.

Chật người chật đất…

Ban đầu thì thấy yêu mọi thứ hoang dại xung quanh nhà, lau sậy, cỏ hoang, xa xa là vạt tràm xanh thẫm. Ban đầu thì thích mê sự bình yên trong vắt nơi này, sáng dậy nghe tu hú thắt thẻo, những tối mưa dầm ễnh ương kêu loạn, nửa như cãi nhau, nửa lại như ca hát. Lâu dần, đôi lúc thấy thèm hàng xóm. Chẳng để làm gì, bởi chị không có năng khiếu… chơi, chính xác là khả năng la cà, nghe ngóng, góp lời. Nhưng bên vách có người, sẽ nghe tiếng trẻ con chạy giỡn, tiếng xoong chảo chạm vào sàn nước, tiếng loẹt xoẹt của giày dép, hay tiếng cánh cổng lúc mở, khép…

Thật ra thì chị đã có láng giềng vách phải, một gia đình luôn đi sớm về muộn và (chắc là) ít nói, vì họ gọi cửa bằng cách… bấm còi xe. Nếu giữa trưa hoặc giữa đêm, mà nghe còi xe nhịp nhàng từ đầu đường, dai dẳng tận cổng, thì bên đó có người về. Nhà ba người thì sẽ có ba đợt còi xe giòn tan. Sau đó thì tiếng bầy chó rối rít mừng chủ. Sau đó là tiếng cửa sắt dập vào nhau lách cách. Rồi im phắt.

Bên vách trái vẫn là một đám cỏ hoang. Rồi một ngày láng giềng mới cũng tới, lúi húi làm cỏ, đo đạc, xe cộ lúi húi đổ vật liệu. Chị mừng lắm, vài dịp gặp ở cổng rào, gật đầu chào nhau, nghĩ, người bên đó chắc trạc tuổi mình. Họ cũng có trẻ con, con gái chị nhiều hy vọng sẽ không còn chơi thui thủi. Hai tháng, rồi bốn tháng, nhà bên sắp xong, dì Út lại chơi, nói, “bên đó coi bộ chơi không được…”. Hỏi sao vậy, dì cười, thì nhìn đi, nóc cao hơn nhà mình chừng gang tay, vách trước nhô khỏi nhà mình chừng gang tay, đến cái cổng cũng cố cao hơn chút.

Chị cười nói dì già nên khó tính, họ phải làm nhà theo bản thiết kế. Đâu phải, dì lý luận, người ta đã quy hoạch cả dãy phố này chiều cao giống nhau, khoảng cách từ nhà ra đường là bao nhiêu, sân bao nhiêu, cũng hệt nhau. Nhà mình đây cũng thẳng tắp như người ta. Chị chống chế, vậy chắc họ nghe ông thầy phong thủy. Dì lắc đầu, “là cái tâm hơn thua nhau từng chút…”.

Chị cười, nếu dì để ý chuyện đó, nghĩa là dì cũng đang hơn thua đó thôi. Dì cũng cười, ờ hén, nhưng người ta “cấy” vào đầu mình trước, xóc vô con mắt, không nghĩ tới sao được. Dì về rồi, để chút buồn ở lại. Chị nhớ bạn mình, một bà mẹ sầu muộn, thấy trẻ bên xóm được điểm mười kèm theo chữ “giỏi”, về nhà cứ ấm ức, sao con mình chỉ có điểm mười trụi lủi vậy trời. Trẻ nhà bên được đi thi vở sạch chữ đẹp, bạn ngó con mình buồn bực. Chị nhớ mấy chú ở cơ quan, chỉ việc mua điện thoại thôi mà làm đám nhân viên rối bù, máy của chủ tịch phải đẹp và đắt hơn máy của mấy anh phó, ba anh phó phải mua ba máy giống hệt nhau. Chị nhớ lần nào dừng ở chốt đèn đỏ, cũng có anh cố rướn xe lên khỏi vạch sơn trắng chừng nửa bánh xe, rồi anh khác trờ tới, lại rướn hơn anh kia nửa bánh xe. Chị nhớ những cái sạp rau cải ở chợ, thím này chồm ra lối đi một tí, ngay lập tức cô kia cũng xoắn tay kéo sạp mình ra sao cho vượt khỏi quầy của bạn một tí.

Dường như đất không chật, mà do lòng người chật, nên thành phố càng chật, tủn mủn và nát vụn. Cái sự “cao hơn, xa hơn” của căn nhà bên vách không làm họ đẹp hơn, cũng không làm nhà chị xấu đi. Nhưng lòng chị đã bớt phấn khích ít nhiều, việc xây dựng mối quan hệ ấm áp, lãng mạn với hàng xóm đã không còn lung linh như một giấc mơ. Chốn về này hao hụt mất một phần thi vị.

Nghĩ, tại dì Út hết. Mười mấy năm ngồi đánh máy, viết đơn mướn, chứng kiến người ta giành giật, chen lấn, tìm cách đè bẹp, giẫm đạp nhau… làm dì nhìn đời khắc nghiệt, quay quắt mất rồi.

NGUYỄN NGỌC TƯ

;
.
.
.
.
.