với sự phát triển của văn học trẻ. Những trang viết của cô thường tập trung khai thác trải nghiệm cuộc sống nhập cư của lớp trẻ Ấn Độ, về những người đang loay hoay giữa những phong tục nghiêm ngặt mà họ thừa hưởng và một thế giới mới đầy trở ngại mà họ phải đối đầu hằng ngày, đặc biệt là sự khác biệt giữa các nền văn hóa và cảm giác chông chênh giữa hai thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm tặng nhà thơ Ấn Kusum Jain cuốn Văn học Đà Nẵng 1997-2007.
Dù bối cảnh ở Boston hay ở Băng-gan, những câu chuyện tràn đầy tính hài hước và những yếu tố huyền ảo này không chỉ gần gũi với người xa xứ mà còn gần gũi với rất nhiều đối tượng khác. Tác phẩm của Jhumpa Lahiri gắn liền với mọi mặt thường gặp của cuộc sống và cách nhìn các chi tiết rất tinh tế, sắc bén, là một điểm nổi bật của cô. Tuyển tập truyện ngắn đầu tay Interpreter of Maladies (Người dịch bệnh) được xuất bản năm 1999. Ngay sau khi ra mắt, tập truyện đã gây được tiếng vang lớn và mang về cho cô nhiều giải thưởng văn chương quan trọng: giải thưởng Pulitzer năm 2000 cho thể loại truyện hư cấu; giải thưởng cuốn sách đầu tay hay nhất của New York và giải thưởng PEN/Hemingway.

Nhà văn Kusum Jain chia sẻ: Người phụ nữ khi làm thơ sẽ có cảm nhận khác với nam giới. Tôi cảm thấy may mắn khi mình là một nhà thơ và là một người phụ nữ. Ở Ấn Độ, phái nữ tham gia vào hoạt động văn học rất muộn do luật Manu rất khắt khe và xem thường phụ nữ. Khoảng 150 năm trở lại đây, nền văn học Ấn Độ đã xuất hiện nhiều cây bút nữ. Sau năm 1947, Ấn Độ độc lập, quyền lợi người phụ nữ tham gia vào hoạt động xã hội ngày càng tăng.

Trước câu hỏi về vấn đề sex và bạo lực trong các tác phẩm của các cây bút nữ Ấn Độ hiện nay, câu trả lời là có, nhưng nhằm mục đích đấu tranh giải phóng phụ nữ và bạo hành gia đình, xã hội chứ không phải là để giải tỏa năng lượng dư thừa và câu khách.

Khác với Việt Nam, đất nước Ấn Độ vừa hiện đại vừa có nhiều tập tục, đẳng cấp, đời sống còn phụ thuộc rất nhiều vào thế giới tâm linh. Cũng theo Tiến sĩ Gatest Sharma, khoảng 40% người Ấn không có nhà vệ sinh riêng, không có nguồn nước sạch. Đại bộ phận dân chúng mê tín và tin vào thế giới thần linh. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng thất học chiếm tỷ lệ lớn. Hiện nay, Ấn Độ có khoảng 2,4 triệu đền thờ, trong khi đó chỉ có khoảng 1,8 triệu bệnh viện, nhà trường… Chính người phụ nữ đã đưa vào văn học những thông điệp về một xã hội bình quyền và đầy những bất công, mâu thuẫn.
 
Tiểu Yến

 

;
.
.
.
.
.