.
Chuyện xưa xứ Quảng

Về chầu liệt thánh lòng son đấy

.

Nguyễn Duy Hiệu người làng Thanh Hà, phủ Điện Bàn (nay thuộc phường Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ông sinh năm 1847, đậu Phó bảng, ra làm quan được phong hàm Hồng lô Tự khanh, nên địa phương thường gọi ông là Hường Hiệu hoặc Hường Thanh Hà. Cái chết đại nghĩa của ông đã đi vào bất tử.

Lăng mộ Nguyễn duy hiệu ở làng quê ông. (ảnh V.T.L)

Năm 1885, khi đang làm Dưỡng tập tại Dưỡng Thiện Đường (nơi dạy các hoàng tử), Nguyễn Duy Hiệu lấy cớ phải phụng dưỡng mẹ già trên 80 tuổi nên cáo quan về quê. Sau đó, ông tham gia và trở thành lãnh tụ của Nghĩa hội Quảng Nam. Cũng năm này, Phan Bá Phiến từ quan về quê lãnh chiếu Cần Vương, giữ chức Án Sát sứ, cùng Nguyễn Duy Hiệu tổ chức và lãnh đạo Nghĩa hội.

Phan Bá Phiến người làng Kỳ Lộc, huyện Hà Đông, đậu Cử nhân khoa Canh Ngọ (1882), từng làm Tri huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tham gia Nghĩa hội, họ Phan là cánh tay mặt của Nguyễn Duy Hiệu, phụ trách toàn bộ giấy tờ, sổ sách.

Cuối năm 1887, triều đình Đồng Khánh và thực dân Pháp quyết chí tiêu diệt phong trào Cần Vương, nên dồn lực lượng bao vây nghĩa quân và xâm nhập vào tận sào huyệt của Nghĩa hội ở căn cứ Trung Lộc. Cả gia đình bị giặc bắt, Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến chạy xuống vùng biển An Hòa (phía Đông Nam Tam Kỳ).

Nhận thấy Nghĩa hội đã bước vào giai đoạn suy tàn, lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu bàn với Phan Bá Phiến: “Nghĩa hội ba tỉnh ông với tôi thật chủ trương. Việc đã không thể làm thì chỉ có chết mà thôi. Nhưng hai ta cùng chết một lúc là vô ích. Ông hãy chết trước. Phần tôi, tôi sẽ giải tán Hội rồi đem thân mặc cho Pháp bắt. Người Pháp tra hỏi, tôi sẽ cực lực giải thoát cho Hội. Một mình tôi chết không đáng tiếc, còn Hội ta sau này có kẻ làm thành chí ta, tức là ta sống đó”.

Đối với Phan Bá Phiến, câu nói “ông hãy chết trước” là mệnh lệnh của chủ soái, là sự phân công của tổ chức và cũng là lời trao gởi chí tình của người đồng chí.

Trước mặt ba quân, Phan Bá Phiến đem tất cả hồ sơ sổ sách của Nghĩa hội ra đốt, mang tất cả bí mật của Nghĩa hội theo mình. Xong đâu đấy, ông mang đai, đội mão hướng về phía Bắc lạy năm lạy, quay sang Nguyễn Duy Hiệu lạy một lạy và nói “ông gắng sức, tôi xin đi”, rồi bình thản nâng chén thuốc độc lên uống cạn (gói thuốc này Phan Bá Phiến luôn mang theo bên mình, từ ngày tham gia Nghĩa hội).

Còn Nguyễn Duy Hiệu thì sau đó về lại quê nhà, thọ tang mẹ, xong ra miếu thờ Quan Công ở giữa bãi cát Thanh Hà, mặc áo dài đen, vấn khăn nhiễu, ngồi xếp bằng tự tại trước tượng Quan Vân Trường, rồi cho người báo tin để Nguyễn Thân đến bắt. Ông không muốn bị bắt ở nhà sợ sẽ làm kinh động đến vong linh mẹ.

Trước đó, ngày 6-9-1887 (20-7 Đinh Hợi), thầy của Nguyễn Duy Hiệu là Cử nhân Lê Tấn Toán bị bắt đưa về Tỉnh đường Quảng Nam và bị buộc tội làm quân sư cho “ngụy hội”, phải thọ hình “tam ban triều điển”, ông khảng khái nhận chén thuốc độc để giữ tròn nghĩa khí. Học trò góp tiền mua lụa phong kín thi thể thầy, đưa về quê thầy ở làng Hà Lộc. Gia phả tộc Lê Tấn ghi rằng có một đêm Hường Hiệu cải trang lẻn về lạy thầy. Lúc bị bắt, Hường Hiệu yêu cầu Nguyễn Thân cho mình được ra viếng mộ thầy lần cuối. Thân không cho, Hường Hiệu đành quỳ trong cũi quay mặt về làng Hà Lộc lạy vĩnh biệt thầy. Cảnh tượng đau lòng ấy khiến lính áp giải ông cũng phải rơi lệ!

Khi bị giải ra đến Viện Cơ mật ở Huế, ông vẫn ung dung tự tại và bảo: “Nghĩa hội Quảng Nam ở ba tỉnh không dưới vài trăm, đều là người có tên tuổi, nhưng cam tâm làm giặc duy chỉ có mình Hiệu mà thôi. Kỳ dư đều bị ép theo. Họ sợ bị thiêu hủy nhà cửa, không dám không theo, ngoài ra không có bụng gì khác. Vậy chém một mình Hiệu cũng đủ, chớ nhọc lòng hỏi tội những kẻ khác làm gì”.

Ngày rằm tháng tám năm Đinh Hợi (1-10-1887), Nguyễn Duy Hiệu mình trần, tóc quấn ngược lên đầu, vận một quần lụa, thắt lưng màu đỏ, ung dung ra pháp trường với một nụ cười, không mảy may xúc động. Trước khi chết, ông có để lại hai bài thơ nổi tiếng, trong bài thứ hai có câu: “Hàn sơn kỷ đắc cô tùng cán/ Đại hạ yên năng nhất mộc chi/ Hảo bả đan tâm triều liệt thánh/ Trung thu minh nguyệt bạn ngô qui”. Huỳnh Thúc Kháng dịch thơ: “Núi lạnh tùng côi xơ xác đứng/ Nhà to cột một khó ngăn ngừa/ Về chầu liệt thánh lòng son đấy/ Tháng tám trăng rằm sẵn dịp đưa”.

Pháp và Nam triều cho ngựa trạm đặc biệt hỏa tốc đưa thủ cấp của ông về Điện Bàn, quê của ông, bêu lên nhằm răn đe dân chúng.

Chưa đầy 60 năm sau ngày Nghĩa hội Quảng Nam tan rã, chí hướng của Nghĩa hội đã được toàn dân ta thực hiện thành công qua cuộc Cách mạng Tháng Tám. Hẳn Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến và tất cả những nghĩa sĩ tham gia Nghĩa hội Quảng Nam một thời đã mỉm cười mãn nguyện ở thế giới bên kia...

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.