.

Bộ sưu tập chân dung độc đáo

.

Thật khó gọi Đỗ Huy Bắc là gì cho chính xác, một doanh nghiệp, nhà sưu tập tranh, người sưu tầm chữ ký… bởi hình như trong anh cộng tất cả những ưu thế đó thành nên tính cách. Anh am tường về tranh, vì những năm cuối thập niên 1980, anh đã từng là chủ một gallery trên đường Đồng Khởi. Như Đỗ Huy Bắc tâm sự, anh là người đã từng chứng kiến, đã từng cầm trên tay những bức tranh vào loại “bậc nhất” của các danh họa Việt Nam.

Nhà sưu tập Đỗ Huy Bắc bên bộ chân dung “mặt thế gian” độc đáo của mình.

Đó là một thời mỹ thuật Việt chưa được nhìn nhận đúng giá trị, chưa có những bản “danh sách đỏ” cho tranh. Cả người yêu tranh và nhà sưu tập tranh cũng “tùy hứng”, “miên man”. Vì thế, anh đã chứng kiến những chuyến ra đi của những kiệt tác không bao giờ trở lại. Và một trong những nguyên nhân “giải nghệ” nghề tranh của anh là không chịu nổi những ấn tượng, những chấn động từ những ám tượng đó. Vì theo anh, chơi tranh ngoài đam mê còn phải hiểu biết.
 
Và hiểu biết đến một ngưỡng nào đó lương tâm của chính mình sẽ khước từ, sẽ “chống lại” cái ác, sự suy đồi, vô đạo đức, tính hủy diệt và bạc bẽo của “Nghề”. Chỉ còn lại “Nghiệp” là không thể dứt bỏ. Còn mãi phiêu du với những bến bờ, những cung bậc màu sắc. Và mỗi khi dịp “ôn cố tri diện” anh lại “lên đồng” về tranh, về nghệ thuật hội họa. Và cái “tâm” anh bây giờ chỉ còn hướng vào đề tài: Tranh chân dung!

Chân dung hay chiếc bóng, cái hiện hữu của “tâm ảnh” luôn luôn là đề tài lớn chế ngự tư tưởng, ngòi bút, nét cọ của những tài năng nổi tiếng. Đỗ Huy Bắc đeo đuổi mảng tranh chân dung, anh muốn ghi tạc những khoảnh khắc hiện hữu từ “nghệ thuật phù du” đó qua ngôn ngữ tạo hình là hội họa. Sau một thời gian gần hai mươi năm “đầm đìa” với sắc màu, anh ngộ ra nghệ thuật hội họa là “vô bờ bến”. Và anh tự nhìn nhận một cách khiêm tốn rằng bản thân chỉ có thể “đeo đuổi” và “chơi đến cùng” mảng tranh chân dung!
 
Thoắt nghe tưởng phớt cơn gió nhẹ nhưng đi sâu vào đề tài mới thấy “chơi” chân dung là không đơn giản. Bởi cái đẹp của dòng tranh này không phải “lộ thiên” dễ thấy ở chân dung của các văn nghệ sĩ nổi tiếng mà còn “ẩn khuất” tiềm tàng, lặn sâu trong chân dung những người vô danh, dân lao động bình dị. Và những họa sĩ nổi tiếng khi vẽ chân dung là giây phút chộp bắt thần kỳ cái chớp lóe khoảnh khắc thiên thu của thân phận. Biến bức tranh “người thật việc thật” ngồn ngộn hơi thở hiện thực trở thành vĩnh cửu. Để người chơi tranh cũng mê đắm, khi cười khi khóc rưng rưng trên tay “chân dung nhân gian” ấy!

Nhà văn Nguyễn Tuân.
Và như thế, Đỗ Huy Bắc đã miệt mài “lặn lội” năm này qua tháng khác. Anh mất ăn mất ngủ nếu như biết ở đâu còn có tranh quý. Nếu có điều kiện tiếp cận những chân dung ở Pháp hay Mỹ thì anh cũng sẵn sàng lên đường. Anh là người đã mua lại từ Paris nhiều bức tranh khá đẹp của họa sĩ Trần Lưu Hậu trong một đợt ông sang Pháp và vẽ chân dung “thực địa” ở đây để đưa về nước.

Với bức tranh sơn dầu “Chân dung nhà thơ Hoàng Cầm, anh bộ đội Cụ Hồ” của Lưu Văn Sìn, họa sĩ “cao giá” thuộc lớp cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương càng kỳ thú hơn. Qua giới thiệu của nhà quay phim Trần Hùng (quay phim chính các bộ phim nổi tiếng như Thời xa vắng, Chuyện của Pao), anh đã bay thẳng ra Hà Nội mua tranh và đưa tranh về trong ngày. Bức tranh độc đáo ở điểm đã vẽ nhà thơ thời gian còn trong quân ngũ với áo trấn thủ, mũ cối, đôi mắt sáng, cương nghị. Đây cũng là thời điểm ông đã viết bài thơ nổi tiếng “Bên kia sông Đuống”. Cẩn thận hơn, bức tranh đã có bút tích của chính nhà thơ Hoàng Cầm xác nhận “giá trị thực” phía sau.

Nhiều bức chân dung khá đẹp khắc họa các bậc tài danh văn nghệ khác như nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Phan Vũ, Đặng Đình Hưng, Lê Chính… qua đôi mắt tinh tế và bàn tay tài hoa của các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao…

Nhà thơ Phan Vũ.

Nó lột tả được sự sâu thẳm trong chất người và chất văn mà các ông một đời chiu chắt, thể nghiệm. Ở mảng tranh chân dung những người lao động, Bùi Xuân Phái đã xuất thần với hàng loạt tranh khổ nhỏ vẽ đủ lớp người “cần lao” từ anh công nhân, thợ máy, chị lao công, em bé, thiếu phụ chải tóc bên khung cửa… Đặc biệt, có bức còn ghi chú “ vẽ Phương…”. Đó chính là chân dung họa sĩ, nhà sưu tập Bùi Thanh Phương, người con trai kế tục sự nghiệp ông bây giờ.

Thành tâm với “cuộc chơi” sẵn sàng “ta bà” hết ngóc ngách này đến mê lộ khác của tranh, sưu tập của Đỗ Huy Bắc vì thế đa dạng và đa diện. Đến hôm nay anh có thể tạm hài lòng với bộ sưu tập “mặt người” của mình. Hơn 500 bức tranh đủ mọi thể loại từ sơn dầu, màu nước, khắc gỗ, chì, đồng, minh họa từ các họa sĩ “đại thụ” tên tuổi như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao đến các họa sĩ đương đại Thành Chương, Lê Quảng Hà, Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Thanh Bình, Kim Bạch, Văn Dương Thành, Hoàng Tường, Vũ Thăng, Nguyễn Thị Hiền, Đào Anh Khánh, Bùi Minh Dũng, Hoàng Hà Tùng, Bùi Hoàng Mai…

Sự đa dạng thể loại và phong cách làm cho bộ chân dung hàm súc từ nhiều phía. Nó như nhiều mặt sáng tối của con người được lật trở, chiêm ngắm, phát hiện. Những chân dung dựng lại một dòng thời gian sống và kẻ sĩ chơi mặt người để tìm kiếm chính gương mặt mình trên những biên thùy tương lai

ĐÔNG DƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.