.

Với âm nhạc, chúng ta phải đãi cát tìm vàng

.

Tháng 10, trên đất Tây Nguyên, Đà Nẵng Cuối tuần (ĐNCT) đã có cuộc chuyện trò với nhạc sĩ Nguyễn Cường, người đã sống bằng tất cả tình yêu và tâm hồn mình với mảnh đất này, hóa thân trong những tác phẩm được công chúng đón nhận và yêu mến.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường (ẢNH tư liệu)
* ĐNCT: Hiện nay, có những nhà quản lý, người yêu âm nhạc, người sáng tác đang tỏ ra quá băn khoăn và lo lắng vì chất lượng ca khúc Việt Nam; về việc có nhiều nhạc sĩ hướng ngoại. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?

- Nhạc sĩ Nguyễn Cường (NSNC): Lớp nhạc sĩ thời kỳ chống Mỹ như Hoàng Vân, Đỗ Nhuận, Hoàng Hiệp… thì đã quá già, lớp chúng tôi như Nguyễn Cường, Trần Tiến, An Thuyên, Dương Thụ… thì đang ở tuổi xế chiều. Còn lớp nhạc sĩ trẻ, được học hành bài bản, có nhiều điều kiện về vật chất và phương tiện hành nghề. Thời kinh tế thị trường, âm nhạc đã có nhiều những biến đổi nhất định để phù hợp với xu thế mới. Việc ra một CD, hay tổ chức lăng xê một ca khúc mới… hiện nay thực hiện quá dễ dàng. Thế hệ chúng tôi, thì không bao giờ có chuyện đó. Sáng tác nhạc trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, thế hệ chúng tôi gặp nhiều khó khăn nếu không nói là hàng vạn khó khăn, về mọi thứ.

Tôi tự đặt ra câu hỏi, vấn đề này tốt hay xấu? Mọi vấn đề đều có hai mặt và chúng ra phải thực sự am hiểu tận tường về sự việc ấy khi đưa lên bàn phán xét, cân nhắc. Mặt tốt, đó là có nhiều người được bộc lộ cảm xúc của mình, và công bố tác phẩm của mình một cách rộng rãi nhất, nhanh nhất. Các phương tiện truyền thông đại chúng đã giúp họ điều đó. Mặt hạn chế là vì thuận lợi quá nên các nhạc sĩ đã không nén được cảm xúc, không có đủ thời gian để chiêm nghiệm tác phẩm của mình. Tức là không kịp kiểm nghiệm trước khi cho tác phẩm “ra lò”. Điều này đã tạo nên một sự hoang mang trong dư luận, và cho chính những tác phẩm của họ.

Việc các nhạc sĩ hướng ngoại. Tôi mừng vì điều này, vì họ hướng ngoại nghĩa là họ biết hướng ra thế giới để hội nhập với cái mới, thẩm thấu cái mới. Trong những nhạc sĩ hướng ngoại, sẽ có người tìm cho mình một hướng đi, chắt lọc được những tinh hoa để vận dụng được vào cảm xúc của mình cộng hưởng với sự giao thoa văn hóa nhiều vùng miền - họ sẽ thành đạt. Và sẽ có những tác phẩm âm nhạc mang hơi thở thời đại, đi vào lòng công chúng, góp phần vào sự phát triển bền vững của âm nhạc Việt Nam và xu hướng phát triển chung của thế giới. Nói như thế không có nghĩa là tôi tự tin, nhưng tôi xin nhắc lại một điều tài năng bao giờ cũng hiếm. Phải có thời gian và phải gạn đục khơi trong, thì mới tìm thấy nhân tài - mà nhân tài này cần có sự hỗ trợ, cộng hưởng từ nhiều phía để phát triển vững vàng, tự tin.

* ĐNCT: Tài năng bao giờ cũng hiếm, ý nhạc sĩ muốn nhấn mạnh tới giá trị nào của một nhạc sĩ hoặc một tác phẩm âm nhạc?

