Sau sự thành công của “Đất và Người” cùng “Ma làng”, đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hữu Phần vẫn tiếp tục say sưa đề tài về nông thôn với bộ phim “Gió làng Kình”. Ông cho rằng, "Gió làng Kình" là cái nhìn trực diện về nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới, phản ánh mặt trái của các vùng quê trong thời kinh tế thị trường…
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trong buổi họp báo ra mắt “Gió làng Kình”. |
- Điều gì ở đề tài nông thôn hấp dẫn ông? Theo ông, làm sao để phim về đề tài này thật sự hấp dẫn đông đảo công chúng?
* Đề tài về nông thôn không có nghĩa chỉ là những vấn đề riêng rẽ về nông thôn mà trong đó, nó sẽ phản ánh tất cả vấn đề của đời sống hiện tại. Ở nông thôn bao giờ cũng có những trình độ khác nhau: người có học vấn cao, cán bộ, có người gia trưởng… Nó sẽ tạo ra nhiều màu sắc hơn ở thành phố, và làm phim về đề tài nông thôn có điều kiện để xây dựng các nhân vật đa chiều hơn. Vì thế, phim về đề tài nông thôn dễ xem và khán giả vẫn rất hứng thú với nó.
- “Gió làng Kình” có phải là “Ma làng 2” không?
* Nhiều người cũng hỏi tôi về điều này. Thật ra, tôi đã đặt tác giả viết kịch bản “Ma làng 2” rồi, nhưng nó sẽ là một bộ phim khác trong hệ thống loạt phim về đề tài nông thôn sau đổi mới.
- Vậy với “Gió làng Kình”, khán giả sẽ không tìm thấy những điểm tương đồng với những phim trước đây của ông?
* "Đất và Người", "Ma làng" phản ánh những câu chuyện thời bao cấp, còn “Gió làng Kình” phản ánh bộ mặt của nông thôn Việt Nam thời đổi mới. Khán giả sẽ thấy phim này khác rất nhiều so với phim trước, nó không phải là nông thôn xưa nữa mà là nông thôn ngày nay. Bộ phim phản ánh mặt trái của các vùng quê trong thời kinh tế thị trường với những hiện tượng: người dân sôi sục vì đất cát, bị cuốn vào cơn sốt làm giàu, ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội... Bộ phim chạy theo cốt chuyện về ngôi làng khá điển hình, với một tay trưởng thôn lộng quyền, hách dịch, dùng mọi thủ đoạn để vơ vét, phá hoại cuộc sống người dân, làm điên đảo cả làng quê yên bình... Trong "Gió làng Kình" cũng phản ánh việc người dân sử dụng quyền dân chủ cơ sở qua tấm phiếu bầu chưa đúng đắn, chỉ vì những lời phỉnh nịnh, hứa hẹn mà bầu ra người trưởng thôn nham hiểm, gian ác, phá hoại cuộc sống làng xóm…
Một cảnh trong phim “Gió làng Kình”.
* Với việc đưa vào 15 diễn viên tên tuổi; đặc biệt, dàn diễn viên này đã từng thành danh từ những bộ phim về đề tài nông thôn trước đó, nhiều người cho rằng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đang “ăn theo”?
* Hoàn toàn không, vì rất khó để có thể chọn được dàn diễn viên xuất sắc như Bùi Bài Bình, Hồng Sơn… Trước hết, họ là những người cực kỳ yêu nghề và làm việc nghiêm túc. Đó là điều mà diễn viên trẻ bây giờ khó có thể làm được. Đồng thời, họ cũng là người rất khó tính trong việc chọn lựa kịch bản phim để tham gia diễn xuất. Nếu nói “ăn theo” thì cả hai cùng “ăn theo” nhau. (cười)
- Sau “Đất và Người” và “Ma làng”, nhiều người đã trìu mến gọi ông là “ông Phần nông thôn”. Nhưng hình như trong tương lai, ông đang có ý định đổi thành “ông Phần Hà Nội”?
* Tôi rất hạnh phúc khi được khán giả yêu mến và gọi tôi là “ông Phần nông thôn”. Tôi và nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến đang có dự án làm phim về thành phố, tạm thời dừng đề tài nông thôn một thời gian chứ không phải là bỏ hẳn. Dự án này cũng rất thú vị. Bộ phim đó có thể được đặt tên là “Giải tỏa”. Nói chung là sẽ có một xã hội nông thôn trong một khu nhà tập thể với nhiều chuyện và nhiều tuyến nhân vật khác nhau. Phim này khoảng 40 tập.
- Cảm ơn đạo diễn!
HỒ HUY SƠN (ghi)