Thận trọng và cân nhắc là những cụm từ được nhắc đến trong tu bổ, phục chế tháp Chăm hiện nay. Để giữ lại “hồn” của di sản theo đúng nguyên trạng, phương pháp trùng tu là không nên làm giả, không được đặt ra giả thuyết và “những vật liệu mới cần dùng cho thao tác này (bảo tồn, trùng tu) phải luôn luôn được lộ rõ để có thể nhận ra được” (Hiến chương Athens).
Một hành động trung thực
Phát lộ di tích tháp Chăm Khương Mỹ. |
“Trả” lại dự án, cũng không hiểu vì sao các nhà khoa học này không thử áp dụng một phương pháp trùng tu khác đã từng được thực hiện tại các tháp Chiên Đàn và Mỹ Sơn. Giới chuyên môn cho rằng đây là một hành động trung thực, thể hiện lòng tự trọng của các nhà khoa học và đáng biểu dương bởi nhiều dự án trùng tu tháp Chăm đã được đánh giá là “thành công”, nhưng một thời gian đã lộ rõ sự thất bại. Tại một Hội thảo khoa học về trùng tu tháp Chăm được tổ chức cách đây gần 10 năm, nhiều phương pháp đã được đưa ra, nhưng rồi không nhà khoa học nào (cả trong và ngoài nước) dám khẳng định phương pháp của mình là “tối ưu”, để rồi mấy chục năm qua các tháp Chăm vẫn là một bí ẩn với tất cả các nhà khoa học cũng như những ai quan tâm đến nó.
Thử nghiệm tiếp thử nghiệm
Trầm mặc Mỹ Sơn. |
Trong các công trình tu bổ các tháp Chăm từ trước đến nay, về cơ bản cũng chỉ mới làm được một việc là giữ cho các công trình ở đây không bị tiếp tục hư hại, còn nói về kỹ thuật trùng tu thì những cách làm từ trước đến nay đều bộc lộ những điểm hạn chế riêng... Theo ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Nam, những năm trước đây, một số tháp như Pô Naga (Nha Trang), Tháp Đôi, tháp Bánh Ít (Bình Định) được trùng tu với những mảng tường tháp được xây phục hồi sụt vào so với bề mặt nguyên gốc vài centimet để phân biệt phần nguyên gốc và phần phục hồi, sau đó mài phẳng phần mới xây. Việc mài phẳng phần phục hồi khiến gạch dễ bị mưa gió xâm thực, dễ mọc rêu hơn là để nguyên.
Không chỉ bế tắc trong việc giải mã bí ẩn kỹ thuật xây tháp của người xưa, ngay việc tìm ra một phương pháp để giữ nguyên trạng, không cho di tích xuống cấp hoặc sụp đổ thì các nhà nghiên cứu cũng chưa đưa ra được phương pháp nào khả dĩ. Kiến trúc sư người Ba Lan Kazic trong thập kỷ 80 thế kỷ trước đã chống sập các di tích bằng những mảng tường xi-măng mới ốp, dựng bên cạnh. Hoặc dùng phương pháp liên kết hai viên gạch bằng cách khoan lỗ ở giữa chúng rồi đổ xi-măng và úp hai viên vào nhau.
Nhìn bề ngoài không thấy mạch vữa nhưng liên kết xi-măng ở giữa vẫn giữ đứng được công trình. Phương pháp trùng tu này khi mới hoàn thành thì trông thật đẹp nhưng sau một mùa mưa, chất xi-măng hòa tan trôi ra, kết tủa trên mặt gạch trông rất loang lổ và nham nhở. Nhưng không thể phủ nhận một sự thật là phương pháp này đã chứng tỏ hiệu quả về mặt bảo tồn, chống sập trước sự hủy hoại của thời gian ở tháp Chiên Đàn và một số tháp trong cụm tháp Chăm Mỹ Sơn.
Giữ “hồn” di sản theo đúng nguyên trạng
cụm tháp Chăm Khương Mỹ |
Sự xốp và thoát nước nhanh của tháp Chăm cũng là nguyên nhân khiến tháp Chăm “khô” hơn chung quanh, cũng có nghĩa là kém dẫn điện hơn, điều đó đã khiến cho không tháp Chăm nào bị sét đánh trong hàng ngàn năm qua. Đó là những kinh nghiệm đúc kết được của một con người đã suốt một đời gắn bó với gạch Chăm, với các công trình kiến trúc Chăm-ông Lê Văn Chỉnh. Ông qua đời, để lại hai ngôi tháp thử nghiệm ở Đà Nẵng, một ở nhà hàng Apsara và một ở khu du lịch Suối Lương. Nhưng qua thời gian, ngôi tháp tại nhà hàng Apsara đã lộ rõ điểm yếu như mặt ngoài viên gạch được chạm khắc bị bào mòn, gạch biến màu...
Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - Trung tâm Bảo tồn di sản, di tích Quảng Nam, một người đã mấy chục năm lăn lộn với các công trình trùng tu di tích Chăm ở Mỹ Sơn, Chiên Đàn, thì dù áp dụng phương pháp trùng tu nào đi nữa, các di sản này buộc phải áp dụng cách thức: tôn trọng tuyệt đối giá trị nguyên bản, tính chân xác; chỉ gia cường, gia cố những vị trí đã xuống cấp vì tháp Chăm đăng đối về khối, nhưng không đăng đối về hình vẽ nên tuyệt đối không học theo giá trị mỹ thuật để làm mới.
Mảng tường chống sụp bằng xi-măng bên trái. |
Tại buổi làm việc mới đây giữa Trung tâm Bảo tồn di sản, di tích và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Nam, các ý kiến đều thống nhất sẽ áp dụng phương pháp tu bổ này cho cụm tháp Chăm Khương Mỹ, dự kiến sẽ được tiến hành trùng tu lại vào đầu năm 2009.
Tinh thần không phục dựng di tích, không trùng tu làm mới mà giữ nguyên tính lịch sử đối với tháp Chăm có lẽ cũng không ngoài nguyên tắc đối với những di tích, di sản như các đền, chùa, miếu mạo ở khắp đất nước này được sửa chữa làm thay đổi giá trị nguyên gốc đã và đang diễn ra mỗi ngày.
Hoàng Nhung