- NSNC: Tôi có cảm nhận rằng, hiện nay các phương tiện truyền thông khoác cho các nhạc sĩ trẻ, các ca sĩ trẻ một cái áo “vinh quang” quá dài và lớn, nên trong sự chọn lựa nhân tài, thường bị lệ thuộc bởi khá nhiều yếu tố chung quanh. Nhưng tài năng chỉ thực sự xuất hiện đôi khi chỉ với tấm áo choàng bình dị nhất. Đôi khi tài năng ấy lặng lẽ tỏa sáng mà không cần bất cứ một phương tiện lăng xê nào. Và giá trị tác phẩm âm nhạc cũng như tài năng người nhạc sĩ, cần có thời gian để kiểm chứng.

* ĐNCT: Vì sao nhạc sĩ lại tin tưởng vào điều đó?

- NSNC: Tôi rất tin tưởng vào tâm hồn và tự hào về tâm hồn người Việt Nam - Một dân tộc có một bề dày văn hóa và một kho tàng ca dao, tục ngữ đồ sộ; một dân tộc tạo nên được một nền dân ca hay như thế, đặc sắc như thế thì cần phải có thời gian để kiểm chứng. Những tác phẩm nào không hay, không phù hợp với tâm hồn người Việt thì nó sẽ tự loại bỏ. Chúng ta cần nhớ một điều, đừng bao giờ gắn cho tác phẩm rằng cần bao nhiêu thời gian để có được một bài hát hay. Chúng ta không nên nôn nóng hay quá bức xúc. Thời gian là lời giải công bằng nhất đối với tất cả mọi thứ.

* ĐNCT: Theo nhạc sĩ, thế hệ nhạc sĩ trẻ hiện nay họ cần làm gì để có những tác phẩm giá trị?

- NSNC: Tôi rất công bằng. Hiện nay trong đời sống có hai kiểu người làm nhạc. Một là những người hành nghề. Lực lượng này rất nhiều, họ coi sáng tác nhạc như một nghề kiếm sống, có đủ sự hỉ nộ ái ố của một cái nghề. Nên chúng ta không ngạc nhiên hay đừng ngạc nhiên vì sao có sự “đạo nhạc”, vì sao có ca khúc thị trường. Người làm nhạc thứ hai là sáng tạo, khám phá tâm hồn. Số này chiếm rất ít, và họ là những người nghệ sĩ thực thụ, sáng tạo bằng tài năng và trách nhiệm đối với cuộc đời, không bao giờ ăn cắp hoặc đạo nhạc. Vì với họ, lặp lại mình đã là một điều tối kỵ, xấu hổ, họ có lòng tự trọng. Điều quan trọng, là đi vào một cái chợ, thì hẳn nhiên, chợ phải có rác, chợ phải đông kẻ bán người mua. Âm nhạc cũng thế. Phải có đủ mọi hệ lụy của xã hội, mọi thứ trộn lẫn, chúng ta sẽ phải đãi cát tìm vàng. Cần tôn vinh những nhạc sĩ có tài thực sự, có tâm thực sự và nên để pháp luật làm nhiệm vụ của mình, đó là xử lý công bằng đối với những hành vi cóp nhạc, đạo nhạc…

Chúng ta hãy nhìn nhận xã hội trong một thái độ tương quan. Thời gian gần đây, trong hàng loạt các tác phẩm âm nhạc xuất hiện, thì có những tác phẩm mang lại hiệu ứng rất cao. Đó là những nhạc sĩ như Lê Minh Sơn với chùm ca khúc viết theo lối mới, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, rồi một số nhạc sĩ nữ rất trẻ như Giáng Son, Sa Huỳnh, Nguyễn Thị Hiền, họ đã có nhiều tác phẩm tốt xuất hiện trong chương trình Bài hát Việt của VTV. Tại sao chúng ta không tự hào vì điều đó? Tôi tự hỏi, giá trị của tác phẩm âm nhạc có cần phải hô hào, có cần “làm quá” không trong dư luận? Sự góp mặt của những nhạc sĩ trẻ này đã khẳng định được sự trong lành, vẻ đẹp lấp lánh của ngôn ngữ Việt. Đó là những gương mặt nhạc sĩ cho chúng ta niềm tin vào thế hệ trẻ - những người sẽ kế thừa và phát huy truyền thống âm nhạc Việt Nam.

ĐNCT: Chúc Nhạc sĩ Nguyễn Cường sức khỏe và sống mãi với Tây Nguyên.

Nguyễn Thị Anh Đào (thực hiện)

;
.
.
.
.
.