.
Cửa sổ tri thức

Thể loại báo chí feuilleton

.

* Xin cho biết “chạy phơi-tông” trên báo là hình thức chạy bài như thế nào? Ở nước ta, thể loại báo chí này đã phát triển ra sao? (Đinh Thanh Tâm, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Feuilleton (đọc theo âm Pháp là “phơi-ơ-tông”) được giảng trong Vietnamese Online Dictionary: (danh từ) mục tiểu phẩm (ở dưới trang báo); đoạn tiểu thuyết (phê bình, khoa học) đăng dần từng kỳ (trên báo).

Hồ Biểu Chánh (1884-1958) là tác giả viết feuilleton nổi tiếng của Việt Nam.

Theo bài viết “Nhà văn Sơn Nam kể chuyện làm báo” đăng trên báo Công an TP.HCM ngày 20-6-2008, feuilleton là từ chuyên môn của những người làm báo Pháp. Feuilleton là một truyền thống riêng của làng báo Pháp, làng báo Hoa Kỳ không có feuilleton. Tạp chí Pháp có lệ đăng tiểu thuyết dài nơi trang trong từ những năm 50 thế kỷ XIX. Người viết feuilleton nổi tiếng nhất của Pháp là Alexandre Dumas, các tác phẩm lừng danh của ông như “Les Trois Mousquetaires” (Ba người lính ngự lâm), “Le Comte de Monte-Cristo” (Bá tước Monte-Cristo) vốn là những bộ tiểu thuyết feuilleton điển hình.

Việc đăng tải tiểu thuyết đều kỳ trên báo hằng ngày này nhằm đáp ứng nhu cầu “đọc dần dần” một tác phẩm dài hơi, có khi như là đọc cùng lúc nó đang được viết ra. Chính cái khoảng cách rất gần giữa thời điểm viết ra truyện và thời điểm được người ta đọc tạo ra sự “nóng sốt” của tâm lý công chúng, tạo ra sức sống của văn hóa đọc…

Nhà phê bình Lại Nguyên Ân đánh giá: “...báo chí tiếng Việt ở miền Bắc những năm 1950 trở về trước, báo chí ở miền Nam trước năm 1975, hầu hết tiểu thuyết và truyện dài nói chung đều xuất hiện dưới dạng đăng nhiều kỳ trên báo trước khi in thành sách riêng”.

Theo nhà văn Sơn Nam, ở Nam kỳ và làng báo Sài Gòn xuất hiện tiểu thuyết feuilleton từ những năm 1930. Một trong những tác giả viết feuilleton nổi tiếng của lúc đó là Hồ Biểu Chánh (tác giả những bộ truyện nổi tiếng “Tỉnh mộng”, “Cay đắng mùi đời”, “Ngọn cỏ gió đùa”), đứng hàng thứ hai là Phú Đức (“Châu về hiệp phố”, “Căn nhà bí mật”…).

Mới đây, thể loại feuilleton đã trở lại làng báo Việt Nam khi báo Tuổi Trẻ sử dụng rất thành công hình thức này để đưa nhật ký “Chuyện đời” (hay “Mãi mãi tuổi hai mươi”) của Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đến với độc giả.

Riêng về tiểu thuyết, nhà văn Vũ Hạnh có lẽ là người đầu tiên viết feuilleton ở Việt Nam kể từ sau năm 1975 khi ông cho chạy gần 3 tháng tác phẩm “Cậu Tư Bạch” trên báo Cần Thơ trong năm 2006.

Mắt xanh, mắt trắng

* Người ta thường nói “Lọt vào “mắt xanh” của ban giám khảo”. Xin cho biết “mắt xanh” nghĩa là gì? (Nguyễn Mai, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Từ Hải: “Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”

- “Mắt xanh”, từ Hán Việt là “Thanh nhãn”. Mắt gồm có tròng đen (hoặc xanh) ở giữa, hai bên là tròng trắng.

“Mắt xanh” xuất phát từ một giai thoại về Nguyễn Tịch, người đời nhà Tấn, Trung Quốc. Ông làm quan rồi cáo bệnh về nhà, rất ưa rượu và đàn. Ông có một thái độ lạ lùng. Khi tiếp khách, hễ gặp hạng quân tử, hạng người vừa lòng mình thì ông nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng.

Do điển tích này, về sau người ta dùng chữ “mắt xanh” để chỉ sự bằng lòng, vừa ý. Trong “Đoạn trường tân thanh” của cụ Nguyễn Du, lúc gặp Kiều ở thanh lâu, Từ Hải nói với Kiều: “Bấy lâu nghe tiếng má đào/ Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”, là ý muốn hỏi: Nàng chưa thấy ai là người vừa ý phải không? (Tức là nàng chưa tiếp ai bằng mắt xanh).

Chữ Hán có thành ngữ “Thanh nhãn nan phùng”, nghĩa là mắt xanh khó gặp. Ý nói: Rất khó gặp bạn tri âm tri kỷ.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.